Anh cảnh cáo Nga rằng nước này có thể trở thành một nước bị cô lập trên trường quốc tế vì chiến dịch không kích của họ mà các nước phương Tây quy lỗi đã giết hại hàng trăm nghìn thường dân để yểm trợ các lực lượng chính phủ Syria. Cuộc khẩu chiến đã leo thang nhanh chóng trong mấy ngày gần đây sau khi Nga phủ quyết một đề xuất của Pháp tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, kêu gọi chấm dứt các cuộc không kích, tấn công vào Aleppo.
Các bom thùng, các cuộc tấn công bằng tên lửa và bằng đạn súng cối hầu như đã biến phần lớn thành phố Aleppo thành những đống đổ nát. 250.000 người sinh sống giữa những đống đổ nát với những thanh sắt bị cong quẹo vì trúng bom. Những con người này từng giờ phải sống với nguy cơ bị tiêu diệt giữa lúc các quả bom tiếp tục rơi xuống đầu họ.
Các cường quốc phương Tây trước đó tố cáo Nga là phạm tội ác chiến tranh vì đã thả những quả bom có sức công phá các hầm kiên cố, và bom gây hoả hoạn xuống các khu dân cư, một cáo buộc đã bị Nga bác bỏ bất chấp những chứng cớ tại hiện trường.
Pháp kêu gọi Toà án Hình sự Quốc tế tiến hành điều tra.
Trong một cuộc tranh luận tại một phiên họp khẩn ở quốc hội Anh hôm thứ Ba, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson nói:
“Nếu chiến lược của Tổng thống Putin là nhằm khôi phục sự vĩ đại và sự vinh quang của Nga, thì tôi tin rằng ông ấy có nguy cơ thấy cao vọng của ông biến thành tro trước sự miệt thị của quốc tế về những gì đang diễn ra ở Syria.”
Các nhà lập pháp lặp lại những lời kêu gọi, yêu cầu Anh quốc tiếp tay thành lập một khu cấm bay để bảo vệ thường dân.
Ông Thugendhat, một nhà lập pháp có lập trường bảo thủ nói:
“Các máy bay trực thăng đang thả những bom thùng có thể bị bắn hạ dễ dàng bởi tên lửa đặt ở Thổ Nhĩ Kỳ, Libang hay cả các tàu chiến Type 45s của chúng ta ở Địa Trung Hải.”
Tháng trước, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry đã hối thúc thành lập một vùng cấm bay tiếp theo sau một cuộc tấn công nhắm vào một đoàn xe chở vật phẩm cứu trợ của Liên Hiệp Quốc. Nhiều tiếng nói diều hâu đang kêu gọi nước Anh hãy ủng hộ ý kiến đó.
Ông Alan Mendoza thuộc Hội Henry Jackson phát biểu:
“Nếu có ý định đó thì xin hãy đứng dậy và công khai tuyên bố: Hoa Kỳ, chúng tôi sát cánh với các bạn về vấn đề này. Và chúng ta sẽ ủng hộ đề nghị đó bằng cách sử dụng sức mạnh quân sự của chúng ta. Họ sẽ chùn chân trước rủi ro xảy ra xung đột một khi có sự hiện diện quân sự quyết liệt, mà họ phải đối đầu, và rốt cuộc chúng ta sẽ có một cơ hội tốt hơn để thương thuyết hầu đạt một giải pháp.”
Nga mạnh mẽ bác bỏ cáo buộc cho rằng họ nhắm tấn công người dân thường, và khẳng định họ chỉ tấn công các lực lượng của Nhà nước Hồi giáo mà theo Moscow, các nước phương Tây không dám đối đầu.
Ông Alan Mendoza phản bác khẳng định của Nga:
“Trong khi thỉnh thoảng Nga có tấn công Nhà nước Hồi giáo, họ chủ yếu tập trung tấn công các lực lượng nổi dậy khác không phải là khủng bố, mà chỉ đấu tranh chống lại đồng minh của Nga là Tổng thống Syria Bashar al-Assad.”
Tuy nhiên Thủ tướng Anh Theresa May không ủng hộ bất cứ hành động quân sự nào để thực thi một khu cấm bay. Bà nói rằng trách nhiệm của cộng đồng quốc tế là tiếp tục tăng sức ép đối với Nga.
Giữa lúc các quan hệ giữa Moscow và phương Tây tiếp tục xấu đi, Tổng thống Nga Vladimir Putin huỷ bỏ chuyến đi thăm Paris đã được ấn định cho tuần tới.