Cuối tuần trước, Barbara M. Barrett - Bộ trưởng Không quân Mỹ đã trao Huân chương Chữ thập Không vụ Xuất sắc (Distinguished Flying Cross) cho Thiếu tá Brett DeVries.
Distinguished Flying Cross là huân chương tặng cho những quân nhân đã tỏ ra can đảm một cách đặc biệt hoặc hành xử có tính chất phi thường trong một phi vụ cụ thể.
DeVries là phi công lái A-10C Thunderbolt II (một loại oanh tạc cơ của quân đội Mỹ), thuộc Phi đoàn 107, Không đoàn 127 của lực lượng không quân thuộc Địa phương quân (Air National Guard) tiểu bang Michigan.
Ngày 20 tháng 7 năm 2017, trong khi thực hiện một phi vụ huấn luyện về không yểm, chiếc A-10C mà DeVries (lúc đó là Đại úy) điều khiển bị bắn nhầm, mất nắp khoang lái, nhiều thiết bị trong khoang lái bị hư hại hoặc bị gió cuốn bay…
DeVries quyết định không nhảy dù, bỏ phi cơ vì có thể thiết bị phóng ghế lái ra khỏi phi cơ cũng đã bị hư hại. Sau khi lượn một vòng quanh phi cơ mà DeVries đang lái để lượng định mức độ an toàn của chiếc phi cơ này, Thiếu tá Vickers – Phi đội trưởng, báo cho DeVries thêm một tin xấu nữa: Buồng chứa bánh đáp không mở!.. Điều khiển một oanh tạc cơ đáp bằng… bụng chắc chắn sẽ có kết thúc hết sức tồi tệ. DeVries biết điều đó và cố gắng mở buồng chứa bánh đáp…
Phút chót, may mắn đã mỉm cưới với anh chàng đại úy từng hoàn tất 120 phi vụ ở các chiến trường bên ngoài nước Mỹ: Bánh đáp đã bung ra… Khoảng 30 phút sau tai nạn, DeViries cho phi cơ hạ cánh an toàn.
Tính đến thời điểm đó, quân đội Mỹ đã sử dụng A-10C khoảng 40 năm. Trong bốn thập niên vừa qua, chưa phi công nào phải điều khiển A-10C với khoang lái không có… nắp nhưng vẫn có thể quay về căn cứ và hạ cánh an toàn (1).
***
Hôm qua – 11 tháng 11, Thượng viện Mỹ quyết định sẽ trao Huân chương Danh dự (Medal of Honor) cho Thượng sĩ Nhất Alwyn Casher.
Medal of Honor là phần thưởng cao nhất tặng cho những cá nhân can đảm phi thường, thực sự là những anh hùng ngoài mặt trận. Đây là loại huân chương duy nhất do lưỡng viện (Hạ viện và Thượng viện) của Quốc hội Mỹ xét tặng và ủy quyền cho Tổng thống Mỹ trao tặng. Không chỉ quân đội mà xã hội Mỹ cũng dành cho những cá nhân nhận Medal of Honor sự kính trọng đặc biệt. Chẳng hạn theo truyền thống, tất cả các vị tướng đều đứng nghiêm, chào người mang Medal of Honor, dù đó chỉ là… binh nhất!
Tháng 10 năm 2015, một thiết giáp của Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 15, Sư đoàn 3 Bộ binh Mỹ bị bom tự chế hất tung, lật nghiêng rồi cháy ở Samara Iraq. Thượng sĩ Nhất Alwyn C. Casher là người chui vào trong chiếc xe đang cháy rừng rực nhiều lần để mang ba người lính của mình (một Trung sĩ Nhất, một Trung sĩ và một Binh nhất) ra ngoài dù quân phục bắt lửa, Casher như đuốc sống... Bị phỏng 75% cơ thể, Casher chết sau đó một tháng, gần như cùng lúc với ba người lính mà anh đã cứu, tại Tổng Y viện Brooke ở Texas (2).
