Đường dẫn truy cập

Anh khoe hàng không mẫu hạm Queen Elizabeth khiến Nhật Bản nôn nao


Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi nói chuyện với truyền thông sau khi ông thăm tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh tại căn cứ hải quân Hoa Kỳ ở Yokosuka, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản ngày 6 tháng 9 năm 2021. Kiyoshi Ota / Pool via REUTERS
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi nói chuyện với truyền thông sau khi ông thăm tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh tại căn cứ hải quân Hoa Kỳ ở Yokosuka, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản ngày 6 tháng 9 năm 2021. Kiyoshi Ota / Pool via REUTERS

Anh đã trình diễn hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản hôm thứ Hai tại một căn cứ hải quân gần Tokyo, đánh dấu sự bắt đầu hiện diện quân sự thường trực của Anh tại một khu vực đang chứng kiến sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi và các chỉ huy quân sự cấp cao của Nhật Bản tham quan tàu sân bay, đi giữa các chiến đấu cơ tàng hình F-35B trên boong khi các sĩ quan Hải quân Hoàng gia Anh giải thích về cách phóng máy bay phản lực trên tàu.

"Một trong những mục đích của việc triển khai này là để báo hiệu sự bắt đầu của một cam kết," Phó Đề đốc Steve Moorhouse phát biểu trong một cuộc họp ngắn về chiến hạm 4,15 tỷ đôla. "Chú trọng vào khu vực đang nổi lên đáng kể này."

Nhật Bản, nước có kế hoạch bay các máy bay F-35B cất cánh và hạ cánh thẳng đứng từ hai tàu sân bay trực thăng chuyển đổi, đang cố gắng mở rộng hợp tác an ninh ngoài đồng minh Hoa Kỳ nhằm tìm cách đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc mà họ tin là đe dọa khu vực, bao gồm độc lập của Đài Loan.

Nhật Bản, trong sách chiến lược quốc phòng gần đây, xác định nước láng giềng Trung Quốc là mối đe dọa an ninh quốc gia chính của họ và nói rằng họ có "cảm giác khủng hoảng" khi đề cập đến Đài Loan trong lúc hoạt động quân sự của Trung Quốc xung quanh hòn đảo này gia tăng.

"Chuyến thăm của nhóm tấn công tàu sân bay Anh có ý nghĩa to lớn, nhằm duy trì và củng cố một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở," Bộ trưởng Kishi nói với các phóng viên sau khi thăm tàu sân bay Queen Elizabeth.

Nhật Bản, một đồng minh thân cận của Hoa Kỳ, là nơi tập trung lực lượng quân sự lớn nhất của Mỹ bên ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ, bao gồm Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ, máy bay và hàng nghìn binh sĩ Thủy quân Lục chiến.

Trung Quốc, vốn coi Đài Loan là một tỉnh ly khai, nói rằng ý định của họ trong khu vực là hòa bình.

Dẫn đầu hai tàu khu trục, hai khinh hạm, một tàu ngầm và hai tàu hỗ trợ, hàng không mẫu hạm Queen Elizabeth khởi hành từ Anh vào tháng 5 và đã đi qua các vùng biển bao gồm cả Biển Đông đang tranh chấp, trong đó Trung Quốc tuyên bố 90% chủ quyền, trước khi đến Nhật Bản vào thứ Bảy 4/9, cập cảng xa nhất trong cuộc hải hành đầu tiên.

Sau khi nhóm tấn công tàu sân bay Queen Elizabeth rời đi, hai tàu chiến Anh sẽ tiếp tục hiện diện trong khu vực trong lúc London tìm cách mở rộng sự hiện diện trên thế giới sau khi rút khỏi Liên minh châu Âu.

Trong khi cập cảng Yokosuka, nơi neo đậu của tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan, hàng không mẫu hạm Queen Elizabeth còn đón tiếp lãnh đạo các công ty hàng đầu của Nhật Bản đến ký các thỏa thuận kinh doanh với Anh thời hậu Brexit.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG