Ông Bob Hawke là người đã ngồi trên chiếc Thủ Tướng trong thời gian dài thứ Ba trong lịch sử Australia. Hồi đầu tuần, ông chào mừng các đại biểu đến dự buổi khai mạc chiến dịch vận động chính thức tại Brisbane. Tại đây, ông phát biểu:
“Điều đã xảy đến cho đất nước này là cuộc khủng hoảng tài chánh lớn nhất kể từ sau cuộc Đại suy thoái, và Đảng Lao Động đã có thành tích tốt đẹp hơn bất cứ chính quyền nào khác trong thế giới đã phát triển.”
Giới lãnh đạo Đảng Lao Động luôn tự coi là những nhà quản trị kinh tế tài ba. Họ cho rằng các kế hoạch khích lệ kinh tế quy mô của chính phủ Lao Động đã giúp nước Úc tránh được tình trạng suy thoái, giữa lúc các nền kinh tế tiên tiến khác chật vật xoay xở trong tình trạng trì chậm kinh tế toàn cầu.
Thủ Tướng Úc, bà Julia Gillard, nhắc đến một vị anh hùng khác của Đảng Lao Động, đó là cố Thủ Tướng Ben Chiefley, người đã lãnh đạo Australia trên con đường hồi phục từ sau Thế Chiến thứ Hai.
Thủ Tướng Gillard nói: “Cố Thủ Tướng Ben Chifley từng đề cập đến ánh sáng lấp lánh trên ngọn đồi. Trong một thời đại khác, tại một quốc gia khác và một thời điểm khác, Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đã gây phấn khích cho cả một quốc gia khi ông tuyên bố: Yes, we can! Vâng, chúng ta có thể thực hiện mục tiêu! Tôi yêu cầu quý vị, khi đi bỏ phiếu vào ngày thứ Bảy này, hãy nói: Yes, we will! Vâng, chúng tôi sẽ thực hiện mục tiêu. Vâng, chúng ta sẽ cùng nhau tiến lên phía trước. Thưa các bạn, đó là ý nghĩa của ngày bầu cử ngày thứ Bảy sắp tới, và tôi khẩn cầu quý vị hãy khẳng định rằng chúng ta sẽ cùng nhau tiến vào tương lai.”
Di trú, giáo dục, và chăm sóc y tế là những quan tâm lớn trong chiến dịch vận động tranh cử lần này, thế nhưng vấn đề chủ yếu vượt trội là kinh tế.
Những hoạt động xuất khẩu khoáng sản sang Trung Quốc tăng vọt đã giúp đẩy mạnh đà phát triển kinh tế của nước Úc, với tỷ lệ thất nghiệp du di trên dưới 5%, một tỷ lệ tương đối thấp so với phần lớn các nền kinh tế phát triển nhất trong 2 năm qua.
Thủ lãnh Đảng Tự Do đối lập, ông Tony Abbott, tố cáo chính phủ Lao Động trung-tả là đã phí phạm hàng tỉ đôla, để chi vào những nỗ lực vô bổ, và những chương trình khích lệ kinh tế không cần thiết. Ông Abbott nói những chi tiêu ấy đã đặt Australia vào thế dễ bị tác động trước những chấn động kinh tế toàn cầu trong tương lai.
Ông Tony Abbott nói: “Nói giản dị, nếu thế giới thay đổi, chúng ta phải có khả năng thích ứng. Điểm mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây là chúng ta sẽ ở trong vị thế yếu hơn để có thể đáp ứng trước bất cứ cuộc khủng hoảng kinh tế nào, chỉ vì chính quyền này đã vung tay chi tiêu phí phạm. Chính quyền này luôn khoa trương về các thành tích kinh tế của mình. Tập đoàn lãnh đạo này đã biến mức thặng dư ngân sách lên tới 20 tỉ Úc kim (tương đương 18 tỉ đôla Mỹ), thành mức thâm hụt 57 tỉ Úc kim (51 tỉ đôla Mỹ).”
Các cuộc thăm dò ý kiến cử tri lên xuống bất thường trong chiến dịch vận động tranh cử kéo dài vỏn vẹn 5 tuần lễ.
Đa số cho thấy cuộc biểu quyết vào ngày thứ Bảy tới sẽ rất sít sao. Giới phân tích chính trị tại Australia nhận định rằng nói chung, các chính sách của hai chính đảng lớn tương đối giống nhau, không có bao nhiêu khác biệt rõ rệt.
Về vấn đề di trú chẳng hạn, cả đảng Lao động lẫn Đảng Tự do đối lập đều hứa sẽ áp dụng các biện pháp gắt gao hơn để bảo vệ biên giới Australia, bằng cách đưa những người di dân bất hợp pháp đến các trung tâm giam giữ ở các nước láng giềng, trong lúc thủ tục xét đơn tỵ nạn của họ được xúc tiến.
Trong thời gian qua, hai chính đảng lớn của Úc luôn gấu ó nhau về liệu đảng nào có khả năng hơn trong việc quản trị nền kinh tế.
Nhà lập pháp thuộc đảng bảo thủ Andrew Robb là một trong những người tin rằng cuộc biểu quyết sẽ rất sít sao.
Ông Robb nói: “Thật là đáng chú ý khi Đảng Tự do chúng tôi đang ở vị thế có thể thắng cử tại giai đoạn này, xét chúng tôi chỉ mới lâm vào vị thế đối lập trong có mỗi một nhiệm kỳ.”
Trong gần 80 năm qua, chưa có một chính quyền đương nhiệm nào của Australia thất cử sau một nhiệm kỳ duy nhất.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Stephen Smith, thuộc Đảng Lao Động, tin rằng cuộc bầu cử sẽ được quyết định tại một số địa hạt bầu cử chủ yếu, nơi cử tri chưa dứt khoát ngả về phe nào.
Ông Smith nói: “Thắng hay bại trong lúc này, chỉ cách nhau trong gang tấc, ý tôi muốn nói, một vài cuộc thăm dò công chúng cho thấy kết quả ngang ngửa 50-50, hoặc một vài điểm cao hơn bên này, hoặc bên kia. Kết quả sẽ được định đoạt với số ghế từ 20 đến 30.”
Các nhà phân tích chính trị nói cả hai chính đảng lớn đã chọn một lập trường thận trọng, tung ra những khẩu hiệu và những bài diễn văn đã được diễn tập, bởi họ lo ngại nếu lỡ lời quá nhiều bận, họ sẽ thất cử.
Giữa lúc ngày bầu cử đã đến gần kề, một số cử tri tỏ ra không mấy hứng khởi.
Một phụ nữ nói: “Chẳng có ai làm tôi thấy hứng khởi cả. Những phát biểu của họ đều tương tự, nhắc đi nhắc lại đến nhàm chán, còn có vài ngày nữa mà tôi cũng chưa biết sẽ bầu chọn ai. Chẳng có ai cam kết chắc chắn về điều gì. Họ nói cho ra vẻ họ quyết tâm lắm. Tôi tin rằng cuộc vận động này dựa quá nhiều trên cá nhân ứng cử viên.”
Tại Australia, cử tri có trách nhiệm pháp lý phải đi bầu. Hệ thống bầu cử Úc sử dụng cả nguyên tắc bầu cử theo ưu tiên, và theo đại diện tỷ lệ trong các cuộc bầu cử vào Hạ viện và Thượng Viện.
Các cuộc thăm dò ý kiến cử tri tại Australia cho thấy là cuộc bầu cử liên bang vào ngày thứ Bảy 21 tháng 8 sắp tới, sẽ là một cuộc tranh đua vô cùng khít khao. Đảng Lao động đương quyền kêu gọi cử tri hãy tin tưởng vào khả năng quản trị kinh tế của họ, trong khi phe đối lập thuộc phe bảo thủ lập luận rằng cử tri Úc không nên để bị lung lạc bởi một chính quyền tiêu xài phung phí.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1