Kỷ niệm 10 năm sự kiện 11/9, Trà Mi mời quý vị và các bạn cùng gặp gỡ hai người Việt tận mắt chứng kiến cũng như trực tiếp tham gia công tác cứu hộ và thu dọn ngay sau khi xảy ra biến cố thảm khốc tại Hoa Kỳ. Đó là luật sư hải quân, thiếu tá Phan Vĩnh Chinh (Chris Phan), hiện đang đóng quân tại bang Virginia, người tình nguyện tham gia vào các đội thu dọn đống đổ nát ở Ground Zero, New York, và bác sĩ quân y, đại tá Dương Nguyễn, một trong những người đầu tiên đến ứng cứu cho các nạn nhân tại Ngũ Giác Đài. Lúc bấy giờ, ông đang làm việc tại Quân y viện Rader tại đồn Myer.
Luật sư-thiếu tá Chinh Phan: Sáng hôm đó, khoảng 9 giờ hơn, Chinh đang chuẩn bị lên một chiếc tàu, bỗng thấy khói bốc lên từ một tòa nhà của Tòa Tháp Đôi. Chừng vài phút sau, từ chỗ Chinh đứng nhìn qua mấy tòa nhà cao tầng bên kia, thấy chiếc máy bay thứ nhì đâm vào tòa nhà thứ nhì của Tòa Tháp Đôi.
Trà Mi: Lúc đó, anh cách Tòa Tháp Đôi Trung tâm Thương mại Thế giới khoảng bao xa?
Luật sư-thiếu tá Chinh Phan: Từ chỗ Chinh làm việc cho hải quân nhìn qua sông chừng 6 dặm.
Trà Mi: Tức anh ở bên bờ của New Jersey, nhìn qua bờ sông bên kia thấy Tòa Tháp Đôi cùng những tòa nhà cao tầng của New York.
Luật sư-thiếu tá Chinh Phan: Đúng vậy.
Trà Mi: Suy nghĩ đầu tiên của anh ngay lúc đó là gì?
Luật sư-thiếu tá Chinh Phan: Chinh tưởng tai nạn, nhưng cái thứ nhì, Chinh thấy rõ chiếc máy bay nó bay 1 vòng rồi đâm vào tòa nhà thứ nhì, một tiếng nổ vang dội. Và Chinh biết là mình bắt đầu chuẩn bị chiến tranh rồi.
Trà Mi: Những cảm xúc trong lòng anh lúc đó thế nào? Quang cảnh xung quanh ra sao?
Luật sư-thiếu tá Chinh Phan: Mình ở khoảng cách đủ xa để không bị nguy hiểm, nhưng mình biết đây là mọi chuyện đang xảy ra thật sự. Tim tôi như ngừng đập, tê tay, tê chân. Không ai nói được lời nào.
Trà Mi: Xin hỏi bác sĩ Dương, ngay lúc sự việc diễn ra, bác sĩ đang có mặt ở đâu, đã nhìn thấy những gì?
Bác sĩ-đại tá Dương Nguyễn: Lúc đó, tôi đang chữa bệnh tại bệnh xá Rader. Tôi đi ngang phòng chờ đợi, nhìn lên TV, thấy 1 chiếc máy bay đụng vào tòa nhà thứ nhất của Tòa Tháp Đôi ở New York. Tôi cho đó là một tai nạn. Nhưng chỉ vài phút sau lại thấy một chiếc máy bay thứ hai đụng nữa, tôi nhận ra đây không phải là cảnh trong phim hay một tai nạn. Một sự kinh hoàng không thể tưởng tượng nổi. Sau đó, tôi nghe thấy một tiếng ầm rất lớn. Hóa ra là một chiếc máy bay khác đâm xuống Ngũ Giác Đài. Trong loa phóng thanh của bệnh xá phát lệnh cần quân y gấp ở Ngũ Giác Đài. Tôi bỏ chạy ngay sang Ngũ Giác Đài, cách bệnh xá của tôi 1,6 cây số. Tôi chạy băng ngang qua một trại thủy quân lục chiến tới Ngũ Giác Đài. Đến gần Ngũ Giác Đài, một chiếc xe Hồng Thập Tự đưa cho tôi một chiếc áo mặc ngoài màu vàng. Tới nơi, tôi bắt tay chữa trị ngay cho các nạn nhân. Người thì bị chảy máu, người bị cháy, người khó thở. Đang chữa trị thì một bác sĩ đại tá chỉ sang tôi, nói rằng tôi là chỉ huy ở đó. Về sau tôi mới biết là chiếc áo mặc ngoài họ phát cho tôi đề chữ ‘Y sĩ trưởng’. Thành ra tôi chỉ huy luôn nhóm cứu trợ đầu tiên đó.
Trà Mi: Quang cảnh đầu tiên khi bác sĩ tới hiện trường, bác sĩ nhìn thấy những gì?
Bác sĩ-đại tá Dương Nguyễn: Lúc đó quang cảnh rất xô bồ. Tôi thấy có nhiều mảnh máy bay cháy rụng tung ở đó. Ngay trước mặt, một phần góc tòa nhà Ngũ Giác Đài bị cháy, sập xuống. Nhân viên cứu hỏa, nhân viên cứu cấp y tế, cảnh sát tới nhiều lắm. Quang cảnh rất hỗn loạn. Đang chữa trị, tôi lại nghe sắp có một chiếc máy bay nữa. Về sau mới biết chiếc đó rơi xuống ở bang Pennsylvania. Chúng tôi phải di chuyển tất cả các bệnh nhân xuống dưới hầm xa lộ cạnh đó.
Trà Mi: Xin anh Chinh chia sẻ những ghi nhận khi anh trực tiếp đến hiện trường tham gia công tác dọn dẹp sau thảm họa tại hai tòa nhà Tháp Đôi ở New York.
Luật sư-thiếu tá Chinh Phan: Chỗ tôi làm việc gần thành phố New York nhất. Tôi tình nguyện đi giúp thu dọn trong hai cuối tuần. Từ lúc xảy ra đến cuối tuần cũng trải qua mấy ngày, cho nên công tác cấp cứu hay tìm kiếm những người mất tích hầu như cũng gần xong rồi. Thành ra, lúc Chinh vào chỉ chủ yếu là thu dọn, nhưng Chinh nhớ bụi bặm và không khí ở đó rất nồng, rất khó thở, khó thấy.
Trà Mi: Qua những hình ảnh trên TV, Trà Mi thấy bầu không khí ở đó trắng xóa, toàn là bụi trắng.
Luật sư-thiếu tá Chinh Phan: Mọi người đều phải mang mặt nạ.
Trà Mi: Trong công tác thu dọn sau vụ khủng bố ở New York, anh có tìm thấy những vật dụng gì trong đống đổ nát đó khiến anh phải suy nghĩ không?
Luật sư-thiếu tá Chinh Phan: Chinh nhớ tìm được một cái đồng hồ, kim của nó dừng lại ở 10 giờ. Chinh nghĩ đó là lúc mà người chủ của nó chia tay với nó.Trà Mi: Một khoảnh khắc vẫn đọng lại trong anh cho tới bây giờ, sau 10 năm. Trong ánh mắt của người chứng kiến và tham gia ứng cứu sau vụ khủng bố, đây quả là một kỷ niệm đau lòng khó quên. Hồi tưởng lại sự kiện này sau 10 năm, ấn tượng khó phai nhất, sâu sắc nhất đọng lại trong tâm trí của bác sĩ Dương là gì?
Bác sĩ-đại tá Dương Nguyễn: Vụ 11/9 có một tác động rất sâu xa là sau đó, tất cả dân chúng trên thế giới đều phải chịu những khoản thuế về an ninh. Thứ hai, tôi rất lấy làm hãnh diện là một trong số những người đầu tiên tới chữa trị, giúp các nạn nhân trong vụ khủng bố. Tôi có thể kể lại cho con cháu mình rằng ngày 11/9/2001, tôi đã làm những việc đó. Đây là một kỷ niệm khó quên trong tôi.
Trà Mi: Trong số các nạn nhân không may tử nạn tại Ngũ Giác Đài có một người Việt, và đây cũng là nạn nhân người Việt duy nhất trong số 2977 nạn nhân thiệt mạng trong vụ khủng bố 11/9/2001. Trong lúc cứu hộ, bác sĩ Dương có nghe biết gì về nạn nhân người Việt này không?
Bác sĩ-đại tá Dương Nguyễn: Ngay trong lúc đó, thật sự tôi không biết ai là ai. Về sau mới biết.
Trà Mi: Đối với bác sĩ Dương, kỷ niệm sâu sắc nhất là sau này ông có thể kể lại cho con cháu về khoảnh khắc mà ông là một trong những người đến ứng cứu đầu tiên sau thảm họa 11/9. Còn với anh Chinh, anh nhớ nhất điều gì khi nhắc tới sự kiện này? Biến cố này có ý nghĩa thế nào trong cuộc đời của anh, một người Mỹ gốc Việt đang phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ?
Luật sư-thiếu tá Chinh Phan: Ngày xảy ra, tôi không nghĩ tới bằng 6 năm sau, khi tôi bước chân lên Iraq, với tư cách làm luật sư cho Navy SEALs sang thành phố Fallujah, Iraq. Lý do tôi tới đó bắt nguồn từ vụ khủng bố 11/9/2001. Lúc đó, các phần tử nổi dậy, khủng bố tại đây muốn chống Mỹ, nên mình phải trải qua nhiều khó khăn. Sáu tháng sau, mình thấy bình yên tới. Lúc đó, Chinh thấy rất vui mừng vì mình góp được phần nhỏ giúp Iraq trở thành một đất nước bình yên hơn trước khi mình tới.
Trà Mi: Thưa bác sĩ Dương, theo ghi nhận của một người Việt sinh sống lâu năm tại Hoa Kỳ, nước Mỹ trước và sau vụ khủng bố 11/9 đã thay đổi thế nào ngoài vấn đề an ninh? Trong các mặt khác, đặc biệt về đời sống, sinh hoạt của cộng đồng người Việt ở Mỹ, bị ảnh hưởng ra sao từ sự kiện này, theo ghi nhận của bác sĩ Dương?
Bác sĩ-đại tá Dương Nguyễn: Ngay sau vụ đó, tôi thấy lòng yêu nước của người dân Mỹ nổi lên, bằng chứng là xe chạy ngoài đường gắn cờ Mỹ một cách hãnh diện.Trà Mi: Và họ ủng hộ những lời kêu gọi đi tòng quân ở những nơi như Iraq, Afghanistan. Còn riêng cộng đồng người Việt ở Mỹ thì như thế nào, thưa bác sĩ Dương? Ông có thấy một tác động nào cụ thể từ biến cố này đối với sinh hoạt, đời sống của người Việt Nam ở Mỹ không?
Bác sĩ-đại tá Dương Nguyễn: Cũng có chứ. Tôi nói chuyện với bạn bè người Việt Nam, họ nói rằng tuy nước Mỹ không phải là nơi họ sinh ra, nhưng họ sống ở đây lâu rồi, nên xem nước Mỹ là quê hương thứ hai. Họ cũng đau lòng khi thấy nước Mỹ bị khủng bố bất ngờ như vậy. Sau 11/9/2001, tôi thấy nhiều thanh niên nam nữ Việt Nam gia nhập quân đội Mỹ. Bây giờ có nhiều người gốc Việt trong quân đội Mỹ lắm.
Trà Mi: Đó là những chia sẻ về mặt tinh thần lẫn đóng góp cụ thể cho nước Mỹ. Xin hỏi anh Chinh, một người đang có mặt trong quân ngũ Hoa Kỳ, cuộc sống một người Mỹ gốc Việt, đặc biệt là một quân nhân gốc Việt trong quân đội Hoa Kỳ như anh, đã bị tác động thế nào từ sự kiện này?
Luật sư-thiếu tá Chinh Phan: Cũng như tất cả lính trong quân lực Hoa Kỳ, chúng tôi ai cũng phải hy sinh thêm, trải qua nhiều cực khổ thêm. Trước đó, ít khi có chuyện lính hải quân đi giúp sức tại một nước sa mạc như Iraq và Afghanistan. Nhưng bây giờ, chiến tranh hơn 10 năm rồi, từ hải quân đến không quân, mọi người đều góp sức trong cuộc chiến tranh chống khủng bố. Cho nên, không chỉ người Mỹ gốc Việt mà bất kỳ người nào trong quân đội đều phải nỗ lực làm thêm hơn những gì đã làm hồi trước.
Trà Mi: Về cảm giác, mức độ an toàn khi sống trên đất Mỹ trước và sau khi xảy ra biến cố 11/9 khác nhau ra sao? Bác sĩ Dương nhận xét thế nào về cách đối phó và sự phục hồi của nước Mỹ sau tai nạn này?
Bác sĩ-đại tá Dương Nguyễn: Bây giờ ai cũng sợ, đề phòng về vấn đề an ninh. Sau vụ 11/9 có nhiều biện pháp giữ an toàn được áp dụng.
Trà Mi: Bác sĩ có thấy nước Mỹ đối phó với thảm họa này nhanh chóng, và sự phục hồi có nhanh chóng như mong đợi hay không, hay còn những gì cần phải cải thiện hơn nữa?
Bác sĩ-đại tá Dương Nguyễn: Chuyện này, thật ra, hơi to tát đối với tôi.
Trà Mi: 10 năm nhìn lại biến cố 11/9/2001, mọi việc bây giờ đã hàn gắn hay chưa, trong ánh mắt của anh Chinh?
Luật sư-thiếu tá Chinh Phan: Chinh thấy dù bây giờ mình có bình yên, nhưng nếu mình không ráng theo đuổi những người muốn làm hại cho nước Mỹ, mà rút quân về thì vụ này có thể xảy ra lần thứ hai.
Bác sĩ-đại tá Dương Nguyễn: Theo tôi, vẫn chưa hàn gắn được vì vẫn còn những chính phủ hợp tác với các nhóm khủng bố đó. Chưa diệt xong mấy cái này thì mọi chuyện vẫn chưa ngã ngũ.
Trà Mi: Những vết thương trong lòng dân chúng Mỹ đã được hàn gắn hẳn chưa ạ?
Bác sĩ-đại tá Dương Nguyễn: Tôi nghĩ chưa đâu vì quân đội Mỹ vẫn còn đang chiến đấu tại vùng Trung Đông, họ vẫn còn đang chịu đựng thử thách và nguy hiểm của chiến tranh.
Trà Mi: Những ký ức trong lòng anh Chinh về ngày 11/9 hiện giờ đã nguôi ngoai phần nào chưa?
Luật sư-thiếu tá Chinh Phan: Mình làm những gì có thể. Trong 2 năm qua, Chinh là trừ bị trong hải quân. Nhưng năm nay, lúc nhà nước cần luật sư hỗ trợ pháp lý cho những người lính bên Iraq và Afghanistan, Chinh cũng tình nguyện vô đây để giúp lính và giúp đất nước mình. Chinh luôn trong tư thế sẵn sàng bất cứ khi nào đất nước cần.
Trà Mi: Các hoạt động anh tham gia và đang dấn thân đó cũng cho thấy những ký ức về biến cố này trong anh vẫn chưa nguôi ngoai. Một lời tâm tình, chia sẻ về biến cố 11/9 ở Hoa Kỳ, bác sĩ Dương sẽ nói điều gì?
Bác sĩ-đại tá Dương Nguyễn: Sự hy sinh, đóng góp của những người Mỹ gốc Việt cũng có nhiều và những sự đóng góp đó rất nên được tuyên dương.
Trà Mi: Tưởng niệm 10 năm ngày 11/9, anh Chinh có thông điệp gì, tâm tình gì muốn chia sẻ chăng?
Luật sư-thiếu tá Chinh Phan: Hội quân nhân người Mỹ gốc Việt tổ chức buổi gây quỹ vinh danh 13 tử sĩ người Mỹ gốc Việt đã hy sinh vì ngày 11/9. Lúc đất nước cần mình, mình có được cơ hội để giúp, nên trong ngày 11/9, Chinh sẽ nghĩ về tất cả những anh em đã mất. Cũng cảm ơn Trời Phật đã cho mình có sức để giúp đất nước trong những giờ phút đất nước cần. Từ 2001 tới giờ mình mất 13 anh em gốc Việt trong quân đội Hoa Kỳ tại chiến trường Iraq và Afghanistan. Buổi lễ nhân ngày 11/9 năm nay, Hội quân nhân người Mỹ gốc Việt cũng tạo ra học bổng để trao cho các em trẻ người Mỹ gốc Việt để mấy em có cơ hội học tập, có tương lai để giúp cộng đồng, đất nước, và dân chúng.
Bác sĩ-đại tá Dương Nguyễn: Gia nhập quân đội Mỹ là một hãnh diện. Nếu có khả năng và sức khỏe, các bạn trẻ nên gia nhập. Đây là một môi trường rất tốt, đào tạo ra những con người có thể về sau làm lãnh tụ hay làm chỉ huy, giúp cho đất nước được thanh bình và phát triển tốt đẹp.
Trà Mi: Qúy vị và các bạn nghe đài muốn chia sẻ ý kiến với các vị khách mời của chương trình và trao đổi với độc giả khắp nơi, xin để lại ý kiến bình luận trong chuyên mục Tạp chí Thanh Niên, trên trang voatiengviet.com. Để trao đổi trực tiếp trong những chương trình của Tạp chí Thanh Niên của đài VOA, xin quý vị vui lòng email số phone về địa chỉ vietnamese@voanews.com. Chúng tôi sẽ liên lạc mời quý vị góp tiếng. Tạp chí Thanh Niên hẹn gặp lại tất cả quý vị và các bạn vào giờ này, tuần sau.