Ngoại trưởng của các nước giàu G7 vừa tập trung tại London vào ngày 3/5 cho cuộc gặp trực tiếp đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, với người chủ trì là Ngoại trưởng Anh, Dominic Raab, mở đầu bằng các cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, theo Reuters.
Tuần hội nghị do Anh (hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên của nhóm G7) chủ trì được xem là cơ hội để khẳng định lại ảnh hưởng của phương Tây, đồng thời giải quyết các vấn đề như hồi phục từ đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và cách đối phó với Trung Quốc và Nga.
Cuộc họp của các ngoại trưởng cũng sẽ đặt nền móng cho chuyến công du nước ngoài theo lịch trình đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden kể từ khi nhậm chức: hội nghị thượng đỉnh G7 ở Anh vào tháng tới, nhằm mục đích khôi phục mối quan hệ hợp tác với các đồng minh truyền thống sau nhiều năm xích mích dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Ngoài các thành viên G7 là Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Hoa Kỳ, Anh cũng mời các ngoại trưởng Australia, Ấn Độ, Nam Phi và Hàn Quốc trong tuần này. Hội nghị sẽ bắt đầu với bữa tối vào tối 3/5.
Trước đó, ông Raab và ông Blinken sẽ gặp nhau để thảo luận về những mục tiêu chung. Theo Reuters, Anh đang muốn tận dụng thái độ sẵn sàng của Tổng thống Biden trong việc tái tham gia các nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu và khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Iran mà trước đó đã bị ông Trump từ chối.
Ngoại trưởng Raab hôm 2/5 cho biết G7 sẽ xem xét đề xuất xây dựng một cơ chế phản ứng nhanh để chống lại thông tin sai lệch của Nga. Liên quan đến Trung Quốc, ông đề cập đến sự cần thiết phải đấu tranh ủng hộ cho thị trường mở và dân chủ.
“Trong tất cả các lĩnh vực này, chúng tôi muốn sát cánh mạnh mẽ không chỉ với Hoa Kỳ, dù họ rất quan trọng, mà còn với các đồng minh khác của chúng tôi. Đó là lý do tại sao G7 lại quan trọng như vậy”, Reteurs dẫn lời ông Raab nói.
Ông Raab và ông Blinken dự kiến cũng sẽ thảo luận về các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra với Hoa Kỳ, khi Anh đang tìm kiếm một thỏa thuận khó đạt được cho đến nay, mà Thủ tướng Anh Boris Johnson coi là một trong những cơ hội lớn nhất mở ra khi nước này rời khỏi Liên minh châu Âu.