Dân biểu Anh và hiện cũng là bộ trưởng ngoại giao, Boris Johnson, vừa phải hứng chịu nhiều chỉ trích vì một lời hứa mà ông đưa ra trước cử tri ở vùng tây London nhưng lại đang có vẻ ngãng ra.
Tuần trước Hạ viện Anh thông qua dự án mở rộng sân bay Heathrow, điều ông Johnson hứa trước cử tri từ vài năm trước rằng ông sẽ phản đối quyết liệt. Thậm chí ông còn được dẫn lời nói: “Tôi sẽ nằm trước các xe ủi và chặn việc xây đường băng thứ ba.”
Nhưng khi cuộc bỏ phiếu diễn ra ở Hạ viện, ông Boris Johnson lại đi công tác nước ngoài và không thể tham gia bỏ phiếu.
Trong khi đó một thứ trưởng ngoại thương của Anh lại làm điều ngược lại. Ông đã từ chức để có thể bỏ phiếu phản đối mở rộng Heathrow và giữ đúng lời hứa trước cử tri. Ông còn từ một chuyến công du nước ngoài trở về đúng ngày bỏ phiếu để thực thi quyền của mình.
Hai hành động trái ngược này làm người ta đặt câu hỏi liệu có thể tin được bao nhiêu trong số các dân biểu mà ở Việt Nam gọi là Đại biểu Quốc hội. Nếu quý vị sống ở Việt Nam, liệu quý vị có biết dân biểu của mình là ai? Họ đã hứa hẹn những gì và có giữ lời không? Liệu quý vị có thể mong họ giúp gì cho quý vị không?
Tôi rời Việt Nam năm 28 tuổi và phải thú thực tôi chưa từng biết người đại diện của mình trong Quốc hội là ai. Tôi thậm chí cũng không nhớ đã từng bỏ phiếu cho họ hay chưa.
Khi tới Anh, tôi từng có vài lần cần liên hệ với dân biểu địa phương và luôn được phản hồi và giúp đỡ. Tôi thường gửi điện thư cho họ để thông báo tôi đang gặp vấn đề gì. Họ luôn phản hồi lại bằng thư gửi qua đường bưu điện và nói họ có thể giúp được không và nếu được sẽ giúp như thế nào. Họ thường sẵn sàng gửi thư cho quan chức chính phủ hay các cá nhân có liên quan để thay mặt tôi hỏi về điều tôi muốn họ giúp.
Các dân biểu Anh luôn phải sẵn sàng giúp cử tri của mình cho dù họ có bầu cho dân biểu đó hay không. Tôi thường bỏ phiếu cho Đảng Lao động trong khi khu tôi ở đa số cử tri ủng hộ Đảng Bảo thủ đương quyền. Điều này cũng đồng nghĩa với chuyện dân biểu nơi tôi ở thường được bầu lên không phải bởi những người như tôi, vốn thiên về các đảng khác. Cũng phải nói thêm ở Anh, lập một đảng chính trị cũng dễ dàng như lập một công ty và thậm chí có thể đăng ký thành lập qua mạng internet.
Trở lại câu chuyện người đại diện cho cử tri, mới đây tôi chứng kiến một buổi phát trực tiếp trên Facebook của một nhà hoạt động. Bà đã gọi cho một loạt các Đại biểu Quốc hội để hỏi về việc họ bỏ phiếu thuận hay phiếu chống đối với Luật An ninh Mạng. Có đại biểu từ chối trả lời, có người nói các cử tri hãy tin vào các đại biểu.
Câu hỏi đặt ra là có thực sự các đại biểu bỏ phiếu theo đòi hỏi của cử tri? Ngay cả ở Anh, Đảng Bảo thủ cũng yêu cầu các dân biểu trong đảng này bỏ phiếu ủng hộ dự án mở rộng Heathrow. Đây có lẽ là điều khiến dân biểu Boris Johnson kiếm cớ ra nước ngoài để khỏi trái lệnh đảng và như thế có thể phải từ chức giống thứ trưởng ngoại thương, người coi cử tri cao hơn cả đảng của mình. Trái lại, Đảng Lao động cho các dân biểu của đảng này được phép bỏ phiếu theo ý riêng của họ. Điều oái oăm là nhiều đảng viên Đảng Lao động đã bỏ phiếu ủng hộ dự án theo như lời kêu gọi của đảng đối lập. Đây cũng là lý do quan trọng khiến dự án được thông qua.
Mặc dù Hạ viện Anh đã chấp thuận dự án xây đường băng thứ ba cho sân bay Heathrow, những người phản đối vẫn có thể kiện ra toà vì khả năng gây ô nhiễm môi trường của dự án. Chuyện toà án ở Anh đưa ra phán quyết bất lợi cho chính phủ không có gì là bất thường nên có thể dự án sẽ chưa thể bắt đầu theo dự kiến vào năm 2021. Ngoài khả năng hành động độc lập của cả dân biểu lẫn các qua toà, điều khác biệt nữa là những người dân phải di chuyển chỗ ở sẽ được đền bù theo giá thị trường vì họ là người sở hữu nhà chứ không phải chỉ có quyền sử dụng đất.