Các nhà khoa học làm việc cho một dự án tồn trữ khí carbon ở mạn tây thành phố Melbourne nói rằng sau cuộc nghiên cứu dài 3 năm rưỡi, giờ đây họ có thể chứng minh là phương pháp thu thập và tồn trữ carbon này có thể hoạt động hữu hiệu và an toàn.
Tháng 3 năm 2008, các khoa học gia này đã bắt đầu bơm khí carbon dioxide vào sâu trong lòng đất gần thành phố cảng Warrnambool ở tiểu bang Victoria, miền nam Australia. Tới nay họ đã bơm 65,000 tấn chất hơi chứa nhiều CO2 vào một túi khí đốt thiên nhiên đã khai thác xong, nằm sâu dưới lòng đất khoảng 2 kilomét.
Tóan chuyên gia của Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy khí carbon dioxide rò rĩ ra ngoài từ bồn chứa được phong kín dưới mặt đất.
Khoa học gia Charles Jenkins nói rằng phương pháp này có thể có ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với nỗ lực giảm thiểu tình trạng ô nhiễm toàn cầu phát sinh từ khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Có rất nhiều những giếng khí đốt đã khai thác xong và đó là những nơi lý tưởng để làm việc này. Ước tính của chúng tôi là sau năm 2050 chúng ta có thể loại bỏ khoảng 2 phần 3 lượng carbon dioxide được tạo ra từ những nguồn khí thải lớn. Vì vậy, xét về mặt toàn cầu, thì đây là một nguồn lực hết sức to lớn của chúng ta.
Tuy có nhận định lạc quan như vậy, những người chỉ trích vẫn chưa tin tưởng cho lắm đối với phương pháp này. Họ cho rằng việc tồn trữ khí carbon dưới lòng đất ở qui mô lớn là một việc quá tốn kém và không đủ chắc chắn.
Ông Athur Williamson, giáo sư môn kỹ sư hóa học của Đại học Canterbury ở New Zealand, nói rằng cuộc nghiên cứu ở Australia chưa có kết luận dứt khoát.
Họ đã tìm cách được cách để làm cho việc này có hiệu quả trong một thời gian ngắn, trên một qui mô nhỏ, tại một giếng khí đốt cá biệt.
Tuy nhiên, những người ủng hộ phương pháp thu thập và tồn trữ này nói rằng Australia sẽ không thể giảm thiểu một cách có hiệu quả lượng khí thải của mình mà không nhờ tới công nghệ mới này.
Phương pháp tồn trữ dưới lòng đất khí carbon thải ra từ nhà máy phát điện và những địa điểm công nghiệp khác đã được thừa nhận là một loại công nghệ sạch tại hội nghị quốc tế về khí hậu tổ chức ở thành phố Durban của Nam Phi hồi đầu tháng này.
Các nhà khoa học Australia tin rằng việc thu thập và tồn trữ khí carbon từ các nhà máy phát điện có thể được thực hiện trên diện rộng trước năm 2020.
Tính theo đầu người, Australia là một trong những nước có lượng khí thải carbon cao nhất thế giới. Nhiều người cho rằng khí thải carbon chính là nguyên do của hiện tượng tăng nhiệt toàn cầu. Tuy nhiên nông dân và chính khách bảo thủ ở Australia tin rằng nhiên liệu hóa thạch mà con người sử dụng chỉ có ảnh hưởng rất nhỏ đối với khí hậu của Trái đất.
Các nhà khoa học Australia làm việc cho một dự án tồn trữ khí carbon cho biết họ có thể chứng minh công nghệ này có hiệu quả và an toàn. Tuy nhiên, những người chỉ trích nói rằng qui mô của cuộc thử nghiệm chưa đủ lớn để có thể có kết luận dứt khoát.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1