Đường dẫn truy cập

APEC chia rẽ về hiệp định TPP


Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và các nhà lãnh đạo khác của 21 nước thành viên APEC chụp ảnh lưu niệm tại Manila, ngày 19/11/2015.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và các nhà lãnh đạo khác của 21 nước thành viên APEC chụp ảnh lưu niệm tại Manila, ngày 19/11/2015.

Bao gồm và hòa nhập là các chủ đề chính tại diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương APEC kết thúc hôm nay ở Manila. Nhưng cũng có các dấu hiệu chia rẽ ngày càng nhiều về hiệp định Hợp tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP.

APEC gồm 21 quốc gia thành viên ở châu Á và châu Mỹ, gộp lại chiếm gần một nửa khối lượng thương mại thế giới.

Trong một thông cáo, các nhà lãnh đạo châu Á Thái Bình Dương hôm nay nhất trí đồng ý về sự cần thiết phải “tăng cường hợp tác và đoàn kết quốc tế trong cuộc chiến chống khủng bố,” sau khi xảy ra những vụ tấn công vừa qua ở Paris làm 129 người thiệt mạng.

Thông cáo nói, “Chúng ta sẽ không để cho khủng bố đe dọa các giá trị cơ bản là nền tảng của các nền kinh tế tự do và cởi mở của chúng ta.”

Tổng thống Philippines Benigno Aquino, người chủ trì diễn đàn APEC năm nay, ca ngợi tiến bộ đạt được hướng tới sự hòa nhập khu vực và sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho việc tăng cường hợp tác đa phương đã được bày tỏ trong 2 ngày hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo.

“Bởi vì tăng trưởng toàn bộ vẫn luôn là nguyên tắc chỉ đạo của chính quyền chúng tôi, chúng tôi tự hào đưa đường lối này ra tiền trường và trung tâm trong suốt thời gian chủ trì APEC năm nay.”

Nhưng mặc dù trọng tâm hội nghị là đoàn kết, các phe phái riêng rẽ đã xuất hiện bên trong APEC về hiệp định Hợp tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP do Hoa Kỳ đứng đầu.

Trong tuần này, Tổng thống Obama đã họp riêng với các nhà lãnh đạo của 11 quốc gia APEC khác tham gia TPP để hối thúc họ sớm phê chuẩn thỏa thuận.

Hoa Kỳ, Nhật Bản, Malaysia, Việt Nam, Singapore, Brunei, Australia, New Zealand, Canada, Mexico, Chile và Peru là các thành viên sáng lập của TPP.

Ông Obama vấp phải sự chống đối việc phê chuẩn TPP một cách đáng kể, ngay cả từ một số thành viên trong đảng của ông, trong đó có bà Hillary Clinton là ứng viên hàng đầu của đảng Dân chủ ra ứng cử tổng thống. Bà phản đối hiệp định thương mại này bởi vì nó không có đủ các biện pháp để bảo vệ công nhân Mỹ và công ăn việc làm của người Mỹ.

Đại diện thương mại Hoa Kỳ Michael Froman, đang có mặt tại Manila để dự cuộc họp APEC, hôm nay tuyên bố ông trông đợi Quốc hội Hoa Kỳ sẽ biểu quyết về hiệp định thương mại tự do cùa quốc gia ven Thái Bình Dương vào đầu năm tới.

Đa số các thành viên APEC khác, trong đó có Nam Triều Tiên, Indonesia, Thái Lan và Philippines đã bày tỏ ý muốn gia nhập TPP.

Tổng thống Philippines Aquino đã hội kiến tổng thống Obama để yêu cầu giúp đỡ gia nhập hiệp ước thương mại định ra những tiêu chuẩn lao động và môi trường, và cũng đòi hỏi các nước hạ thấp các rào cản đầu tư và bảo hộ thương mại.

Có nhiều phần chắc Philippines sẽ phải tu chính hiến pháp để cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia nhiều hơn vào một số công nghiệp.

Ông Aquino đã bày tỏ sự quan ngại rằng các tiêu chuẩn TPP có thể quá cao đối với tất cả các nước muốn gia nhập. Hồi đầu tuần này, ông nói:

“Nếu toàn bộ khái niệm là mở rộng thương mại, tạo ra độc quyền thực sự sẽ đánh đổ toàn bộ mục tiêu vì sao ta gia nhập tất cả những hiệp định này.”

Cả những người ủng hộ lẫn chỉ trích đã mô tả TPP là một phần trong sách lược của Hoa Kỳ nhằm chống lại sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhân diễn đàn APEC để thúc đẩy tiến bộ thêm trong việc phát triển hiệp định tự do thương mại đa phương đối kháng Khu vực Thương mại Tự do châu Á Thái Bình Dương TTAAP. Ông cũng đưa ra lời chỉ trích ngầm TPP do Hoa Kỳ đứng đầu là có tính cách quá hạn chế và độc quyền.

Ông Tập nói: “Chúng ta cần phải khuyến khích vị thế bình đẳng trong việc gia nhập và hội ý rộng rãi và làm cho các thỏa thuận mậu dịch tự do cởi mở và toàn diện ở mức độ cao nhất.”

Tổng thống Nga Vladimir Putin, người không đến dự hội nghị thượng đỉnh APEC, cũng bày tỏ quan ngại về cách thức TPP phát triển một cách bí mật dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ.

Ông Putin nói, “Tuy nhiên, bản chất kín đáo của TPP khó lòng tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của châu Á Thái Bình Dương.”

Đại diện Nga tại APEC, thủ tướng Dmitry Medvedev, hôm qua tuyên bố các luật lệ thương mại thế giới phải được phác thảo trong khung sườn của Tổ chức Thương mại Thế giới, chứ không phải của các nhóm khu vực.

Những người ủng hộ TPP lập luận rằng hiệp định định ra một tiêu chuẩn cao cho những luật lệ thương mại nhằm tự do hóa mậu dịch và đầu tư, tạo công ăn việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các quốc gia thành viên đã công bố một thông cáo trong tuần này nói rằng hiệp định thương mại tạo ra “một khuôn thức mới và hấp dẫn cho thương mại” giúp giảm nghèo và tăng cường quan hệ giữa các nền kinh tế.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG