Ngoại trưởng Clinton nói rõ rằng Hoa Kỳ ủng hộ việc đối thoại trực tiếp giữa Anh quốc và Argentina trong vụ tranh chấp quần đảo Falkland đã châm ngòi cho một cuộc chiến ngắn giữa hai nước hồi năm 1982. Nhưng bà tránh né lời yêu cầu công khai khác thường của nhà lãnh đạo Argentina đề nghị Hoa Kỳ điều giải cuộc tranh chấp này.
Vấn đề quần đảo Falkland đã không được động đến trong hơn hai thập niên sau khi Anh quốc đánh bật lực lượng của Argentina xâm nhập nhóm đảo hẻo lánh mà Argentina gọi là Malvinas này.
Nhưng cuộc tranh chấp lãnh thổ này đã nóng bỏng trở lại trong mấy tháng gần đây qua việc Argentina phản đối việc một công ty Anh chuẩn bị khoan thăm dò dầu khí trong khu vực quanh quần đảo này.
Tại cuộc họp báo với ngoại trưởng Clinton tại tư dinh Casa Rosada của Tổng thống Argentina, bà Kirchner yêu cầu Hoa Kỳ thực hiện một cuộc hòa giải thân thiện vì Hoa Kỳ có quan hệ tốt với cả Anh và Argentina và Washington vốn có một chính sách trung lập về tình trạng của quần đảo này.
Ngoại trưởng Clinton trước đó đã tuyên bố tại Uruguay rằng Hoa Kỳ sẵn sàng giúp đỡ cả hai phía, nhưng khi đứng bên cạnh nhà lãnh đạo Argentina bà thẳng thắn không chấp nhận đứng ra hòa giải vụ này:
Bà Clinton nói: “Chúng tôi rất muốn khuyến khích hai nước ngồi xuống thảo luận với nhau. Trong lúc này chúng tôi không thể yêu cầu nước nào làm như vậy, nhưng theo chúng tôi thì đó là đường lối đúng đắn phải xúc tiến. Vì vậy chúng tôi sẽ công khai nói ra điều này, như tôi đã từng nói, và chúng tôi tiếp tục khuyến khích việc thực hiện một cuộc thảo luận y như thế.”
Ngoại trưởng Clinton chọn chặng dừng chân qua đêm tại thủ đô Buenos Aires sau khi bãi bỏ kế hoạch đi thăm Chile kéo dài một ngày sau khi xảy ra vụ động đất lớn tại nước này này hôm thứ Bảy.
Thay vào đó, bà Clinton sẽ chỉ ghé phi trường Santiago vài giờ tiếng đồng hồ hôm nay để gặp Tổng thống Michelle Bachelet và Tổng thống tân cử Sebastian Pinera để bày tỏ tình đoàn kết.
Bà Clinton cũng sẽ chuyển giao cho Chile 20 máy điện thoại vệ tinh và các thiết bị liên quan để đáp lại một yêu cầu của giới hữu trách Chile đang gặp khó khăn trong việc liên lạc tại các vùng hẻo lánh bị thiệt hại nặng trong trận động đất.
Ngoại trưởng Clinton đã dự lễ nhậm chức hôm qua của tân Tổng thống Uruguay, ông Hose Mujica. Đây là một cử chỉ nhấn mạnh cam kết của chính quyền Tổng thống Obama muốn có bang giao tốt đẹp với các nhà lãnh đạo Châu Mỹ La tinh với mọi quan điểm chính trị, kể cả các nhà lãnh đạo tả khuynh như ông Mujica.
Chuyến thăm Buenos Aires của bà Clinton mang cùng một ý nghĩa, trong bối cảnh mới đây Tổng thống Kirchner đã cùng với Tổng thống Hugo Chavez của Venezuela chỉ trích chính sách của chính quyền Hoa Kỳ đối với Châu Mỹ La tinh.
Nhà lãnh đạo Argentina nói rằng bà và Ngoại trưởng Hoa Kỳ vẫn bất đồng về cuộc đảo chính hồi năm ngoái ở Honduras, trong đó Argentina đòi khôi phục lại quyền hành cho cựu Tổng thống Manuel Zelaya.
Ngoại trưởng Clinton nói rằng các cuộc bầu cử sau đó đã đưa Honduras trở lại con đường dân chủ.
Bà Clinton nói: “Các cuộc bầu cử tự do và công bằng để chọn ra một tân tổng thống tại Honduras đánh dấu một giai đoạn mới. Giai đoạn khó khăn mà Honduras phải trải qua nay không còn nữa, chúng tôi hy vọng như thế.”
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng trong các cuộc họp của chuyến đi thăm sáu nước Châu Mỹ La tinh bà sẽ thúc hối việc đưa Honduras trở lại với các tổ chức của khu vực, trong đó có Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ mà Honduras đã bị đình chỉ tư cách thành viên hồi năm ngoái.
Hôm qua, Tổng thống Argentina, bà Christina Fernandez de Kirchner, kêu gọi Hoa Kỳ xúc tiến một cuộc hòa giải thân thiện giữa Argentina và nước Anh về cuộc tranh chấp liên quan đến quần đảo Falkland, hay còn gọi là Malvinas, ở ngoài khơi duyên hải phía nam của Argentina. Lời yêu cầu được đưa ra tại một cuộc họp ở Buenos Aires trong chuyến công du của ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton. Từ thủ đô của Argentina, Thông tín viên đài VOA, David Gollust, gửi về bài tường trình sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1