Đường dẫn truy cập

Người gốc Á vùng vịnh Mexico tiếp tục lao đao vì vụ đổ dầu


Thành phố Bayou La Batre được xem là thủ đô đánh cá của bang Alabama. Một phần lớn ngư dân ở đây gốc châu Á, họ cũng bị ảnh hưởng do vụ đổ dầu của tập đoàn BP. Hàng rào ngôn ngữ khiến cho ảnh hưởng này nặng hơn.

Khoảng gần 7 giờ sáng, Thông tín viên VOA Anna Boiko-Weyrauch đã thấy người ta xếp hàng dài trước văn phòng bồi thường của BP, đặt tại Bayou La Batre, một thị trấn nhỏ của Alabama. Họ đang điền đơn để có thể nhận 5.000 đôla từ BP để chi dùng tạm thời.

Không khí tại đây ẩm ướt và có những cơn gió nhẹ từ biển thổi vào. Bà Sue Athanasay, gốc Lào, mang các cháu ngoại và vài cái ghế plastic ngồi chờ trước văn phòng.

Bà cho biết đã ra đây ngồi chờ từ 4 giờ sáng. Bà ra nạp đơn cho cô con gái đang có bầu, nhân viên của một xưởng chế biến cua.

Một phần ba người dân Bayou La Batre có gốc Đông Nam Á, nhiều người làm trong các xưởng chế biến thủy sản đánh bắt từ vịnh Mexico. Trong các xưởng có máy điều hòa này, các công nhân đến từ Lào và Thái Lan mặc quần áo bảo hộ xử lý hết con cua này đến con cua khác, có khi đến 12 tiếng một ngày.

Cô Von Wessen từ Lào đến Alabama lúc mới 3 tuổi. Cô và các bạn đồng nghiệp được trả lương theo số cân cua mà họ đã lột vỏ, thay vì ăn lương giờ. Cô nói:

“Làm mấy con cua này cũng phải có kỹ năng, phải học, nếu không sẽ không lóc được nhiều thịt, hoặc làm vỏ cua nát ra hết.”

Bây giờ thì chính quyền đã hạn chế bắt cua do vụ đổ dầu, điều đó có nghĩa là những người như cô Wesson sẽ bị bớt thu nhập. Cô nói:

“Vụ đổ dầu xảy ra đúng mùa cao điểm đánh bắt. Mọi năm giờ này chúng tôi làm suốt ngày, bây giờ chỉ năm sáu tiếng.”

Trước tình hình đó, nhiều người nạp đơn đòi BP bồi thường hoặc đăng ký làm công tác dọn dẹp số dầu đổ. Nhưng tất cả mẫu đơn đều bằng tiếng Anh, do đó cô Wesson và các bạn phải dịch cho những người không thông thạo.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng là Giám đốc Chấp hành của BPSOS, tổ chức bênh vực người Đông Nam Á tại Mỹ. Ông nói:

“Nhiều người Việt Nam đến đây sau khi chiến tranh chấm dứt làm nghề thủy sản trong vùng vịnh Mexico. Họ biết nghề này là một trong số ít nghề mà họ có thể làm, bởi vì họ không thông thạo tiếng Anh, họ không có nhiều chọn lựa. Nhiều người thậm chí không đủ tiêu chuẩn để được huấn nghệ, nhiều người không có bà con ở đây hoặc ở nơi khác, do đó coi như họ mắc kẹt ở đây.”

Chị Thái Kim Chi đến Mỹ cách nay 19 năm. Cô làm trên tàu đánh tôm của người chú để nuôi mấy đứa con và bà mẹ. Bây giờ cô đang thất nghiệp:

“Tôi không biết tương lai ra sao khi mà tôi chỉ biết có tôm và biển. Làm sao tôi có thể kiếm được việc làm khác khi tôi không có kỹ năng nào khác. Bây giờ tôi chỉ còn biết ngồi chờ.”

Chị Chi đã nạp đơn bồi thường với BP và phải nhờ bạn bè điền đơn.

Tiến sĩ Thắng cho biết có một số yếu tố nữa làm cho cuộc sống của ngư dân tại đây khó khăn thêm:

“Trong mấy năm qua, ngành thủy sản tại đây đi xuống vì có nhiều thủy sản nhập của nước ngoài. Chi phí xăng nhớt cũng tăng. Bây giờ lại thêm tai nạn đổ dầu, càng làm cho cuộc sống người dân ở đây cơ cực hơn.”

Trong lúc này, tương lai của những người ở đây cũng đen đen giống như dầu chảy vào vùng vịnh Mexico. Đối với nhiều người, chỉ còn một chọn lựa duy nhất là chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG