Năm 2005, các công nghiệp Nhật Bản đã yêu cầu ông Yasushi Watanabe, một nhà địa chất học tại Viện Thăm dò Địa chất Nhật Bản, tìm ra những nguồn mới về đất hiếm - những kim khí được sử dụng trong các sản phẩm từ ổ cứng máy điện toán cho đến các loại pin dùng trong xe hybrid (vừa chạy bằng điện vừa chạy bằng xăng).
Từ nhiều năm Trung Quốc đã cung cấp hầu hết số đất hiếm cho Nhật Bản. Công việc của ông Watanabe là giúp thẩm định chất lượng các trữ lượng và tính khả thi của việc khai thác mỏ ở những nước ngoài Trung Quốc. Trong những năm gần đây, chính phủ và các công ty lớn của Nhật Bản đã tham gia những liên doanh để thăm dò và khai thác những loại kim khí này trên khắp thế giới, ở Việt Nam, Ấn Độ, Kazakhstan, Mông Cổ, Australia và Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, khi Trung Quốc hạn chế số đất hiếm xuất khẩu sang Nhật Bản hồi tháng 9 vừa qua sau một vụ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, thì các công nghiệp Nhật Bản đã phải xúc tiến hành động nhanh hơn.
Ông Watanabe nói: “Đó là một sai lầm lớn. Năm ngoái vì tình trạng suy thoái kinh tế, các công ty Nhật Bản đã không mua đủ số lượng đất hiếm của Trung Quốc. Trong tương lai, chúng ta sẽ không mắc phải những lỗi lầm như thế nữa.”
Tại một hội nghị về đất hiếm trong tuần này ở Hồng Kông, do công ty Dịch vụ Thông tin Roskill và Metal Events tổ chức, các công ty mỏ từ Greenland, Australia, Hoa Kỳ, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác đã tiếp xúc với phía Nhật Bản.
Các công nghiệp kỹ thuật cao của Nhật Bản cần đến khoảng 30 ngàn tấn loại kim khí này trong năm nay, và nhu cầu dự kiến sẽ tăng thêm trong 2 năm tới, một phần vì nhu cầu xe hybrid.
Ông Ahmet Arda, giám đốc điều hành công ty AMR Resources, cho biết công ty của ông đã tăng tốc sản suất đất hiếm ở nam bộ Thổ Nhĩ Kỳ để tận dụng tình trạng thiếu hụt.
Ông Arda cho biết: “Đó là một thực tế đánh thức tất cả mọi người. Chúng tôi muốn xúc tiến công việc sản xuất và đang đi tìm các đối tác sách lược, đi tìm những bên muốn có đất hiếm. Có thể là các công ty như Honda, Mitsubishi, Siemens và Bosch.”
Ông Watanabe còn lãnh đạo một nhóm công tác tại Viện Khoa học Kỹ thuật Công nghiệp Tiên tiến của Nhật Bản. Ông nói rằng Nhật Bản đang khai triển kỹ thuật cải tiến việc tái sinh một số đất hiếm từ những sản phẩm điện tử đã bỏ đi. Và Nhật Bản đang đi tìm những thứ thay thế cho các bộ phận sử dụng đất hiếm.
Ông Watanabe nói rằng trong 2 năm nữa, Nhật Bản sẽ tìm ra được nguồn cung ứng đều đặn các loại đất hiếm:
“Tôi nghĩ trong năm nay và năm tới sẽ rất khó khăn cho Nhật Bản, nhưng kể từ năm 2012, tình trạng này sẽ thay đổi bởi vì chúng tôi có được nguồn cung ứng riêng và 2 mỏ chính là Mountain Pass và Mount Weld ở Hoa Kỳ và Australia sẽ bắt đầu sản xuất đất hiếm. Nay thì nguồn cung ứng đều đặn là điểm quan trọng hơn so với giá cả. Cho dù giá có phần nào cao hơn giá của các sản phẩm Trung Quốc, có lẽ các công ty Nhật sẽ mua của các mỏ bên ngoài Trung Quốc.”
Khai thác khoáng sản đất hiếm rất khó khăn và tốn kém. Và cũng như mọi hoạt động khai mỏ khác, việc khai thác gây ra thiệt hại cho môi trường, nhất là bởi vì các quặng mà những loại kim khí đó được rút ra có thể mang tính gây phóng xạ. Các mỏ của Trung Quốc đã sản xuất đất hiếm với giá thấp hơn nhiều, buộc những nước cạnh tranh phải đóng cửa trong những năm gần đây và tạo ra tình trạng gần như độc quyền.
Đức và Hoa Kỳ nằm trong số các quốc gia đã bầy tỏ mối quan ngại về quyết định của Trung Quốc cắt giảm việc xuất khẩu đất hiếm. Cả hai nước vừa kể đều có những công nghiệp cần đến loại khoáng sản này.
Vấn đề đất hiếm có thể được nêu lên trong nghị trình sách lược của các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hoa Kỳ trong cuộc họp thượng đỉnh vào cuối tuần này bên lề hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái bình dương ở Yokohama, Nhật Bản.
Trung quốc phủ nhận việc sử dụng đất hiếm như một lợi thế ngoại giao để chống lại Nhật Bản và bênh vực việc kiểm soát xuất khẩu là một biện pháp hướng tới việc khai thác mỏ bền vững và bảo vệ môi trường của họ.
Trong khi các công nghiệp Nhật Bản bị rúng động vì những hạn chế xuất khẩu Trung Quốc áp dụng cho các loại kim khí từ đất hiếm, các nguồn thay thế đang tìm cách lấp đầy khoảng trống. Nhưng theo bài tường thuật từ Hồng Kông của thông tín viên VOA Heda Bayron, việc này có thể phải mất ít nhất 2 năm nữa trước khi Nhật Bản có thể giải quyết vấn đề thiếu hụt.