Đường dẫn truy cập

Anh gia nhập CPTPP: ‘Cả London và Hà Nội đều được lợi’


CPTPP là khối thương mại tự do hai bên bờ Thái Bình Dương mà Việt Nam là một thành viên
CPTPP là khối thương mại tự do hai bên bờ Thái Bình Dương mà Việt Nam là một thành viên

Việc Anh gia nhập CPTPP sẽ giúp London tăng cường giao thương với các nước trên thế giới để bù đắp phần nào việc họ rời khỏi EU trong khi hàng hóa Việt Nam sẽ thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thị trường Anh, một doanh nhân gốc Việt ở Anh cho biết.

Anh hồi cuối tháng 3 loan báo họ đã được gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, tức CPTPP, một khối thương mại tự do có Việt Nam do Nhật dẫn đầu, trong bối cảnh London tìm cách xây dựng quan hệ thương mại với các khu vực khác trên thế giới sau khi họ rời khỏi Liên minh châu Âu hồi cuối năm 2020.

CPTPP là hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết hồi năm 2018 giữa 11 nước gồm có Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Tiền thân của CPTPP là TPP, tức Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, có sự tham gia của Mỹ. Nhưng hồi năm 2016, sau khi lên cầm quyền, cựu Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi khối này.

Quá trình đàm phán gia nhập của Anh bắt đầu vào tháng 6 năm 2021 và với năm vòng đàm phán trực tiếp, trong đó vòng đàm phán cuối cùng diễn ra tại Việt Nam mà tại đó đại diện các nước thành viên đồng thuận rằng Anh đã đáp ứng các điều kiện để gia nhập CPTPP.

Tờ Nikkei Asia cho biết vào tháng 7 tới, 11 nước thành viên hiện tại của CPTPP và Anh sẽ ký thỏa thuận kết nạp tại một cuộc họp cấp bộ trưởng.

‘Lợi ích khiêm tốn’

Reuters dẫn thông tin từ văn phòng Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết với sự gia nhập của Anh, khối CPTPP sẽ có tổng GDP là 13.600 tỷ đô la Mỹ, tương đương 15% GDP toàn cầu.

Chính phủ Anh cho biết xuất khẩu của họ sang các nước CPTPP đạt 60,5 tỷ bảng trong mười hai tháng tính đến cuối tháng Chín năm 2022. Sau khi Anh gia nhập, kim ngạch xuất khẩu này sẽ tăng thêm 1,8 tỷ bảng mỗi năm trong dài hạn, và còn có thể đạt hơn nữa nếu có thêm nước khác tham gia.

Trong một đánh giá tác động khi bắt đầu đàm phán vào năm 2021, Anh cho biết việc gia nhập CPTPP ước tính giúp GDP của họ chỉ tăng trưởng thêm 0,08% trong dài hạn, theo Reuters.

“Phân tích ban đầu về hoạt động của CPTPP cho thấy nó không tạo nhiều khác biệt trong giao thương,” ông David Henig, giám đốc Dự án Chính sách Thương mại của Anh, được Reuters dẫn lời nói và cho biết khu vực dịch vụ của Anh không được lợi nhiều nhưng nhập khẩu từ các nước như Việt Nam sang Anh sẽ tăng theo thời gian.

Các sản phẩm được hưởng lợi từ việc miễn, giảm thuế vào Anh bao gồm dầu cọ từ Malaysia, chuối của Peru, gạo của Việt Nam và thanh cua của Singapore. Để được hưởng mức thuế quan ưu đãi, các nước xuất khẩu phải chứng minh sản phẩm của họ đáp ứng về tỷ lệ các thành phần có nguồn gốc trong nước.

Ở chiểu ngược lại, Anh nhấn mạnh 99% hàng xuất khẩu của họ sang các nước CPTPP đủ điều kiện để được áp mức thuế suất bằng 0, gồm có phô mai, ô tô, sô cô la, máy móc, rượu gin và rượu whisky.

‘Việt Nam lợi nhiều hơn’

Từ London, ông Thái Trần, hiện sống tại quận đông nam Greenwich và làm công việc xuất nhập khẩu giữa Anh và Việt Nam, nhấn mạnh với VOA rằng CPTPP dù có tác động tích cực đối với kinh tế Anh ‘nhưng không phải là tác động bùng nổ hay kích thích mạnh mẽ nền kinh tế’.

“Giới kinh doanh ở Anh đón nhận tin này ở mức độ vừa phải,” ông Thái nói.

Giải thích quyết tâm của London gia nhập khối thương mại tự do ở hai bên bờ Thái Bình Dương, nhà xuất nhập khẩu này nói rằng sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), London gặp nhhiều trở ngại trong giao thương với EU nên họ ‘xác định phải đi ra giao thương với thế giới nhiều hơn’, trong đó có khối CPTPP để ‘bù đắp sự sụt giảm trong giao thương với EU’.

Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng so với EU vốn là khối thị trường chung mà ở đó hàng hóa Anh ‘không hề qua kiểm tra hải quan, không bị đánh thuế, không bị chi phối bởi các hàng rào kỹ thuật’, trong khi ở trong CPTPP, hàng hóa Anh sang các nước như Nhật hay Malaysia ‘vẫn phải kiểm tra hải quan’ và ‘phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật’.

Khi được hỏi về bất lợi trong khoảng cách địa lý giữa việc xuất khẩu sang châu Âu và sang các nước CPTPP, ông Thái cho biết do cơ cấu của nền kinh tế Anh chủ yếu là dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, đầu tư nên ‘khoảng cách địa lý không là vấn đề’.

“Khi họ đàm phán hiệp định tự do thương mại, cái mà họ quan tâm nhất là các nước đối tác mở cửa thị trường tài chính, ngân hàng và bảo hiểm như thế nào,” ông nói và cho rằng khi vào CPTPP, thuế quan đối với hàng xuất khẩu của Anh có thể giảm về 0 hay giảm xuống rất thấp nên ‘tăng lợi thế cạnh tranh’.

Về phía Việt Nam, ông Thái chỉ ra nước này đã ký Hiệp định Thương mại Tự do với Anh được hai năm nên ‘hàng rào thuế quan và hàng rào kỹ thuật’ giữa hai nước đã được dỡ bỏ nhiều.

Một lợi thế quan trọng của Việt Nam trong CPTPP so với FTA ký với Anh, theo ông Thái, là nguyên tắc xuất xứ hàng hóa, nguyên vật liệu ‘rộng hơn, mở hơn’

Ông giải thích là nếu trong FTA, nguyên vật liệu được quy định phải xuất xứ trong nước Việt Nam mới được hưởng ưu đãi thuế quan, nhưng một khi Anh đã vào CPTPP, Việt Nam có thể lấy nguyên liệu từ Malaysia hay Brunei để sản xuất hàng hóa xuất sang Anh mà vẫn được ưu đãi.

Về cơ cấu giao thương giữa Anh và Việt Nam, ông Thái nói những mặt hàng Việt Nam có lợi thế ở Anh là hàng dệt may, da giày, hải sản và các mặt hàng điện tử, trong khi Anh xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là ‘máy móc, đồ xa xỉ, thiết bị tinh xảo’.

“Anh xuất khẩu sang Việt Nam không nhiều, chỉ có vài trăm triệu bảng so với vài tỷ bảng Việt Nam xuất sang Anh,” ông Thái cho biết.

Phía Anh đang đầu tư vào Việt Nam rất nhiều về bảo hiểm, tài chính, cũng lời nhà xuất nhập khẩu này, nhất là cho vay, góp vốn vào các dự án lớn về phát triển xanh hay năng lượng tái tạo.

Theo lời ông thì nước Anh ‘nhìn về tương lai nhiều hơn’ khi gia nhập CPTPP vì nếu Trung Quốc gia nhập hay Mỹ tái gia nhập thì tiềm năng của thị trường này ‘còn lớn hơn EU’.

“Nếu Mỹ gia nhập trở lại thì rất nhiều nước trong khối sẽ được lợi lớn, trong đó có Anh và Việt Nam,” ông nói và cho biết nước Anh trong hai năm vừa qua tình hình rất khó khăn khi ‘gần như không có tăng trưởng, có quý còn tăng trưởng âm’.

Mặc dù lợi ích lâu dài cho nền kinh tế Anh chỉ ở mức khiêm tốn, Anh có lợi ích địa chính trị khi gia nhập CPTPP.

Minako Morita-Jaeger, nhà nghiên cứu chính sách tại Đài quan sát Chính sách Thương mại Anh, cho biết việc Anh gia nhập ‘đem lại lợi ích chiến lược địa chính trị lớn cùng với lợi ích kinh tế khiêm tốn’. Đó là việc Anh xoay trục sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, khu vực mà London nhấn mạnh Trung Quốc là ‘thách thức mang tính thời đại’.

“CPTPP có thể giúp cho Anh tăng cường quan hệ chiến lược với các nước cùng chí hướng để bảo vệ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do,” ông Morita-Jaeger được Reuters dẫn lời nói.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG