Đường dẫn truy cập

Australia cố tìm giải pháp cho hoạt động mua bán đất với nước ngoài


 Môt nông gia đi thăm cánh đồng lúa mì của mình ở Condobolin cách Sydney khoảng 489 km
Môt nông gia đi thăm cánh đồng lúa mì của mình ở Condobolin cách Sydney khoảng 489 km
Các chính trị gia bảo thủ ở Úc đang muốn thắt chặt kiểm soát đối với việc nhà đầu tư nước ngoài mua các trang trại và doanh nghiệp ở nước này. Những lời kêu gọi phải giám sát chặt chẽ hoạt động mua bán đất đai với người nước ngoài được đưa ra vào lúc một tập đoàn bất động sản Trung Quốc xin dự thầu một dự án 15.000 hecta đất canh tác ở vùng hẻo lánh của Úc.

Phe đối lập bảo thủ của Úc muốn Hội đồng giám sát đầu tư nước ngoài của nước này theo dõi sát sao hơn nữa hoạt động mua bán các trang trại và doanh nghiệp cho nhà đầu tư nước ngoài.

Phe này khuyến cáo chính phủ Úc phải dựa trên lợi ích quốc gia mà cân nhắc nên chấp thuận hay từ chối giao dịch mua bán.

Lãnh đạo đối lập Tony Abbott nói ông không muốn hạn chế đầu tư nước ngoài, nhưng ông cho rằng những giao dịch mua bán này nên được kiểm tra kỹ lưỡng hơn. Ông nói:

Điều quan trọng là thu hút đầu tư nước ngoài phải thực hiện trong điều kiện thích hợp, và điều kiện thích hợp đó là khi nó phục vụ cho lợi ích quốc gia của Úc một cách rõ ràng. Việc này chính là việc thuyết phục công chúng rằng đầu tư nước ngoài mà chúng ta nhận phải đáp ứng được mục đích của Úc cũng như mục đích của nhà đầu tư.”

Tập đoàn Thượng Hải Trung Phúc đang đấu thầu cho một dự án nông nghiệp khổng lồ ở tiểu bang miền Tây nước Úc. Tập đoàn này đã thảo ra kế hoạch phát triển hoạt động kinh doanh nông nghiệp ở khu vực cận nhiệt đới, nhưng vấp phải sự phản đối từ những chính trị gia đang ngày càng lo ngại về hoạt động đầu tư nước ngoài vào các trang trại Úc.

Ông John Forrest là một nhà lập pháp bảo thủ trong quốc hội liên bang ở thủ đô Canberra. Ông tin rằng các nhà đầu tư nước ngoài phải chịu sự giám sát chặt chẽ hơn nữa:

Tôi không giữ quan điểm đầu tư nước ngoài là điều xấu, nhưng chúng tôi cần biết rõ là nhà đầu tư sẽ sử dụng người lao động Úc, không được ồ ạt gửi công dân nước họ sang, phải đóng góp cho nền kinh tế địa phương. Đây là những vấn đề quan trọng thuộc về lợi ích quốc gia và tôi muốn thấy những tiêu chuẩn được đặt ra mà nhà đầu tư sẽ phải cam kết thực hiện đúng.”

Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới, không trồng đủ lương thực để nuôi 1,4 tỉ người dân của mình. Nước này đã tỏ ý quan tâm đến một số vùng đất canh tác nông nghiệp quan trọng nhất của Úc.

Ông Alan Moran thuộc Viện nghiên cứu Công vụ, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Melbourne, nói rằng sự Trung Quốc quan tâm đến các trang trại của Úc sẽ gây nên lo ngại. Ông nói:

“Người Úc không có vấn đề gì với Mỹ, Anh và New Zealand hay những nước như vậy. Nhưng Trung Quốc là nước mới xuất hiện trước những liên minh chiến lược mà chúng tôi có. Tôi không nói rằng những liên minh này nhắm mục tiêu vào Trung Quốc, nhưng về phương diện nào đó Trung Quốc khác những nước kia, và có thể sẽ là một nước đối đầu với Úc trong tương lai.

Năm ngoái, Australia và Trung Quốc thiết lập một nghiên cứu chung về việc làm thế nào để thu hút đầu tư của Trung Quốc vào những khu vực kém phát triển trên khắp châu Úc. Một thỏa thuận dự kiến sẽ được hoàn tất vào cuối năm nay.

Nhưng ông Mark McGovern, giảng viên cao cấp tại Trường Kinh doanh thuộc trường Đại học Công nghệ Queensland, nói rằng việc đảm bảo lương thực ở Úc có thể bị suy yếu vì những vụ bán đi nguồn đất quan trọng cho người nước ngoài. Ông nhận định:

Tôi nghĩ rằng việc một nước có thể tự nuôi sống người dân nước mình có ý nghĩa quan trọng đối với bản sắc của hầu hết các dân tộc trên thế giới. Đó cũng là điều cốt lõi của Hiệp ước Rome ở châu ÂuMỹ rõ ràng là tuân thủ hiệp ước này. Trung Quốc đang lo lắn về khả năng cung cấp đầy đủ lương thực cho dân số của mình, và Úc cũng vậy. Vì vậy, chúng ta cần phải nhìn từ góc độ cân bằng hơn để đánh giá xem chúng ta có cung cấp đủ lương thực cho người dân không và chúng ta có thể xuất khẩu bao nhiêu phần lương thực, thay vì cứ nói rằng bán thứ gì cho nước ngoài cũng đều là tốt cả.”

Tuy nhiên, chính phủ nói rằng diện tích đất nông nghiệp thuộc sở hữu nước ngoài tại Úc tăng lên không mấy đáng kể từ những năm 1980 đến nay, ngược lại với những ý kiến cho rằng nước ngoài đang "mua hết đất nhà."

Các số liệu gần đây nhất cho thấy đến cuối năm 2010, khoảng 11% đất nông nghiệp của Úc thuộc sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Jason Li, một cố vấn kinh doanh chuyên về quan hệ hợp tác giữa các công ty Trung Quốc và Úc, nói rằng mối lo ngại ở Úc về các nhà đầu tư Trung Quốc đang bị thổi phồng:

“Người ta gây ồn ào quá nhiều về đầu tư của Trung Quốc tại Úc, nhưng khi bạn xếp Trung Quốc vào danh sách của các nước đầu tư vào Úc trong năm ngoái thì khoản đầu tư của nước này ít hơn 1% so với tổng số vốn đầu tư. Đầu tư từ Vương quốc Anh và Mỹ ở vào khoảng hơn 40%, lớn hơn rất nhiều so với Trung Quốc."

Chính phủ Australia rất hăng hái khuyến khích đầu tư nước ngoài vào khu vực kém phát triển ở phía bắc. Úc muốn nước ngoài đầu tư phát triển nông nghiệp ở vùng này để khai thác nhu cầu lương thực đang bùng nổ ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG