Tình trạng khô hạn đã khiến sản lượng gạo của Kampuchea và Thái Lan bị giảm tới 40%. Tại Thái Lan, chính phủ lo ngại sẽ không nước để tưới.
Nông dân thường thâu hoạch một vụ lúa vào tháng 8, và thâu hoạch vụ lúa chính là tháng 10.
Ông Supavud Saicheua, giám đốc điều hành và cũng là giám đốc khảo cứu tại công ty Phatra Securities cho biết:
“Chính phủ đã yêu cầu nông dân hoãn trồng vụ mùa chính. Và như vậy có nghĩa là việc sản xuất và thâu hoạch lúa sẽ tập trung vào tháng 11. Hiện nay nếu nhiều nơi trên thế giới đều có cảm tưởng là có nhiều lúa gạo và giá gạo sẽ còn xuống thấp hơn nữa thì nông dân Thái Lan sẽ bị thiệt hại vừa về giá cả vừa về sản lượng.”
Mặc dầu nền kinh tế Thái Lan nói chung đã hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu và những xáo trộn chính trị mới đây, ngành nông nghiệp vẫn còn gặp khó khăn.
Giá gạo tại Thái Lan hồi tháng Năm đã sụt giảm tới mức thấp nhất trong vòng hai năm nay sau khi số cầu xuất khẩu sụt giảm. Hồi tháng 5, nhà chức trách Thái Lan đã điều chỉnh bằng một khoản trợ cấp để bảo đảm giá gạo cho nông dân.
Nhưng ông Chanchai Rakthananon, Chủ tịch Hiệp Hội Nhà Máy Xay Lúa, nói:
“Sự giúp đỡ này không đủ. Giá gạo hiện nay chỉ đủ để đáp ứng chi phí của nông dân, bởi vì khô hạn nên sản lượng lúa trong vụ mùa này rất thấp. Vì vậy nguồn thâu nhập của nông dân bị ảnh hưởng. Nông dân không được lời chút nào cả. Nông dân trồng thêm ngô và mía để giảm bớt thua lỗ vì thâu hoạch lúa kém.”
Các nhà phân tích thị trường nông sản nói rằng, giá gạo sẽ tăng khi các thị trường cảm thấy ảnh hưởng của vụ hạn hán.
Ông Chanchai nói rằng sẽ phải mất một hoặc hai năm mới có thể sử dụng lại đất đai để trồng lúa một khi giá gạo phục hồi nhưng kho dự trữ của chính phủ có thể bù vào sự thiếu hụt của sản lượng gạo.
Tuy nhiên lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan, chiếm khoảng 1/3 tổng số gạo xuất khẩu trên thế giới, sẽ sụt giảm tới một triệu tấn trong năm nay, điều đó có thể ảnh hưởng tới những nước nhập khẩu gạo.
Ông Rex Estoperez, phát ngôn viên Cơ Quan Lương Thực Quốc Gia của Philippinnes, nước nhập khẩu gạo nhiều nhất Châu Á nhận định:
“Chắc chắn rằng tình trạng này sẽ ảnh hưởng tới nguồn tiếp liệu của Philippinnes. Nhưng Thái Lan chỉ là một trong những nước cung cấp gạo cho Philippinnes. Năm ngoái, chúng tôi đã có tàu tiếp tế gạo trong tháng 12, và nước cung cấp chính lúc đó là Việt Nam. Philippinnes mua gạo từ 6 quốc gia và nếu không còn thiên tai nào quan trọng thì sẽ không có vấn đề trong việc tìm kiếm nguồn cung cấp gạo năm nay.”
Hồi năm 2008, thời tiết xấu và trữ lượng gạo thấp đã khiến giá cả leo thang lên hơn 1.000 đô la một tấn. Bấy giờ, những nước xuất khẩu gạo đã hạn chế việc bán gạo ra nước ngoài.
Bà Concepcion Calpe, một kinh tế gia cao cấp thuộc Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc, nói rằng mặc dầu hạn hán đã làm giảm bớt sản lượng gạo của Kampuchea khoảng 10% và của Thái Lan khoảng 6%, vụ mùa lúa tổng gộp của Châu Á năm nay khá hơn năm 2009. Bà nói:
“Indonesia, mặc dầu cũng bị ảnh hưởng của hạn hán, nhưng sản lượng của họ vẫn tăng. Đối với Ấn Độ thì chúng tôi tiên liệu sẽ phục hồi rất mạnh so với năm ngoái vì nước này bị ảnh hưởng của vụ gió mùa bất thường. Còn Trung Quốc thì chúng tôi thấy sẽ gia tăng sản lượng lúa gạo rất nhiều. Bangladesh cũng vậy. Vì vậy, chúng tôi thấy rằng cho tới nay thì những nước sản xuất chính sẽ có một vụ mùa bội thu trong năm 2010.”
Bà Calpe nói rằng, với sản lượng gia tăng và đầy rẫy gạo trong các kho dự trữ của chính phủ, sẽ có ít nguy cơ thiếu hụt lương thực hay giá gạo tăng cao.
Nhưng bà nói vụ khô hạn ảnh hưởng tới Kampuchea và Thái Lan có thể gây khó khăn hơn cho những nhà sản xuất nhỏ, và các nông dân sản xuất lúa gạo phải trồng nhiều thứ hoa màu khác nhau để khỏi bị lệ thuộc vào một loại sản phẩm duy nhất.
Nạn hạn hán đe dọa sản lượng gạo của Kampuchea và Thái Lan, nhưng các chuyên viên về thị trường nói rằng, giá gạo trong vùng sẽ hồi phục vì số cung giảm bớt và sản lượng gạo tại Châu Á nói chung sẽ gia tăng.