Đường dẫn truy cập

Hội nghị APEC: Giải quyết vấn đề mậu dịch tự do và quan thuế biểu


Cảnh sát tuần tra gần địa điểm hội nghị thượng đỉnh APEC ở Honolulu, Hawaii
Cảnh sát tuần tra gần địa điểm hội nghị thượng đỉnh APEC ở Honolulu, Hawaii

Các giới chức hàng đầu của 21 quốc gia đang họp tại Hawaii trong tuần này tại hội nghị thượng đỉnh hằng năm của Diễn đàn hợp tác kinh tế Á châu-Thái bình dương, gọi tắt là APEC. Người chủ trì hội nghị năm nay, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, sẽ họp với các nhà lãnh đạo khác của Á châu-Thái bình dương trong hai ngày thứ Bảy và Chủ nhật. Thông tín viên đài VOA Mike O'Sullivan tường trình rằng các nhà lãnh đạo sẽ xử lý các vấn đề gai góc liên quan đến thương mại và thuế quan trong khu vực chiếm một nửa sản lượng kinh tế của thế giới.

Các biện pháp an ninh được áp dụng tại Honolulu trong lúc 10.000 người tề tựu về tham dự Hội nghị thượng đỉnh, trong đó có các nhà lãnh đạo quốc gia, các bộ trưởng trong chính phủ, các nhà quản trị doanh nghiệp và các ký giả.

Năm nay, Hoa Kỳ, nước chủ nhà, hy vọng mở rộng mậu dịch và phối hợp các luật lệ trong vùng Thái Bình Dương, đồng thời dự định loan báo một khung sườn cho khu vực được gọi là Quan hệ đối tác xuyên Thái bình dương, một khu vực mậu dịch tự do ở Thái bình dương.

Quan hệ này sẽ được xây dựng trên một thỏa thuận thương mại hiện có giữa Brunei, Chile, New Zealand và Singapore.

Các nhà thương thuyết Mỹ đang dẫn đầu các nỗ lực để mở rộng quan hệ đối tác này đến các nước Hoa Kỳ, Ausstralia, Malaysia, Peru và Vietnam. Ngư dân và nông dân Nhật Bản hôm qua đã biểu tình phản đối việc nước Nhật có thể tham gia vào đối tác sau khi có tin nói rằng Thủ tướng Yoshihiko Noda sắp loan báo việc nước Nhật sẽ tham dự hội nghị.

Hoa Kỳ kêu gọi có những hạn chế trong việc tài trợ cho các xí nghiệp quốc doanh, sự kiện sẽ có ảnh hưởng tại Trung Quốc với nền kinh tế đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ sở hữu nhà nước qua kinh doanh tư nhân.

Một giới chức Trung Quốc trong tuần này cho biết Trung Quốc không được mời tham gia quan hệ đối tác thương mại tự do vừa kể.

Nhà khoa học chính trị Christopher McNally thuộc Trung tâm Đông Tây nói rằng Quốc hội Hoa kỳ có thể sẽ không phê chuẩn thỏa thuận nếu có sự tham gia của Trung Quốc ít nhất là vào lúc này.

Nhưng Vietnam đã tham gia cuộc đàm phán, và ông lưu ý rằng Vietnam cũng đang trong tiến trình chuyển tiếp tương tự. Ông nói APEC là một diễn đàn tốt để đạt được các thỏa thuận có giới hạn chỉ liên quan đến một số quốc gia thành viên mà thôi. Ông nhận định:

“Đó là nơi các nhà lãnh đạo có thể họp để thảo luận việc tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, đầu tư và các đề tài kinh tế khác trong phạm vi khu vực Á châu-Thái bình dương. Nhưng các thỏa thuận có tính bắt buộc có xu hướng thiết lập ở mức độ nhỏ hơn vì rất khó có thể làm cho 21 nền kinh tế nhất trí với nhau về một vấn đề.”

Các giới chức Mỹ, trong đó ngoại trưởng Hillary Clinton, yêu cầu các nước trong khối APEC giảm bớt thuế quan về hàng hóa và dịch vụ liên quan đến môi trường bền vững, trong đó có các tua bin và các tấm năng lượng mặt trời.

Trung Quốc từng tuyên bố các mục tiêu của Hoa Kỳ là quá nhiều tham vọng và vượt quá khả năng của các nước đang phát triển. Nhà phân tích McNally nói rằng các thỏa thuận thương mại của Hoa Kỳ phức tạp hơn của Trung Quốc và thường có liên quan đến các vấn đề khác hơn là thương mại. Ông giải thích:

“Những thỏa thuận đó cũng bao gồm cả các tiêu chuẩn về môi trường, tiêu chuẩn về lao động và cả việc tiêu chuẩn hóa sản phẩm và đại loại những chuyện như thế.”

Ông McNally nói rằng các thỏa thuận của Trung Quốc tập trung vào những vấn đề cơ bản như giảm mức thuế và cô-ta, và cân đối các tiêu chuẩn của hải quan.

Cả hai loại vấn đề sẽ được xử lý trong cuộc họp ở các cấp bậc lần lượt cao hơn. Tổng thống Obama sẽ chiêu đãi các nhà lãnh đạo APEC bữa cơm tối thứ Bảy và hội nghị sẽ kết thúc bằng cuộc họp của các nhà lãnh đạo trong ngày Chủ nhật.

VOA Express

XS
SM
MD
LG