Trong những tuần lễ vừa qua, các thị trường chứng khoán Á châu đã chứng kiến một số vụ sụt giá mạnh. Chỉ số Hằng Sinh của Hong Kong đã sụt khoảng 7% tính đến thời điểm này trong năm nay. Tại các nơi khác ở châu Á, chỉ số Nikkei của Nhật Bản và chỉ số tổng hợp Thượng Hải sụt 6%.
Năm ngoái, các thị trường này đã tăng vọt từ các mức thấp vào cuối năm 2008. Chẳng hạn như chỉ số Hàng Sinh đã tăng tới 45 phần trăm vào cuối năm 2009.
Ông Garry Evans, người đứng đầu về sách lược của bộ phận phụ trách Thị trường và Ngân hàng toàn cầu của HSBC, nói trong bài nhận định về đầu tư mới nhất của ngân hàng rằng cổ phiếu có phần chắc sẽ không tăng giống như năm ngoái.
Ông Evans nói: “Các yếu tố cơ bản của nền kinh tế đang hồi phục. Điều ta phải luôn luôn ghi nhớ là thị trường chứng khoán đi trước sự kiện đó. Vì thế mà sự kiện thị trường chứng khoán đi lên hồi năm ngoái có nghĩa là thị trường dự báo trước nền kinh tế sẽ rất tốt trong năm nay.”
Năm ngoái, chứng khoán tăng vọt một phần nhờ các biện pháp kích hoạt mà các chính phủ trong khắp khu vực bắt đầu chống lại cuộc suy thoái và cũng nhờ lãi suất thấp. Trong suốt năm qua, hàng tỷ đôla ngoại tệ đã đổ vào châu Á.
Nhưng vào lúc mức chi của nhà nước chậm lại và trong khi các ngân hàng trung ương bắt đầu siết chặt tín dụng và nâng cao lãi suất, thì các chuyên gia tài chính cho rằng giới đầu tư có thể chuyển từ chứng khoán qua các tích sản khác, và điều đó có thể đưa tới tình trạng dao động trong các thị trường chứng khoán.
Theo ông Evans, thông thường chứng khoán sẽ bị tác động nặng trong vòng tăng lãi suất đầu tiên.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết điều quan trọng là các nước phải phối hợp cách thức thoái lui kích hoạt bởi vì một khi các nền kinh tế lớn đã phát triển chấm dứt các chương trình đó, thì luồng đầu tư có thể chuyển sang các tích sản và các nền kinh tế khác. Và điều đó có thể có nghĩa là giá tích sản, nhất là trong các thị trường đang nổi lên như Trung Quốc, có thể có hiện tượng không ổn định.
Việc Trung Quốc hạn chế sự tăng trưởng nhanh về tín dụng đã châm ngòi cho hiện tượng bán ồ ạt trên thị trường chứng khoán Hong Kong trong mấy tuần lễ vừa qua. Lãnh địa này lệ thuộc vào các chương trình kích hoạt kinh tế ở Hoa lục để thoát ra khỏi tình trạng trì trệ toàn cầu hồi năm ngoái.
Chủ tịch Thẩm quyền Tiền tệ Hong Kong Norman Chan cho hay thành phố có rủi ro thất thoát vốn, bởi lẽ hơn 82 tỷ đôla đã đổ vào trong năm ngoái, phần lớn về chứng khoán và địa ốc.
Ông Chan phát biểu qua một thông dịch viên: “Xác định thời điểm của sách lược thoái lui và sự ổn định của các thị trường tài chính, tất cả những việc này sẽ có một tác động đối với luồng vốn đổ vào các thị trường tích sản.”
Phần lớn số tiền đổ vào Hong Kong là qua việc bán chứng khoán của các công ty Trung Quốc. Ông Chan cho biết chung cuộc ngân khoản đó sẽ quay trở lại Hoa lục.
Ông Chan nói: “Và vì thế mà những ngân khoản đó sẽ tuồn ra khỏi Hong Kong. Nhưng áp lực về vốn đổ vào có thể tiếp tục nếu việc gây quỹ đầu tư vẫn hoạt động và lãi suất của Hoa Kỳ vẫn giữ ở mức thấp.”
Tình trạng nguy hiểm xảy ra nếu các nhà đầu tư rút ra khỏi thị trường chứng khoán cùng một lúc. Nhưng các chuyên gia phân tích tài chính nói có phần chắc sẽ không có một sự gián đoạn lớn bởi vì châu Á vẫn có những cơ hội đầu tư tốt hơn các thị trường khác.
Trong một cuộc họp báo mới đây, ông Jan Brokmeijer, phó giám đốc bộ phận tiền tệ và thị trường vốn của Quỹ Tiền Tệ Quốc tế, nói rằng lượng ngân khoản đổ vào châu Á dường như “khá ổn định”. Và theo ông, phần lớn ngân khoản đó không phải dựa vào nợ nần hay đầu tư vào các tích sản phức tạp nhiều rủi ro.
Ông Brokmeijer cho biết: “Cảm tưởng của chúng tôi là phần lớn ngân khoản đó là tiền đầu tư thực sự và bản chất không bị khống chế mấy. Đó là một yếu tố quan trọng bởi vì mức độ khống chế một phần nào cũng quyết định mức độ lây lan nếu như các thị trường bắt đầu chuyển hướng.”
Nhiều nhà phân tích thị trường, như ông Evans của HSBC, cho rằng các nhà đầu tư thường chọn những thị trường vẫn còn tiềm năng tăng trưởng, và năm nay đó có thể là Hoa Kỳ và Anh, hoặc các thị trường Á châu nhỏ hơn như Đài Loan.
Chứng khoán ở châu Á đã tăng trong năm ngoái nhờ khối vốn lớn đổ vào khu vực. Nhưng trong khi các nền kinh tế hồi phục, các ngân khoản đó có thể dễ dàng chuyển đi để tìm các mức lời cao hơn ở những nơi khác, gây ra tình trạng mất ổn định trong các thị trường. Từ Hong Kong, thông tín viên VOA Heda Bayron ghi nhận chi tiết trong bài tường trình sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1