Đường dẫn truy cập

ASEAN chỉ trích mạnh mẽ chính quyền Myanmar vì vắng mặt tại hội nghị thượng đỉnh


Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của ASEAN khai mạc vào ngày 26/10/2021 mà không có đại diện của Myanmar.
Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của ASEAN khai mạc vào ngày 26/10/2021 mà không có đại diện của Myanmar.

Các nhà lãnh đạo Đông Nam Á chỉ trích gay gắt chính quyền Myanmar khi hội nghị cấp cao của khu vực khai mạc vào ngày 26/10 mà không có đại diện nào của nước này dự, sau khi vị tướng hàng đầu của Myanmar không được mời vì bỏ mặc một lộ trình hòa bình đã được thỏa thuận sáu tháng trước, theo Reuters.

Trước đó, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cho biết họ sẽ chấp nhận một nhân vật phi chính trị từ Myanmar tham dự vào cuộc họp trực tuyến, nhưng chính quyền Myanmar hôm 25/10 bác bỏ đề nghị này, nói rằng họ sẽ chỉ đồng ý cho lãnh đạo hoặc một bộ trưởng tham dự.

Trong một thái độ lạnh nhạt chưa từng có đối với nhà lãnh đạo của một quốc gia thành viên, ASEAN đã quyết định loại bỏ lãnh đạo quân đội Min Aung Hlaing, người dẫn đầu cuộc đảo chính ngày 1/2 tại Myanmar dẫn đến tình trạng bạo lực và hỗn loạn trên toàn quốc. Lý do ASEAN không mời tướng Min Aung Hlaing là vì nhà lãnh đạo này đã không chấm dứt hành vi thù địch, cho phép tiếp cận nhân đạo và bắt đầu đối thoại theo như thỏa thuận với ASEAN.

Quyết định này được xem là một sự xúc phạm lớn đối với quân đội Myanmar và là một bước đi táo bạo hiếm hoi của ASEAN, khối có quy tắc về đồng thuận, không can thiệp và can dự vào chuyện nội bộ của các quốc gia thành viên.

“Hôm nay, ASEAN đã không trục xuất Myanmar khỏi khuôn khổ của ASEAN, mà Myanmar đã tự từ bỏ quyền lợi của mình”, Reuters dẫn lời Thủ tướng Campuchia Hun Sen, người sẽ là chủ tịch của nhóm vào năm tới, nói.

“Giờ đây, chúng ta đang ở trong tình trạng ASEAN trừ một. Điều đó không phải vì ASEAN, mà vì Myanmar”.

Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi nói ASEAN đã có một chỗ sẵn sàng cho Myanmar, nhưng nước này đã chọn không tham gia.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo, trong phát biểu trước các nhà lãnh đạo, đã than phiền về “thái độ không được hoan nghênh” của Myanmar đối với các nỗ lực ngoại giao của ASEAN, bà Retno cho biết.

“Quyết định của ASEAN trong việc mời một đại diện phi chính trị của Myanmar là một quyết định nặng nề, nhưng nó phải được thực hiện”, bà Retno nói thêm.

“Điều quan trọng đối với chúng ta là tôn trọng nguyên tắc không can thiệp. Nhưng mặt khác, chúng ta có nghĩa vụ duy trì các nguyên tắc khác... như dân chủ, quản trị tốt, tôn trọng nhân quyền và một chính phủ hợp hiến”, bà dẫn lời tổng thống Indonesia nói.

Quốc vương Hassanal Bolkiah của quốc gia Chủ tịch ASEAN, Brunei, cho rằng Myanmar nên được cho một không gian để trở lại bình thường theo nguyên tắc không can thiệp của ASEAN.

Ông nói trong một tuyên bố rằng các lãnh đạo khu vực đã kêu gọi tại hội nghị thượng đỉnh rằng cần “hòa giải tình hình ở Myanmar nhằm duy trì độ tín nhiệm của ASEAN”.

Tuy nhiên, theo Reuters, chính Brunei, với sự ủng hộ của đa số, đã quyết định loại trừ nhà lãnh đạo quân đội.

Quân đội Myanmar, lực lượng đã cai trị đất nước trong 49 năm trong 60 năm qua, đã phản đối mạnh mẽ trước phản ứng nghiêm khắc đặc biệt của ASEAN, cáo buộc khối này đã đi ra khỏi các chuẩn mực của mình và để cho mình bị ảnh hưởng bởi các quốc gia khác, bao gồm cả Hoa Kỳ.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, một tướng về hưu được coi là nhà lãnh đạo ASEAN gần gũi nhất với những người thực hiện đảo chính ở Myanmar, kêu gọi nước này thực hiện lộ trình 5 điểm mà ASEAN đã nhất trí.

Ông nói rằng vấn đề này rất quan trọng đối với danh tiếng của khối và là một bài kiểm tra về quyết tâm của khối.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG