Các vị bộ trưởng thuộc diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu Thái bình dương, gọi tắt là APEC, ngày mai sẽ họp với nhau để bàn về một số thỏa thuận nhằm cắt giảm thuế quan và loại bỏ những chướng ngại về pháp luật, quản lý và hành chánh đối với hoạt động thương mại.
Một trong những hiệp định này là hiệp định Đối tác Hợp tác Xuyên Thái bình dương, gọi tắt là TPP (Trans-Pacific Partnership), qui tụ Hoa Kỳ và 8 nước khác, trong đó có Peru, Việt Nam và Malaysia. Hiệp định TTP đã là chủ đề của vài vòng thương thuyết. Chuyên gia về APEC, ông Fred Bergsten, cho rằng mức chênh lệch lớn về mặt kinh tế giữa các quốc gia này làm cho việc đàm phán phải mất rất nhiều thời giờ.
Ông Bergstein nói: "Đây là cuộc thương thuyết giữa các nước tiên tiến có thu nhập cao với những nước đang phát triển có thu nhập vẫn còn thấp. Lấy ví dụ của TPP, chúng ta có Hoa Kỳ và Việt Nam. Sự khác biệt lớn trong mức độ và trình độ của sự phát triển kinh tế và các hệ thống kinh tế làm cho cuộc thương thuyết trở nên khó khăn."
Hội nghị tuần này là một trong các hội nghị được tổ chức trước khi hội nghị thượng đỉnh hàng năm của các nhà lãnh đạo lãnh đạo APEC diễn ra tại Hawaii vào tháng 11 năm nay. Các giới chức phụ trách lãnh vực thương mại và doanh nghiệp nhỏ của 21 thành viên APEC sẽ kết thúc hội nghị của họ tại thành phố Big Sky, tiểu bang Montana, vào thứ 7 tới đây.
Nhiều thành viên APEC xem TTP là một bước để tiến tới Khu vực Thương mại Tự do Á châu Thái bình dương, bao gồm toàn bộ 21 thành viên APEC. Ông Bergsten, Giám đốc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Washington, nói rằng nhiều nước APEC đã có tiến bộ lớn trong việc cắt giảm thuế quan. Nhưng ông nói rằng việc điều đình về những rào cản mậu dịch tinh vi hơn, và đôi khi không có tính chất chính thức, sẽ gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù vậy, ông Bergsten dự kiến các giới chức của 9 nước trong TTP sẽ đúc kết được ít nhất là những nét chính của một hiệp định trước khi thượng đỉnh APEC diễn ra vào cuối năm nay.
Những người cổ võ cho mậu dịch tự do nói rằng cắt giảm thuế quan làm giảm chi phí cho người tiêu thụ và tạo ra thị trường cho các nhà sản xuất. Nhưng mậu dịch tự do cũng bị một số người chỉ trích.
Chẳng hạn như nông dân Nam Triều Tiên phản đối các hiệp định thương mại vì e rằng sự cạnh tranh của nước ngoài sẽ làm thiệt hại cho thu nhập của họ. Tại Hoa Kỳ, nhiều người cho rằng hàng nhập khẩu làm giảm đi số công ăn việc làm trong ngành chế tạo ở Mỹ.
Nhu cầu tạo công ăn việc làm là lý do then chốt khiến APEC đang tập trung vào vấn đề doanh nghiệp nhỏ trong năm nay. Các chuyên gia của Cơ quan Doanh nghiệp Nhỏ Hoa Kỳ nói rằng hầu hết các công ăn việc làm mới là do doanh nghiệp nhỏ tạo ra và việc gia tăng khả năng xuất khẩu của các doanh nghiệp này sẽ có ích cho sự tăng trưởng của họ.
Hiện nay, Hoa Kỳ có khoảng 28 triệu doanh nghiệp nhỏ nhưng trong số này chỉ có khoảng 250 ngàn doanh nghiệp là có hoạt động xuất khẩu và phần lớn là chỉ xuất khẩu sang một nước mà thôi. Một chuyên gia cao cấp về Thương mại Quốc tế của Cơ quan Doanh nghiệp Nhỏ Hoa Kỳ, ông Richard Ginzberg, cho biết 97% các nhà xuất khẩu Mỹ là những doanh nghiệp nhỏ. Ông nói thêm rằng những doanh nghiệp không xuất khẩu đang làm ngơ trước nhu cầu của 96% số người tiêu thụ trên thế giới sinh sống ngoài nước Mỹ. Ông Ginzberg cho biết một số công ty cần được khuyến khích để tiến vào các thị trường ở nước ngoài.
Ông Ginzberg nói: "Chướng ngại lớn nhất mà chúng tôi phát giác trong lúc nói chuyện với nhiều doanh nghiệp nhỏ là sự sợ hãi đối với việc làm ăn trên qui mô toàn cầu thay vì làm ăn ở trong nước. Các doanh nghiệp nhỏ cứ lo lắng về việc mà họ cho là mối rủi ro cao hơn, mối rủi ro không được thanh toán tiền bạc đàng hoàng và thậm chí họ còn lo ngại là hàng hóa của họ có thể sẽ bị mất trắng."
Ông Ginzberg cho biết các công ty nhỏ thường không có đủ nguồn lực để ứng phó với những vấn đề quản lý liên quan tới hoạt động xuất khẩu, như vấn đề tài trợ hoặc thế khóa. Nhưng ông nói rằng chính phủ Mỹ có tới 20 cơ quan đang làm việc để giúp cho các doanh nghiệp ứng phó với những luật lệ khác nhau của các nước.
Công tác này là một phần của một chương trình mới có mục đích tăng gấp đôi lượng xuất khẩu của Mỹ và tạo ra hai triệu công ăn việc làm. Đại diện Thương mại Mỹ, ông Ron Kirk, nói rằng khu vực Á châu Thái bình dương đóng vai trò thiết yếu cho nỗ lực này vì đây là khu vực chiếm đến phân nửa số tăng trưởng của kinh tế thế giới trong những năm sắp tới.
Ông Kirk nói: "Đây là một khu vực cực kỳ năng động với xu thế tăng trưởng rất mạnh. 40% dân số thế giới, 54% GDP của thế giới, nhưng chúng tôi chỉ chiếm 44% lượng mậu dịch của thế giới."
Thượng nghị sĩ Max Baucus của Mỹ muốn thu hút các hoạt động thương mại đầu tư cho Montana, tiểu bang nhà của ông. Vì vậy ông đã thuyết phục các giới chức sắp xếp để hội nghị thương mại APEC lần này được tổ chức tại thành phố du lịch trượt tuyết Big Sky.
Ông Baucus nói rằng hàng ngàn người trong giới ngoại giao, thương gia và các nhà báo sẽ có được một khoảng thời gian vui vẻ, thích thú ở Big Sky, và điều này sẽ giúp cho các nhà nông, các công ty hầm mỏ và những công ty khác ở tiểu bang của ông thiết lập những mối quan hệ cần thiết để khuyếch trương công cuộc kinh doanh của mình.
Các vị bộ trưởng thương mại và những giới chức khác của các nước ven Thái bình dương đang bắt đầu tụ tập ở Mỹ để thảo luận về việc gia tăng hoạt động thương mại, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo thêm công ăn việc làm cho người dân nước họ. Theo tường thuật của thông tín viên Jim Randle của đài VOA, các giới chức này đang ra sức giúp đỡ cho các doanh nghiệp nhỏ và tìm cách có được tiến bộ về những hiệp định thương mại qui mô lớn.