Australia bị tố giác là làm ngơ việc người tỵ nạn bị ngược đãi trên một hải đảo ở Nam Thái Bình Dương, như một phần trong chính sách nhằm răn đe những người đang có ý định tìm đường tới lãnh thổ Australia bằng tàu để xin tỵ nạn.
Những cáo giác đó là do Hội Ân xá Quốc tế và Tổ chức Human Rights Watch đưa ra. Tổ chức bênh vực nhân quyền này đã du hành tới đảo Nauru để thu thập tài liệu về các điều kiện tại một trại tạm giam do Australia tài trợ. Chính phủ Australia chưa hồi đáp cụ thể những lời cáo buộc đó.
Những người tìm cách xin tỵ nạn bị chặn bắt trong khi đang tìm cách tới Australia bằng tàu đã bị gửi sang các trại tạm giam ở Papua New Guinea và Nauru, một nước cộng hoà nhỏ bé ở Nam Thái Bình Dương.
Chính phủ Australia ở Canberra trước đây nhấn mạnh rằng chính sách này là nhằm cứu mạng sống ở ngoài biển, bằng cách thuyết phục những người khác đừng thực hiện các cuộc hành trình đầy gian nguy tương tự.
Tuy nhiên một phúc trình mới do các tổ chức bảo vệ nhân quyền công bố cho rằng việc Australia không xử lý “cách đối xử vô nhân đạo” đối với những người bị cầm giữ ở Nauru, dường như là một kế hoạch có chủ đích “gây đau khổ” hầu răn đe những người có ý định di dân sang Australia bằng tàu.
Bà Anna Neistat là Giám đốc cấp cao đặc trách nghiên cứu của Hội Ân xá Quốc tế. Bà nói: “Những gì mà tôi đã chứng kiến ở Nauru chỉ có thể được mô tả là những vụ ngược đãi có chủ ý và có hệ thống. Chúng ta không nói tới các trường hợp cá biệt, mà đang nói đến các mô thức hành động. Tôi tin rằng điều đó đã quá rõ: tôi không tin là chính phủ Australia cố gắng che giấu chuyện này. Tôi tin rằng họ cố tình mang những người này ra làm gương để răn đe những người khác chớ tìm đường sang Australia bằng tàu.”
Bà Neistat đã bí mật du hành tới Nauru với một luật sư của Tổ chức Human Rights Watch. Từ chuyến đi cuối cùng của họ vào năm 2012, Hội Ân xá Quốc tế cho biết đã 6 lần xin giấy phép để đến thăm trại tạm giam do Australia bảo trợ, mà vẫn bị khước từ, không cấp giấy phép.
Những lời cáo giác về các hành động ngược đãi bao gồm các hành vi bạo lực và các vụ trấn áp tinh thần dưới tay người địa phương, và ngoài ra, những người bị cầm giữ còn bị khước từ các dịch vụ chăm sóc y tế.
Các tổ chức bảo vệ nhân quyền đã tiếp xúc với hơn 80 người trong số 1.200 người bị chuyển tới đảo Nauru sau khi tìm cách xin tỵ nạn ở Australia, trong đó có những người đến từ Afghanistan, Iraq, Iran và Pakistan.
Một nữ phát ngôn viên của Bộ Di Trú và Phòng vệ Biên giới Australia nói Hội Ân xá Quốc tế đã không tham khảo ý kiến của họ về phúc trình của hội.
Tháng trước, một nhóm bác sĩ đã thách thức các luật lệ ngăn cản không cho họ nói về các điều kiện mà họ đã chứng kiến bên trong các trung tâm tạm giam gây tranh cãi của Bộ di trú Australia.
Tổ chức Bác sĩ Phụng sự Người Tỵ nạn lập luận rằng, các biện pháp áp dụng từ hồi năm ngoái vi phạm các quyền hiến định của họ “về tự do trao đổi các vấn đề chính trị”. Vụ này đang được cứu xét tại Tòa án Tối cao Australia.