Đã có cảm giác lạc quan giữa các nhà lãnh đạo ASEAN sau diễn đàn về an ninh khu vực kết thúc hôm thứ Bảy tuần rồi ở Bali.
Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cho hay các vị ngoại trưởng của 10 quốc gia Đông nam Á, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga và các nước khác trong vùng đã đạt được tiến bộ xây dựng về một số vấn đề đe dọa đến sự ổn định tại châu Á. Ông nói diễn đàn của ASEAN với sự tham dự đầy đủ của các nước trong khu vực và đường lối xây dựng đồng thuận đã đem lại tiến bộ thực thụ hướng tới việc giải quyết các tranh chấp trong vùng Biển Đông, trên bán đảo Triều Tiên và giữa Thái Lan và Campuchia.
Ông Surin nói ông tin vào sự củng cố hỗ tương bầu không khí và các kinh nghiệm. Ông cho rằng nếu có một thành quả nào thì hãy thừa nhận thành quả đó và yêu cầu có thêm nữa. Nếu có một chút thành công, thì hãy ủng hộ, dành sự hỗ trợ và khích lệ để cho thành công đó được xúc tiến, lớn mạnh và phát triển.
Nhưng ông Surin thừa nhận rằng sẽ cần đến không phải chỉ một hội nghị thành công để giải quyết bất kỳ vấn đề nào mà ASEAN phải giải quyết.
Bất kể các cuộc họp bên lề không chính thức giữa Bắc và Nam Triều Tiên, không có thông báo nào cho thấy các cuộc đàm phán 6 bên nhằm chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên sẽ tiếp tục. Hoa Kỳ cho biết muốn nhìn thấy Bắc Triều Tiên tự chế trước các hành động khiêu khích quân sự và tiến hành các biện pháp vĩnh viễn nhằm chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân trước khi nối lại các cuộc đàm phán.
Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng cảm thấy phấn khởi khi các ngoại trưởng Thái Lan và Campuchia tuyên bố hai nước sẽ tuân hành lệnh của Tòa án Tư pháp Quốc tế lập tức phi quân sự hóa một khu vực biên giới có tranh chấp để cho phép các quan sát viên của ASEAN đến khu vực.
Hơn 20 người đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh năm nay về khu đất quanh một ngôi chùa cổ 900 năm của Ấn giáo Khmer nằm trên biên giới về phía Campuchia. Trong khi hai bên đồng ý trên nguyên tắc với phán quyết, Thái Lan nói việc rút lực lượng quân sự sẽ cần phải có thời gian và thương thuyết. Còn Campuchia thì muốn bố trí các quan sát viên ASEAN trước khi rút ra khỏi vùng có tranh chấp.
Ông Surin nêu ra thỏa thuận về các hướng dẫn nhằm khai triển một bộ quy tắc ứng xử có tính cưỡng hành để giải quyết các vụ tranh chấp ở Biển Đông như một thành quả quan trọng nhất của hội nghị. Nhưng các hướng dẫn không có liên quan trực tiếp đến những khẳng định chủ quyền giữa Trung Quốc và nhiều thành viên ASEAN. Thay vì thế, các hướng dẫn này thiết lập một tiến trình cho các nước liên hệ khai triển các dự án bảo vệ môi trường, du lịch và ngư nghiệp. Ông Surin nói tiến trình sẽ khởi đầu một cuộc đối thoại dẫn tới việc giải quyết các tuyên bố về chủ quyền đối nghịch nhau.
Ông Surin tỏ ý hy vọng rằng việc áp dụng các hướng dẫn sẽ tạo ra động năng, đem lại sự tin tưởng lẫn nhau, và các kinh nghiệm tích cực. Theo ông, không phải tất cả đều dễ dàng, không phải tất cả đều được sự đồng ý nhưng tất cả sẵn sàng dành một cơ hội để thử nghiệm.
Ông Surin nói việc phát triển của ASEAN thành một cộng đồng khu vực là một tiến trình đang phát triển. Ông thừa nhận rằng đường lối dựa vào sự đồng thuận sẽ không luôn ngăn tránh được xung đột, nhưng nó sẽ cung cấp một diễn đàn cho các nước châu Á muốn giải quyết các vụ tranh chấp một cách êm thắm.
ASEAN đạt được tiến bộ nhằm giải quyết các xung đột trong khu vực
Hội nghị về an ninh của Hiệp hội các Quốc gia Đông nam Á trong tuần trước đã đem lại một thỏa thuận nhằm giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông và một cuộc họp có tính khai thông giữa Bắc và Nam Triều Tiên. Giới lãnh đạo của ASEAN nói rằng tiến bộ chứng tỏ một đường lối dựa trên sự đồng thuận trong việc theo đuổi hòa bình khu vực có thể mang lại hiệu quả. Từ Jakarta, thông tín viên VOA Brian Padden gửi về bài tường thuật sau đây.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1