Casher được truy tặng Anh dũng Bội tinh với Ngôi sao Bạc (Silver Star) – huân chương cao thứ ba về lòng dũng cảm. Tuy nhiên nhiều cá nhân, tổ chức ủng hộ quân đội không đồng ý với quyết định này. Họ đã thu thập thêm lời khai của các nhân chứng, các tài liệu có liên quan để chứng minh, Casher hoàn toàn xứng đáng với Medal of Honor! Bị chỉ trích kịch liệt, các viên chức Bộ Quốc phòng biện bạch, Casher hi sinh trong một vụ phục kích bằng bom tự chế chứ không phải một trận chiến thực sự…
Tranh luận qua lại giữa hai bên kéo dài hàng chục năm và cuối cùng, Quốc hội Mỹ bị kéo vào cuộc. Sau 14 năm như thế, tháng trước, Hạ viện nhất trí với việc tặng Medal of Honor cho Casher, tháng này, tới lượt Thượng viện (3).
***
Casher là một trong hàng trăm trường hợp mà Bộ Quốc phòng phải xét lại hồ sơ theo yêu cầu của công chúng. Do áp lực từ công chúng, năm 2017, Quốc hội Mỹ đã yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ xem lại toàn bộ các trường hợp mà cơ quan nay từng xét tặng những huy chương, huân chương cho các quân nhân Mỹ vì sự dũng cảm của họ trên chiến trường suốt từ Thế chiến thứ hai đến nay vì công chúng cho rằng: Việc xét tặng… nghiêm khắc một cách… thái quá (4)!
Đó là lý do tháng 9 vừa qua, Thomas Patrick Payne – người từng nhận Quân công Bội tinh (Distinguished Service Cross) trong cuộc giải cứu 37 người Kurd trước khi họ bị phiến quân Nhà nước Hồi giáo (ISIS) hành quyết hồi 2015 – bị… thu lại Distinguished Service Cross để nhận… Medal of Honor. Payne trở thành quân nhân thứ hai được trao Medal of Honor khi tham chiến tại Iraq mà… còn sống, không phải là… truy tặng! Đại đa số Medal of Honor là… truy tặng như trường hợp Casher.
Trước nay, việc xét tặng Medal of Honor nói riêng và những huân chương chiến công (như Anh dũng bội tinh với Ngôi sao Bạc – Silver Star, Anh dũng Bội tinh với Ngôi sao Đồng – Bronze Star,…), huân chương ghi nhận thành tích (như Huân chương Chữ thập Không vụ Xuất sắc - Distinguished Flying Cross,…) luôn được quân đội Mỹ thực hiện theo một quy trình hết sức nghiêm ngặt đến mức công chúng bất bình, xem là… quan liêu và chỉ trích kịch liệt .
Thời gian “nâng lên, đặt xuống” đối với các loại huân chương chiến công, huân chương thành tích nếu ngắn thì cũng phải mất vài năm, kể cả khi có đầy đủ bằng chứng, nhân chứng cho thấy hành động của quân nhân nào đó rõ ràng là dũng cảm hay thành tích đạt được rõ ràng là phi thường. Trường hợp Brett DeVries nêu ở đầu bài này là ví dụ gần nhất. Thừa nhận DeVries hết sức can đảm, bình tĩnh, kỹ năng tuyệt vời, tuy nhiên, dù… dư bằng chứng, dư nhân chứng nhưng Không quân vẫn xem xét suốt… ba năm!
Chẳng riêng quân đội Mỹ, quân đội nhiều quốc gia khác cũng vậy. Không có Huân chương Chiến công nào được xét tặng chỉ trong vòng… một ngày như ba Huân chương Chiến công Hạng Nhất mà Chủ tịch Nhà nước Việt Nam quyết định trao tặng cho ba sĩ quan công an thiệt mạng khi đột kích vào xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội hồi đầu năm nay (5)! Cũng chẳng có quốc gia nào mà các Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động lũ lượt dắt nhau vào tù do… tham nhũng như Việt Nam!
Khi những huân chương chiến công được dùng như công cụ khỏa lấp sai lầm, phủi sạch trách nhiệm, giúp một vài cá nhân, chẳng hạn ông Tô Lâm – Bộ trưởng Công an, giữ được… sinh mạng chính trị của riêng ông, khi danh hiệu anh hùng từ lực lượng vũ trang đến lao động trở thành loại hàng hóa dễ mua, dễ dùng trong việc gia tăng năng lực… phá và… ăn, không chỉ các chuẩn mực mất giá, sự cao quý bị hề hóa, đó còn là cách mà các hệ thống từ chính trị đến công quyền tự bôi tro, trát trấu vào diện mạo của mình.
Chú thích
(2) https://thefallen.militarytimes.com/army-sgt-1st-class-alwyn-c-cashe/1302913