Đường dẫn truy cập

An toàn yếu kém dẫn tới vụ nổ nhà máy ở Trung Quốc


Thân nhân ngồi khóc tại một trạm xá sau vụ nổ công xưởng ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, ngày 3/8/2014.
Thân nhân ngồi khóc tại một trạm xá sau vụ nổ công xưởng ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, ngày 3/8/2014.

Một vụ nổ dữ dội giết chết 75 người và gây thương tích cho 186 người tại một nhà máy kim thuộc ở Trung Quốc đã nêu bật vấn đề an toàn nơi làm việc ở quốc gia thường được gọi là công xưởng của thế giới này. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Shannon Van Sant của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết vụ nổ tại một nhà máy kim thuộc ở tỉnh Giang Tô xảy ra sáng sớm thứ bảy, khi một đám cháy bùng ra ở đây. Nhà máy này sản xuất phụ tùng xe hơi và là một trong những nhà cung ứng của công ty xe hơi General Motors của Mỹ.

Một cuộc điều tra sơ bộ của chính phủ Trung Quốc cho thấy vụ nổ có thể phát sinh từ bụi trong phòng kín, nơi công nhân đánh bóng riềng bánh xe. Đám cháy đã thiêu rụi hầu như toàn bộ nóc nhà của công xưởng.

Ông Geofferey Crothall của tổ chức Bản tin Lao động Trung Quốc (China Labor Bulletin) cho biết Trung Quốc có những luật lệ để bảo đảm an toàn nơi làm việc, nhưng những luật này không được chấp hành.

"Vụ nổ tại nhà máy ở Côn Sơn một lần nữa cho thấy mặc dù có những luật lệ và qui định về các tiêu chuẩn về an toàn và sức khỏe ở nơi làm việc nhưng các tiêu chuẩn đó không được chính quyền địa phương chấp hành một cách nghiêm chỉnh."

Trong lúc giới hữu trách điều tra vụ nổ ở nhà máy của Công ty Kim thuộc Trung Vinh, công ty General Motors đưa ra một thông cáo nói rằng họ không có quan hệ với Trung Vinh. GM cho biết công ty này là nhà thầu phụ của công ty Dicastal mà họ mua linh kiện xe hơi. GM nói rằng theo hợp đồng giữa họ và Dicastal, tất cả các nhà thầu phụ có bổn phận tuân thủ các luật lệ về sức khỏe và an toàn của chính quyền địa phương.

Mặc dù có những luật lệ và qui định về các tiêu chuẩn về an toàn và sức khỏe ở nơi làm việc nhưng các tiêu chuẩn đó không được chính quyền địa phương chấp hành một cách nghiêm chỉnh.
Mặc dù có những luật lệ và qui định về các tiêu chuẩn về an toàn và sức khỏe ở nơi làm việc nhưng các tiêu chuẩn đó không được chính quyền địa phương chấp hành một cách nghiêm chỉnh.

Ông Crothall cho biết các công ty Tây phương không thể làm gì nhiều để chấp hành các tiêu chuẩn an toàn tại các nhà cung ứng của họ ở Trung Quốc.

"Họ không làm chủ nhà máy. Họ không có người ở tại chỗ. Họ không biết cách làm việc tại các nhà máy đó như thế nào."

Hôm nay, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại một nhà máy hóa dầu ở tỉnh cam Túc. Giới hữu trách nghi là đám cháy phát xuất từ một vụ rò rỉ của máy tách khí. Sau đó đám cháy đã đượcdập tắt mà không gây ra thương vong nào.

Thứ năm tuần trước, cũng taiï một nhà máy hóa học ở tỉnh Giang Tô, một đám cháy xảy ra tại một công xưởng có chứa nhiều thùng hóa chất. Không có thương vong nào trong vụ này.

An toàn nơi làm việc là một vấn đề kinh niên ở Trung Quốc. Năm ngoái một vụ hỏa hoạn tại một ngôi chợ gia cầm giết chết 119 người. Năm 2011, hai vụ nổ tại các công xưởng sản xuất các mặt hàng của công ty Apple đã xảy ra vì vấn đề bụi nhôm.

Ông Crothall nói rằng công nhân đã bắt đầu thông qua công đoàn chính thức để đòi hỏi có sự bảo vệ tốt hơn.

"Hiện nay chúng tôi nhận thấy công đoàn chính thức ở Trung Quốc - chỉ có một công đoàn chính thức ở Trung Quốc, họ đang có thái độ tích cực hơn để tranh đấu cho quyền và quyền lợi của người lao động."

Sau vụ nổ hôm thứ bảy, Chủ tịch Tập Cận Bình đã ra lệnh tiến hành một cuộc điều tra cặn kẽ và Thủ tướng Lý Khắc Cường chỉ thị cho các cơ quan chính phủ tiến hành những cuộc kiểm tra thường xuyên về vấn đề an toàn tại các công xưởng trên cả nước.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG