Đường dẫn truy cập

Lo ngại mới về suy thoái kinh tế toàn cầu làm nản lòng giới đầu tư Châu Á


Bảng chứng khoán điện tử tại một công ty chứng khoán ở Tokyo, ngày 5/9/2011
Bảng chứng khoán điện tử tại một công ty chứng khoán ở Tokyo, ngày 5/9/2011

Các chỉ số chứng khoán chính của châu Á sụt giảm mạnh ngày hôm nay, chủ yếu vì các số liệu yếu kém về tình trạng công ăn việc làm trong nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tình trạng giảm giá cũng lan qua châu Âu, nơi các thị trường ở Paris và Frankfurt sụt 3 phần trăm vào lúc thị trường mở cửa. Tại New York hôm thứ Sáu, chỉ số trung bình Công nghiệp Dow Jones sụt 2,2 phần trăm sau khi chính phủ báo cáo số công ăn việc làm không tăng trong tháng 8. Từ Văn phòng Đông Bắc Á của Đài VOA, thông tín viên Steve Herman gửi về bài tường thuật sau đây.

Chỉ số chứng khoán chính của Nhật Bản, Nikkei, giảm 166 điểm, tức là giảm gần 1,9% lúc đóng cửa. Các nhà phân tích nói rằng đồng yen tăng giá so với đồng euro cũng ảnh hưởng tới việc mua bán cổ phiếu ở Tokyo.

Ngoài ra, việc chuyển nguồn đầu tư sang các tài sản an toàn hơn cũng khiến giá trái phiếu chính phủ Nhật Bản tăng cao.

Các chỉ số chứng khoán ở Hong Kong, Đài Loan và Thượng Hải cũng sụt giảm. Chỉ số chứng khoán Australia cũng giảm 100 điểm, giảm gần 2,4%, khi kết thúc ngày giao dịch.

Nhưng thị trường mất điểm nhiều nhất là KOSPI của Nam Triều Tiên. Chỉ số này giảm 4,4% dù lệnh cấm bán khống – tức là bán tống bán tháo - vẫn có hiệu lực kể từ tháng Tám sau khi chỉ số này tụt gía mạnh.

Phát biểu tại một buổi họp báo ở Seoul ngày hôm nay, chủ tịch thị trường chứng khoán Triều Tiên, Kim Jin-gyu, đổ lỗi cho những người bán khống, cơ bản dựa vào dự đoán giá cả sẽ sụt giảm, đã làm cho giá cả thị trường sụt giảm nhanh hơn.

Ông Kim nói rằng điều cần thiết là phải chấm dứt tình trạng bán khống trong bối cảnh thị trường bất ổn như vậy. Ông nói rằng khi thị trường bình ổn, lệnh cấm sẽ được dỡ bỏ.

Nhưng ông Stephen Edge, người đứng đầu trang web giao dịch điện tử Asia ETrading, nói rằng lệnh cấm bán khống là không hợp lý.

Theo ông Edge, dẹp bỏ khả năng bán khống hay đứng về một phía nào đó trên thị trường không phải là vai trò của hối đoái. Làm như thế, ta cũng loại trừ một số nhà đầu tư khỏi thị trường. Do đó, trên thực tế, ta đang tăng thêm tình trạng bất ổn, và gây ra tình trạng có ít cổ phiếu được giao dịch với giá hợp lý. Thế nên, điều đó bóp méo thị trường một cách tiêu cực và thực sự không đem lại lợi ích tốt nhất cho toàn bộ thị trường.

Ủy ban Dịch vụ Tài chính Nam Triều Tiên hôm 9/8 đã mở rộng lệnh cấm bán khống cổ phiếu công nghiệp tài chính sang tất cả các loại cổ phiếu giao dịch trong nước. Ủy ban này nói rằng lệnh cấm sẽ vẫn còn hiệu lực cho tới ngày 9 tháng 11. Nhưng chính phủ và các giới thị trường nói rằng ngày giờ dỡ bỏ lệnh cấm cụ thể sẽ phụ thuộc vào các điều kiện trên thị trường.

Lần cuối cùng giới hữu trách Nam Triều Tiên thực thi lệnh cấm bán khống là từ tháng 10/2008 tới đầu tháng 6/2009.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG