Đường dẫn truy cập

ASEAN bị chỉ trích làm ngơ những mối quan tâm của người dân


Nhà hoạt động người Malaysia Jerald Joseph, Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo của Diễn đàn Nhân dân ASEAN phát biểu trong lúc bà Sunsanee Sutthisunsanee, đại diện của Thái Lan, lắng nghe, ngày 2/4/2015. (Ảnh Steve Herman - VOA).
Nhà hoạt động người Malaysia Jerald Joseph, Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo của Diễn đàn Nhân dân ASEAN phát biểu trong lúc bà Sunsanee Sutthisunsanee, đại diện của Thái Lan, lắng nghe, ngày 2/4/2015. (Ảnh Steve Herman - VOA).

Các tổ chức xã hội dân sự ở Đông Nam Á tỏ ý lo ngại là tiếng nói của họ bị ASEAN làm ngơ, mặc dù Malaysia, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên của khối này, cam kết xây dựng một “ASEAN lấy dân làm gốc.” Thông tín viên Steve Herman của đài VOA tường thuật từ Bangkok.

Khi ASEAN tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào hạ tuần tháng này ở Kuala Lumpur, diễn đàn nhân dân và hội nghị xã hội dân sự của hiệp hội này sẽ cùng nhau đưa ra một lời phê phán kịch liệt.

Họ sẽ nói với các nhà lãnh đạo rằng những khuyến nghị mà xã hội dân sự trình bày mỗi năm kể từ năm 2005 “không hề được chấp nhận hay được thực thi một cách có ý nghĩa.”

Họ cho rằng nguyên do của tình trạng này là ASEAN “đặt quyền lợi của các doanh nghiệp và các nhóm thượng lưu, kể cả các công ty quốc doanh, lên trên quyền lợi của người dân.”

Hội nghị thượng đỉnh 4 ngày sẽ khai mạc tại thủ đô của Malaysia vào ngày 24 tháng tư.

Trước khi hội nghị diễn ra, hơn 100 người, trong đó có những nhà báo nổi tiếng, đã bị bắt về tội gọi là xúi giục nổi loạn kể từ tháng hai.

Nhà hoạt động người Malaysia Jerald Joseph là Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo của Diễn đàn Nhân dân ASEAN. Ông nói rằng thủ tướng Najib Razak phải trả lời một câu hỏi có tính chất cơ bản trong tư cách là nước chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh ASEAN.

"Làm thế nào mà ông có thể làm chủ tịch trong khi để cho nền tảng xã hội của nước ông bị xuống hố như vậy? Và tôi nghĩ rằng điều này đi ngược với những nguyên tắc của hiến chương về sự tôn trọng các quyền tự do cơ bản, các quyền được ghi rõ trong hiến chương ASEAN."

Những hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo ASEAN bị nhiều người cho là những hội nghị khá mờ nhạt, vì khối này theo đuổi chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước hội viên.

Nhà hoạt động Lào bị mất tích Sombath Somphone. Tháng này, ASEAN sẽ đặc biệt đối đầu với Lào về vụ ông Somphone bị cưỡng bức mất tích.
Nhà hoạt động Lào bị mất tích Sombath Somphone. Tháng này, ASEAN sẽ đặc biệt đối đầu với Lào về vụ ông Somphone bị cưỡng bức mất tích.

Nhưng những cuộc họp của xã hội dân sự bên lề hội nghị thường nêu lên những vấn đề nóng bỏng, như vấn đề chà đạp nhân quyền.

Tháng này họ sẽ đặc biệt đối đầu với Lào về vụ nhà hoạt động Sombath Somphone bị cưỡng bức mất tích.

Họ muốn tất cả các nước ASEAN giải quyết những mối quan tâm về môi trường liên quan tới việc xây dựng các đập thuỷ điện trên sông Mekong và những vụ ngược đãi công nhân di trú và người tị nạn trong khu vực, cùng với những vấn đề khác.

Thái Lan, là nước do một hội đồng quân nhân nắm quyền kiểm soát kể từ tháng 5 năm ngoái, cũng sẽ bị các nhà hoạt động xã hội dân sự phê phán.

Thời gian thiết quân luật kéo dài gần 10 tháng đã kết thúc hôm thứ tư, nhưng người đứng đầu tập đoàn quân nhân là Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã nhanh chóng dành cho chính ông và các tướng lãnh những quyền hạn rộng rãi thông qua một sắc lệnh an ninh mới.

Quyền tự do diễn đạt và tụ họp đã bị hạn chế theo lệnh thiết quân luật. Các nhà tranh đấu ở Thái Lan giờ đây không biết họ có thể nói gì hay có thể làm gì.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bangkok ngày hôm nay, bà Sunsanee Sutthisunsanee, một đại diện của Thái Lan tại diễn đàn nhân dân ASEAN, cho biết các nhà tranh đấu nhân quyền ở Thái Lan đang chờ xem Thủ tướng Prayuth sẽ làm gì sau khi đưa ra tuyên bố là ông không hề có ý định lạm dụng những quyền hạn không hạn chế của mình.

Mặc dù thiết quân luật đã kết thúc hôm 4/1/2015, nhưng Thủ tướng Thái Prayuth Chan-ocha đã nhanh chóng dành cho chính ông và các tướng lãnh những quyền hạn rộng rãi thông qua một sắc lệnh an ninh mới.
Mặc dù thiết quân luật đã kết thúc hôm 4/1/2015, nhưng Thủ tướng Thái Prayuth Chan-ocha đã nhanh chóng dành cho chính ông và các tướng lãnh những quyền hạn rộng rãi thông qua một sắc lệnh an ninh mới.

"Thủ tướng của chúng ta nói rằng nếu quí vị không làm điều gì sai thì tại sao quí vị lại lo ngại về việc này? Chúng tôi không làm gì sai. Chúng tôi làm những điều đúng đắn. Cho nên tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ tiếp tục nêu lên những mối quan tâm về nhân quyền."

Tổ chức nhân quyền quốc tế Human Rights Watch cho rằng tập đoàn quân nhân cầm quyền quyết định hành sử các quyền hạn trong Điều 44 của hiến chương lâm thời là một hành động đánh dấu “sự lún sâu hơn nữa của Thái Lan vào chế độ độc tài”.

Các tổ chức xã hội dân sự cũng muốn mọi người chú tâm tới tình hình ở Myanmar trong lúc có những vụ đàn áp sinh viên và những hành vi thù địch mỗi ngày một nhiều đối với các nhóm sắc tộc thiểu số.

Các đại biểu tham dự diễn đàn nhân dân nói rằng trong lúc ASEAN tiến tới mục tiêu hợp nhất kinh tế khu vực, nhiều hội viên của khối này tiếp tục đàn áp nhân quyền và theo đuổi những đường lối chính trị lạc hậu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG