Đường dẫn truy cập

Kinh tế châu Á vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh


Theo dự kiến, Pakistan sẽ là nước gánh chịu mức lạm phát cao nhất năm nay với tỉ lệ 16%, kế tiếp là Việt Nam với tỉ lệ 13,3%
Theo dự kiến, Pakistan sẽ là nước gánh chịu mức lạm phát cao nhất năm nay với tỉ lệ 16%, kế tiếp là Việt Nam với tỉ lệ 13,3%

Theo dự báo hằng năm của Ngân hàng Phát triển Á châu công bố hôm nay, kinh tế của các nước đang phát triển ở châu Á sẽ tiếp tục có tăng trưởng mạnh trong năm nay nhưng sẽ phải đối mặt với tình trạng giá cả tăng vọt. Từ Hong Kong, Thông tín viên VOA Hera Bayron tường trình rằng Ngân hàng này ca ngợi việc Trung Quốc tăng lãi suất hồi gần đây như là một hành động thích hợp để ngăn chặn lạm phát.

Ông Rhee Changyong, kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Phát triển Á châu, nói rằng tỉ lệ tăng trưởng trung bình của các nước đang phát triển ở Á châu sẽ là 8% trong năm nay và năm tới.

Tuy nhiên, hoạt động kinh tế có thể chậm lại nếu chính phủ các nước không giải quyết thỏa đáng tình trạng giá thực phẩm và các mặt hàng tiêu dùng tăng vọt. Theo dự kiến Pakistan sẽ là nước gánh chịu mức lạm phát cao nhất năm nay với tỉ lệ 16%, kế tiếp là Việt Nam với tỉ lệ 13,3%.

Ông Rhee cho biết những nước đang phát triển ở Á châu, nơi sinh sống của 2/3 những người nghèo khó trên thế giới, các chính phủ cần phải coi việc giải quyết lạm phát là ưu tiên hàng đầu.

Hôm qua, Trung Quốc đã tăng lãi suất lần thứ tư kể từ tháng 10 năm ngoái để ngăn chận đà gia tăng của giá cả. Theo ông Rhee, Trung Quốc đang đi đúng hướng

Ông Rhee nói: "Tôi nghĩ rằng vẫn còn cơ hội để siết chặt chính sách tiền tệ thêm một chút nữa vì chính sách về lãi suất của Trung Quốc so với tỉ lệ lạm phát vẫn còn ở mức vừa phải."

Ấn Độ, Indonesia, Philippine,Thái Lan và Nam Triều Tiên cũng đã tăng lãi suất trong mấy tháng gần đây.

Ông Rhee nói rằng ảnh hưởng của trận động đất và sóng thần hôm 11 tháng Ba đối với nền kinh tế Nhật Bản sẽ rộng lớn trong hai quí sắp tới, nhưng sẽ giảm dần khi các khoản chi tiêu để tái thiết bắt đầu phát huy tác dụng.

Trận động đất buộc một số công ty Nhật phải ngưng hoạt động sản xuất, gây gián đoạn việc cung cấp vật liệu quan trọng cho các nước khác ở Á châu. Một vài ngân hàng quốc tế cũng chuyển nhân viên từ Tokyo tới các trung tâm tài chánh khác như Hongkong và Singapore vì sợ phóng xạ phát ra từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Ông Rhee nói tiếp: "Nếu tình trạng hạt nhân không xấu hơn nữa thì chúng tôi tin rằng ảnh hưởng của trận động đất ở Nhật Bản đối với các khu vực khác ở châu Á sẽ được ngăn chận, không còn lớn lắm."

Cũng theo cơ quan cho vay tiền không vụ lợi này thì khu vực Á châu cần phát triển các nguồn tăng trưởng mới trong tương lai, như gia tăng mậu dịch và đầu tư vào các nền kinh tế ở phía nam bán cầu.

Báo cáo của Ngân hàng Phát triển Á châu nhận thấy một số tiềm năng đáng kể để nới rộng các mối liên lạc giữa Á châu và các nền kinh tế đang nổi lên nhanh chóng tại Châu Mỹ Latinh, châu Phi và Trung đông nếu các nhà hoạch định chính sách loại bỏ các rào cản về mậu dịch và đầu tư.

Ngân hàng phát triển Á châu nói rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng Đông Nam Á sẽ chậm lại trong năm nay, vào khoảng 5,5% so với 7,8% của năm ngoái. Indonesia sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực với khoảng 6,4%.

Tại Nam Á, Ấn Độ dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh với tỉ lệ 8,2%, nhưng sẽ phải đối diện với nguy cơ lạm phát, với sự sút giảm về đầu tư của tư nhân và hạn chế có tính chất cơ cấu như năng suất nông nghiệp thấp.

Ngân hàng Phát triển Á châu nói rằng khu vực Trung Á giàu tài nguyên đã hưởng lợi nhờ sự tăng giá của dầu thô, khí đốt, kim loại, bông vải và vàng.

Theo dự kiến tăng trưởng của khu vực này sẽ là 6,7%, tăng so với 6,6% của năm ngoái.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG