Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah nói rằng Indonesia sẵn sàng giúp Thái Lan chấm dứt tình trạng bạo động chính trị, nếu được yêu cầu. Nhưng ông cho biết Hiêp hội các quốc gia Đông Nam Á phải dành hậu thuẫn trong tư cách một tổ chức vì cuộc tranh chấp này có hại cho Thái Lan cũng như cho toàn khu vực.
Ông Faizasya nói: “Chắc chắn đây là một vấn đề khá tế nhị. Chúng tôi không muốn có vẻ can thiệp vào chuyện nội bộ của Thái Lan, nhưng dĩ nhiên vì ASEAN đang lớn mạnh và trở thành tổ chức quan trọng và có hiến chương riêng của tổ chức, chúng tôi không thể ngồi nhìn khi một trong các nước thành viên gặp khó khăn.”
ASEAN có truyền thống tránh can thiệp vào vấn đề nội bộ của các nước thành viên. Tuy nhiên, hôm qua Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono của Indonesia tuyênbố ASEAN cần có một lập trường chung để chứng tỏ là tổ chức quan tâm tới việc tìm một giải pháp ôn hòa cho cuộc khủng hoảng tại Thái lan.
Ông Aleksius Jemadu, Giáo sư môn chính trị quốc tế trường đại học Pelita Harapan ở Jakarta, nói rằng ASEAN can thiệp cũng là điều hợp lẽ nếu muốn xây dựng một công đồng chung.
Ông Jemadu cho biết: “Nếu họ nhận là muốn xây dựng một cộng đồng chung, thì họ không thể làm ngơ trước những gì đang diễn ra ở Thái Lan.”
Theo giáo sư Jemadu thì ASEAN nên thúc giục chính phủ Thái Lan kiềm chế đừng dùng vũ lực chống lại nhân dân vì hành độïng này vi phạm hiến chương của ASEAN về nhân quyền. Ông nói rằng ASEAN cần phải sử dụng quyền hạn của một tiếng nói chung để làm áp lực đòi chính phủ Thái Lan chấm dứt cuộc giao tranh và đối thoại với người biểu tình chống chính phủ.
Kampuchia và Singapore đã kêu gọi hai phía tại Thái Lan tìm cách đạt được một giải pháp chính trị ôn hòa. Hồi tháng trước, Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan đã phản ứng trước tình huống này bằng lời tuyên bố hình ảnh một nước Thái Lan thịnh vượng, ổn định và yêu chuộng hòa bình sẽ bị lu mờ vì diễn biến hiện nay.
Mối quan ngại này đã lan ra khắp khu vực khi cuộc bạo động ngày càng leo thang đưa tới cái chết của của mấy chục người kể từ khi các cuộc biểu tình chống chính phủ Thái Lan bắt đầu hồi tháng ba. Hôm nay chính phủ bắt đầu một cuộc hành quân bao vây toàn bộ khu vực cắm trại của người tình ở trung tâm thành phố Bangkok.
Vì Thái Lan là điểm khởi đầu của cuộc khủng hoảng tài chính cách đây 13 năm, người ta lo ngại rằng tình hình rắc rối hiện nay có thể tạo ra những khó khăn kinh tế mới cho khu vực.
Tuy nhiên, ông Teuku cho rằng những gì đang xảy ra chỉ hạn chế ở Thái Lan.
Ông Teuku nói: “Chúng ta chỉ hy vọng mọi người không có khái niệm chung coi khu vực Đông Nam Á như như một khối duy nhất, mà phải thấy ASEAN bao gồm nhiều nước như Indonesia và các nước khác, đang trong tình trạng rất ổn định và đang phát triển và tiến bộ đều đặn.”
Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế tại châu Á lo ngại là cuộc xung đột ở Thái Lan sẽ tác động tới niềm tin của giới đầu tư. Các nhà phân tích chính trị như ông Jemadu nói rằng sự an bình của Thái Lan là điều có lợi nhất cho tất cả 10 nước trong khối ASEAN.
Chính phủ Thái Lan nói rằng họ sẽ không đàm phán với người biểu tình cho tới khi họ rời khỏi khu cắm trại ở trung tâm thủ đô. Tuy nhiên, phát ngôn viên bộ ngoại giao Indonesia nói rằng nếu các nước thành viên ASEAN hợp lực với nhau giúp chấm dứt tình trạng bế tắc thì ông tin là Thái Lan sẽ lắng nghe tiếng nói của họ.
Indonesia là thành viên mới nhất trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á đưa ra lời kêu gọi chính phủ Thái Lan tự chế và mở lại đối thoại để chấm dứt các cuộc biểu tình ngoài đường phố. Từ trụ sở ASEAN ở Jakarta, Thông tín viên đài VOA Sara Schonhardt ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.