Ngoại trưởng các nước ASEAN sẽ gặp đại diện 16 quốc gia khác và Liên hiệp châu Âu để thảo luận về các vấn đề an ninh và hợp tác.
Nam và Bắc Triều Tiên đều tìm kiếm sự hỗ trợ ngoại giao về việc một chiến hạm của hải quân Nam Triều Tiên bị chìm hồi tháng 3 làm 46 thủy thủ thiệt mạng.
Nam Triều Tiên cho rằng Bắc Triều Tiên phóng thủy lôi vào chiến hạm này và lập trường này được một nhóm điều tra quốc tế ủng hộ. Tuy nhiên Bắc Triều Tiên phủ nhận trách nhiệm trong vụ này.
Vấn đề này làm hỏng nỗ lực của quốc tế muốn mở lại hội nghị để chấm dứt chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Tổng Thư Ký ASEAN Surin Pitsuwan nói với các phóng viên là ngoại trưởng các nước ASEAN hy vọng diễn đàn khu vực này sẽ khuyến khích đối thoại để trở lại bàn đàm phán 6 bên.
Ông nói việc ngoại trưởng Bắc Triều Tiên tham dự diễn đàn khu vực của ASEAN sau 10 năm vắng mặt là một biểu tượng có ý nghĩa:
“ASEAN đã từng nói là cả 6 bên đều đến dự diễn đàn khu vực ARF. Vậy tại sao không sử dụng diễn đàn này, tại sao không sử dụng cơ chế và tiến trình tại đây. Và đây là điều mà ngoại trưởng các nước ASEAN đang cố làm.”
6 quốc gia liên hệ đến các cuộc thảo luận về hạt nhân là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Bắc Triều Tiên và Nam Triều Tiên.
Không có bao nhiêu người tin là 6 bên sẽ gặp nhau để thảo luận về vấn đề Bắc Triều Tiên trong cuộc họp lần này tại Hà Nội.
Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ đã tuyên bố sẽ không trở lại bàn hội nghị cho đến khi nào Bắc Triều Tiên công nhận trách nhiệm trong vụ chìm chiến hạm Nam Triều Tiên.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton sẽ tham dự các cuộc họp trong hai ngày thứ Năm và thứ Sáu tại Hà Nội và khó có thể tránh mặt với ngoại trưởng Bắc Triều Tiên.
Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa nói với các phóng viên là những chuyện bất định liên hệ đến Bắc Triều Tiên không có lợi cho khu vực và không thể bỏ qua không giải quyết. Ngoại trưởng Natalegawa nói:
“Dù rằng quý vị có thể bất đồng theo một phương cách thẳng thắn nhất và bộc trực nhất, như chúng ta vẫn thường nói. Nhưng ít nhất nếu chúng ta cùng ngồi trong một phòng thì tốt hơn là không nói gì cả.”
Tình hình căng thẳng liên hệ đến Bắc Triều Tiên được xem như sẽ bao phủ các cuộc hội họp tại Việt Nam giữa ngoại trưởng các nước châu Á Thái Bình Dương và các quốc gia phương Tây.