Trả lời VOA Việt Ngữ, ông Ernest Bower cho rằng sự vắng mặt của Washington tại cuộc họp của AEM 42 là ‘đáng chú ý’.
Ông nói: ‘Hiện giờ, Hoa Kỳ hiện diện tại mọi cuộc họp về ngoại giao và an ninh của ASEAN. Nhưng một trong những lĩnh vực quan trọng nhất mà Hoa Kỳ có nhiều quyền lợi là thương mại và hợp tác kinh tế thì Washington lại không cử bộ trưởng hay đại diện nào tới dự. Tôi cho rằng đây là một vấn đề quan trọng phải chỉ ra.’
Cố vấn cao cấp này nhận định rằng không giống với các giới chức cấp cao Bộ Ngoại giao và Quốc phòng, đại diện thương mại cấp cao Hoa Kỳ ‘không được chấp thuận’ tới tham dự các hội nghị bàn về kinh tế của ASEAN.
Trong khi đó, giới chức Việt Nam được báo chí trong nước trích lời nói rằng các cuộc họp ở Đà Nẵng tập trung thảo luận đẩy mạnh các hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với các nước đối tác.
Lần đầu tiên, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á và Nga tiến hành thảo luận các hợp tác kinh tế ở cấp bộ trưởng nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại giữa ASEAN và Moscow.
Cố vấn cấp cao Bower cho rằng ‘sự tin tưởng vào nước Mỹ cùng khả năng lãnh đạo và thực thi cam kết dựa trên thể trạng của nền kinh tế nước này, nhưng vị thế của Hoa Kỳ đang bị bạn hữu cùng các đối thủ ở châu Á đặt dấu hỏi’.
Thế nên, theo ông, ‘một quyết tâm chính trị về vấn đề thương mại là một điều cần thiết ở Hoa Kỳ lúc này’.
Ông cho biết: ‘Tôi cho rằng hiện Hoa Kỳ cho thấy đang theo đuổi các mục tiêu tốt ở khu vực Đông Nam Á, nhưng chưa hình thành một chiến lược rõ ràng. Washington đang định hình các bước đi liên quan tới cấu trúc an ninh ở khu vực này, nhưng chưa có một chiến lược cụ thể. ASEAN là một thị trường xuất khẩu lớn thứ tư. Hoa Kỳ đầu tư vào ASEAN nhiều gấp ba lần so với Trung Quốc, và gấp 10 lần so với Ấn Độ. Thế nên, nếu có chiến lược cụ thể, Washington không thể cho phép mình bỏ lỡ cơ hội có mặt tại hội nghị bộ trưởng kinh tế các nước ASEAN, đặc biệt khi các đối tác đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu thương mại của khu vực đều tham gia.’
Phát biểu khai mạc AEM 42, Tổng thư ký ASEAN nói rằng các nền kinh tế ở Đông Nam Á sẽ tiếp tục phát triển cùng với Trung Quốc bất chấp việc một số quốc gia gặp khó khăn trong việc thích ứng với một thỏa thuận thương mại tự do mới với đất nước đông dân nhất thế giới, trong đó có việc bãi bỏ thuế bảo hộ.
Thỏa thuận Khu vực Thương mại Tự do ASEAN – Trung Quốc có hiệu lực đầu năm 2010, và là thị trường lớn nhất thế giới tính theo đầu người với khoảng 1,7 tỷ dân.
Ông Bower cho rằng ‘lỗ hổng về chiến lược tăng cường đối thoại và hợp tác ở Đông Nam Á của Hoa Kỳ rõ ràng là thương mại’ mà đây lại là ‘điều sống còn đối với việc duy trì sự hồi phục kinh tế của Hoa Kỳ’.
Ông nói thêm: ‘Thương mại là một thành tố quan trọng đối với Hoa Kỳ vì nó đóng vai trò thúc đẩy nền kinh tế đất nước. Chính vì lẽ đó, Washington cần phải có chính sách thương mại thúc đẩy các sản phẩm và dịch vụ của Hoa Kỳ ở nước ngoài, cũng như mở cửa cho những sản phẩm ở nước ngoài vào Mỹ, giúp nền kinh tế hoạt động hiệu quả hơn. Sự hậu thuẫn về mặt chính trị đối với vấn đề đó phải xuất phát từ Tòa Bạch Ốc, nhưng hiện bản thân họ cũng e ngại tranh cãi điều đó vì cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới. Chính quyền của Đảng Dân chủ không muốn mất đi sự ủng hộ của các đơn vị cử tri quan trọng, nhất là phong trào lao động trong nước.’
Liên quan tới các mối quan hệ hợp tác kinh tế trên bình diện song phương, ông Bower nhận định với VOA Việt Ngữ rằng ‘Hoa Kỳ đã thực hiện tốt các bước hợp tác tốt đẹp với các đối tác trọng yếu ở châu Á, trong đó có Việt Nam cùng các nước khác’.
Ông nói: ‘Điều đó hỗ trợ tiến trình trở lại châu Á của Hoa Kỳ cũng như giúp củng cố chiến lược an ninh quốc gia cũng như tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ. Nhưng một vấn đề là, cấp độ hợp tác khu vực cần phải tương xứng với các mối quan hệ song phương tốt đẹp như vậy. Chỉ có như vậy, mối bang giao Việt Nam – Hoa Kỳ mới có thể tiến lên tầm cao mới, nếu không Hà Nội sẽ hợp tác với các nước láng giềng và ASEAN. Hiện Việt Nam đã đạt các thỏa thuận về thương mại tự do với Ấn Độ, Trung Quốc, Australia hay New Zealand, Nam Triều Tiên, Nhật Bản, trong khi đó Hoa Kỳ không nằm trong các thỏa thuận này.’
Năm 2009, Hoa Kỳ đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất ở Việt Nam, hiện là chủ tịch luân phiên của ASEAN, với số vốn đăng ký gần 10 tỷ đôla, tức chiếm hơn 45% tổng vốn đầu tư tại đây.
Mới đây, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã tham dự Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) ở Hà Nội, nơi bà tuyên bố ‘quyền lợi quốc gia’ của Hoa Kỳ trong việc giải quyết vấn đề biển Đông, khiến Trung Quốc ‘giận dữ’ lên tiếng phản đối.
Trong khi đó, tin cho hay, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates dự kiến sẽ tới Việt Nam vào tháng 10 tới đây để tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN cộng 8 (ADMM+8) gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga và Mỹ.
Thưa quý vị, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 42 (AEM 42) đã khai mạc ở Đà Nẵng hôm 25/8 với sự tham gia của các bộ trưởng kinh tế của 10 nước ASEAN và 8 đối tác của khối gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand, Ấn Độ, Liên hiệp châu Âu và Nga. Tuy nhiên, sự vắng mặt của Hoa Kỳ lần này đã khiến một số chuyên gia, trong đó có ông Ernest Bower, Cố vấn cao cấp đồng thời là Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Chiến lược ở Washington, đặt dấu hỏi về chính sách thương mại ở Đông Nam Á cũng như cam kết chính trị đối với vấn đề quan hệ kinh tế ở tầm khu vực của Hoa Kỳ. Mời quý vị theo dõi tường thuật của Nguyễn Trung trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ tuần này.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1