Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc về nguồn nước nói rằng, với dân số bốn tỉ người, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương phải đối diện với nguy cơ xung đột vì nguồn nước khi các cộng đồng dân cư phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu.
Trong một phúc trình mới, Liên Hiệp Quốc nói rằng, nguồn nước có được tại Châu Á và vùng Thái Bình Dương thấp hàng thứ nhì trên thế giới vì dân số đông của vùng này.
Nông nghiệp tiêu thụ khoảng 80% lượng nước trong vùng. Nhưng lượng nước dùng cho công nghiệp cũng ngày càng gia tăng. Từ năm 1992 tới nay, lượng nước sử dụng trong công nghiệp tại Trung Quốc và Việt Nam đã gia tăng gấp ba.
Ông Lee-Huu Ti, trưởng ban an toàn nguồn nước thuộc ủy ban xã hội và kinh tế cấp vùng của Liên Hiệp Quốc tại Bangkok nói rằng, vấn đề không phải chỉ là số lượng nước mà còn là phẩm chất nước. Ông giải thích:
“Tình trạng phẩm chất nước sa sút là một vấn đề nghiêm trọng tại Châu Á. Càng ngày nước càng bị ô nhiễm vì sự phát triển của thành thị. Tại hầu hết các khu vực đô thị nước bị dơ bẩn hơn trước, ô nhiễm hơn trước. Và đó là chiều hướng chung.”
Vấn đề này đã được chú ý hơn trong năm nay vì tình trạng hạn hán tại Đông Nam Á và miền Nam Trung Quốc. Tại một vài khu vực, mực nước các sông hồ chính đã xuống tới mức thấp nhất trong hơn 50 năm nay.
Mặc dầu chính phủ các nước đã gia tăng nỗ lực để đáp ứng Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ về việc tiếp cận với nguồn nước vào năm 2015, hơn 600.000 người trong vùng vẫn không có nước uống an toàn.
Những mục tiêu phát triển gồm hạ giảm một nửa tỷ lệ dân chúng không có nước uống an toàn và điều kiện vệ sinh căn bản.
Bà Ermina Sokou, một viên chức đặc trách vấn đề môi trường thuộc khu vực nguồn nước của Liên Hiệp Quốc, nói rằng, việc thiếu vệ sinh đã phá hoại những nỗ lực cải thiện vấn đề có tiếp cận với nguồn nước uống. Bà nhận định:
“Giữ được vệ sinh là một vấn đề lớn và việc đó làm cho mức an toàn nguồn nước của cả gia đình bị xuống thấp. Nó ảnh hưởng tới sức khỏe của con người, ảnh hưởng tới sức khỏe môi trường và cũng ảnh hưởng tới phẩm chất nước, bởi vì nhiều thứ gây ô nhiễm phát xuất từ các hộ gia đình và chất thải của con người nằm trong nguồn nước là nguyên nhân gây ra nhiều loại bệnh tiêu chảy.”
Phúc trình vừa kể cảnh báo rằng nguồn nước có thể bị suy thoái đi tại nhiều nước, nhất là tại một số vùng nghèo nhất. Các nước Maldive, Ấn Độ, Pakistan, Uzbekistan, Afghanistan, và Philippines, tất cả đều phải đối phó với nạn thiếu nước vì nguồn cung cấp bị sút giảm, phẩm chất nước tồi tệ, hoặc dân số gia tăng.
Ông Lee Huu nói: “Xung đột hay tranh chấp giữa những khu vực sử dụng chung nguồn nước trong một quốc gia ngày càng gay gắt. Nhưng xung đột hoặc tranh chấp giữa những cộng đồng trong một nước có thể xử lý bằng luật pháp của các quốc gia.”
Ông nói rằng, một cuộc khảo cứu của Trung Quốc cho thấy năm 1990, có hơn 10 ngàn vụ tranh chấp về nguồn nước mỗi năm. Tới năm 2005 thì số vụ tranh chấp đã tăng lên 12.000. Nhưng Trung Quốc đã hành động để giảm bớt những xung đột bằng cách thông qua các đạo luật mới để giúp giải quyết những vụ tranh chấp trong các cộng đồng.
Việc có được nguồn nước uống an toàn ngày càng bị đe dọa trên khắp vùng Châu Á-Thái Bình Dương khi dân số gia tăng và công nghiệp hóa gây phương hại tới phẩm chất nước.