Phần lớn các nhà phân tích cho rằng khó lòng mà chính phủ Hoa Kỳ lại không trả được nợ. Và vẫn chưa có mấy bằng chứng về sự lo âu trong giới ngân hàng trung ương, những người đóng vai trò chủ chốt trong thị trường và các nhà đầu tư chính trong khu vực.
Trung Quốc là nước chủ nợ lớn nhất của Hoa Kỳ, nắm hơn 1.000 tỷ đôla tiền nợ của Mỹ, kế đó là Nhật Bản, hiện giữ một số chứng khoán trị giá chừng 900 tỷ đôla.
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ và chính quyền Obama đang xúc tiến các cuộc thương nghị gay go về việc cho phép chính phủ được vay thêm trước khi đạt được thỏa thuận về một mức trần nợ là 14,3 ngàn tỷ đôla vào ngày 2 tháng 8.
Ông David Cohen là giám đốc về dự báo Á châu tại Công ty Action Economics, một công ty tham vấn trên mạng có trụ sở ở Singapore.
Ông nói rằng các nhà đầu tư ở châu Á, cũng như phần còn lại của thế giới, đang lo lắng về vụ giằng co có liên quan đến khoản nợ của chính phủ Hoa Kỳ:
“Tôi cho rằng có sự thừa nhận rằng việc Hoa Kỳ không trả được nợ có nhiều khả năng sẽ châm ngòi cho một vụ khủng hoảng tài chính toàn cầu có thể làm chệch hướng sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Nhưng đồng thời, như chúng ta đã thấy trong giá cả trên thị trường, mọi người vẫn trông đợi rằng Quốc hội Hoa Kỳ sẽ đi đến một hình thức thỏa thuận nào đó trước kỳ hạn để tránh châm ngòi cho việc Hoa Kỳ không trả được nợ.”
Ông Tim Condon, kinh tế gia trưởng ở châu Á của Ngân hàng ING, đồng ý rằng trong tình huống xấu nhất, một vụ vỡ nợ sẽ gây ra tình trạng hoảng loạn thị trường.
Nhưng ông nói có phần chắc sẽ không đi đến hệ quả này:
“Tôi nghĩ rằng quan điểm chung cho rằng đây là một sân khấu chính trị... Nó không phải là tình hình giống như Hy Lạp, nơi mà chính phủ đơn giản không có đủ khả năng trả nợ. Khi nhìn vào lãi suất trên các công khố phiếu có thời hạn 10 năm, chắc chắn ta không thấy có sự lo lắng nào về khả năng chi trả.”
Các nhà phân tích cho rằng bất kỳ tình trạng không trả được nợ nào vì mức trần vay mượn không được nâng lên vào tháng tới sẽ được diễn dịch là một ảnh hưởng kỹ thuật và tạm thời.
Họ nói rằng điều đang lo ngại là việc các cơ quan đánh giá hạ cấp tính khả tín tín dụng của Hoa Kỳ.
Bắc Kinh đã kêu gọi Washington nghiêm túc áp dụng các biện pháp hợp lý về chính sách để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư.
Nhưng các nhà phân tích nói rằng Trung Quốc và Nhật Bản không có lựa chọn đáng kể nào khác cho chỉ tệ dự trữ của họ, và các ngân hàng trung ương thông thường không phải là những nhà đầu tư mẫn cảm về giá cả.
Tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản, ông Yoshihiko Noda đã mô tả các công khố phiếu của Hoa Kỳ là các sản phẩm đầu tư hấp dẫn.
Các nền kinh tế lớn khác ở châu Á có các khoản trữ kim đáng kể bằng đôla Mỹ. Đối với Ấn Độ, đồng đôla Mỹ chiếm hơn phân nửa tài sản ngoại hối của họ.
Và Nam Triều Tiên đã đầu tư gần 2/3 trong khoản trữ kim trị giá 300 tỷ đôla vào các tài sản bằng đồng đôla Mỹ.
Vào cuối ngày giao dịch hôm nay, chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng lên tới mức cao nhất trong 2 tuần.
Một số nhà buôn bán bầy tỏ sự lo ngại về việc đồng yen mạnh hơn so với đồng đôla Mỹ. Họ quy sự kiện tiền Nhật lên giá cho sự bất an về tình huống Hoa Kỳ có thể không trả được nợ.
Chính phủ Hoa Kỳ chỉ còn 2 chưa đầy 2 tuần nữa là đến một kỳ hạn có thể châm ngòi cho việc không trả được nợ quốc gia. Trong khi sự kiện này gây kinh động cho một số người ở Hoa Kỳ thì cho đến giờ này, châu Á dường như vẫn phản ứng một cách trầm tĩnh.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1