Đường dẫn truy cập

Anh ra hạn 48 giờ cho Pháp xuống nước trong tranh chấp đánh bắt cá


Thủ tướng Anh Boris Johnson (bìa trái) đứng cạnh Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại hội nghị Thượng đỉnh G-20 ở Rome, Ý
Thủ tướng Anh Boris Johnson (bìa trái) đứng cạnh Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại hội nghị Thượng đỉnh G-20 ở Rome, Ý

Hôm 1/11 Anh đã ra thời hạn 48 giờ cho Pháp xuống nước trong tranh cãi đánh bắt cá vốn có có nguy cơ leo thang thành tranh chấp thương mại lớn hơn giữa hai trong số các nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Nếu không đáp ứng thời hạn, Pháp sẽ đối mặt với hành động pháp lý theo thỏa thuận thương mại Brexit.

Tranh cãi về quyền đánh cá hậu Brexit lên đến đỉnh điểm hôm 27/4 khi Pháp bắt giữ một ghe cào sò điệp của Anh ở vùng biển của Pháp gần hải cảng Le Havre. Paris đe dọa sẽ áp đặt trừng phạt từ ngày 2/11 – điều này thổi bùng căng thẳng thương mại giữa hai bờ eo biển Manche.

Các biện pháp trừng phạt này có thể bao gồm tăng cường kiểm tra biên giới và vệ sinh đối với hàng hóa nhập từ Anh và cấm các tàu bè Anh cập một số cảng của Pháp.

“Người Pháp đã đưa ra những đe dọa hoàn toàn vô lý, bao gồm đối với cả eo biển Manche và ngành đánh bắt của chúng ta, và họ cần phải rút lại những lời đe dọa đó, nếu không chúng tôi sẽ vận dụng các cơ chế của thỏa thuận thương mại với EU để hành động,” Ngoại trưởng Anh Liz Truss nói với Sky News.

“Người Pháp đã hành xử không công bằng. Việc đó không nằm trong các điều khoản của thỏa thuận thương mại. Và nếu ai đó cư xử không công bằng trong thỏa thuận thương mại, bạn có quyền hành động chống lại họ và đòi hỏi bồi thường. Và đó là những gì chúng tôi sẽ làm nếu phía Pháp không lùi bước,” ông Truss nói thêm.

Khi được hỏi về khung thời gian Pháp nên lùi bước, ông Truss nói: “Vấn đề này cần phải được giải quyết trong vòng 48 giờ tới”.

Anh và Pháp đã tranh cãi trong nhiều thập kỷ về các ngư trường đánh bắt dồi dào ở bờ biển phía bắc của họ nhưng một tranh cãi mới đã nổ ra vào tháng 9 sau khi Paris cáo buộc London không cấp đủ giấy phép cho tàu Pháp đánh bắt cá trong khu vực cách bờ biển Anh 6-12 hải lý.

Anh cho biết họ đang cấp giấy phép cho các tàu có thể chứng minh họ từng đánh bắt trong vùng biển Anh trước đây – yêu cầu chủ chốt từ phía các ngư dân Anh, vốn lo ngại các tàu cá Pháp có thể lấy hết lợi nhuận của họ.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã thảo luận về tranh cãi đánh bắt bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rome, nhưng không thu hẹp được sự khác biệt.

Thủ tướng Johnson cho biết ông ‘cảm thấy khó hiểu’ khi đọc một lá thư Paris gửi đến Liên minh châu Âu. Do Thủ tướng Pháp Jean Castex gửi, lá thư kêu gọi EU chứng tỏ rằng ‘rời EU sẽ chịu thiệt hơn là ở lại’.

Quan hệ giữa London và Paris ngày càng trở nên căng thẳng kể từ khi Anh quyết định rút khỏi EU vào năm 2016. Hiệp ước an ninh gần đây giữa London với Mỹ và Úc càng không giúp được gì trong việc xây dựng lại lòng tin với Paris.

Tranh chấp cũng có nguy cơ làm Anh xao lãng trong việc đăng cai cuộc hội nghị khí hậu COP26 của Liên Hợp Quốc vốn đã bắt đầu tại Glasgow.

Khi được hỏi về lý do tại sao vấn đề đánh bắt một lần nữa làm xấu đi mối quan hệ song phương, Ngoại trưởng Truss cho rằng có thể nó liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào năm tới.

Trong khi ngành đánh bắt cá chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong các nền kinh tế Anh và Pháp, nhưng điều này có tầm quan trọng sống còn đối với các cộng đồng dân cư ven biển ở cả Anh và Pháp, vốn nói rằng cuộc sống của họ bị ngư dân nước ngoài đe dọa.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG