Đường dẫn truy cập

Luật An Ninh Mạng nhắm bịt miệng dân, củng cố độc tài


Luật ANM buộc các doanh nghiệp mạng viễn thông và Internet, các tổ chức và cá nhân phải hợp tác với cơ quan an ninh mạng của nhà nước để xừ lý những thông tin vi phạm luật.
Luật ANM buộc các doanh nghiệp mạng viễn thông và Internet, các tổ chức và cá nhân phải hợp tác với cơ quan an ninh mạng của nhà nước để xừ lý những thông tin vi phạm luật.

Nguyễn Quốc Khải


Ngay ở trang đầu, Điều (1) quy định mục tiêu của Luật An Ninh Mạng (ANM) là để “bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng.” Nhưng đọc hết 24 trang của luật ANM, người ta thấy ngay chủ đích của những nhà lãnh đạo CSVN là muốn bịt miệng dân Việt để họ củng cố quyền lực.

Luật An Ninh Mạng để bảo vệ đảng

Điều (8) của Luật ANM liệt kê những hành vi bị nghiêm cấm một cách mơ hồ trong đó có ba điểm chính như sau:

1.Chống nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa (XHCN) Việt Nam;

2. Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc;

3. Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác;

Điều (16) liệt kê những thông tin trên mạng cần phải xử lý. Những thông tin này có nội dung “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.”

Luật ANM buộc các doanh nghiệp mạng viễn thông và Internet, các tổ chức và cá nhân phải hợp tác với cơ quan an ninh mạng của nhà nước để xừ lý những thông tin vi phạm luật.

Luật ANM buộc các doanh nghiệp mạng viễn thông và Internet trong và ngoài nước cung cấp cho Bộ Công An những thông tin về tài khoản và người dùng. Những công ty này còn có trách nhiệm ngăn chặn nhưng thông tin xấu, không cung cấp hoặc ngưng cung cấp dịch vụ cho các tổ chức và cá nhân đã đăng tải thông tin xấu. Những doanh nghiệp mạng viễn thông và Internet còn phải chịu trách nhiệm về an ninh mạng của công ty.

Những doanh nghiệp mạng viễn thông và Internet trong và ngoài nước nếu có “thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của chính phủ.”

Ngoài ra, doanh nghiệp nước ngoài phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam. Như vậy, nhà nước Việt Nam đã đặt lên vai những công ty nước ngoài một gánh nặng to lớn.

Tổ chức nhân quyền Amnesty International nhận định rằng Luật ANM trên thực tế sẽ làm cho các công ty kỹ thuật nước ngoài trở thành “đặc vụ do thám cho nhà nước.”

Vào tháng Tư vừa qua, một số nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam đã cho Ông Mark Zuckerberg, Giám Đốc Điều Hành của Facebook, một lá thư ngỏ, kết án công ty này đã hợp tác với giới chức cầm quyền cộng sản để loại bỏ một số nội dung và đình chỉ khoảng 160 chương mục chống chính phủ theo bài phúc trình của ông Dien Lương trên báo Washington Post. Vào đầu năm 2017, theo lời yêu cầu của chính phủ Việt Nam, Google cũng đã loại bỏ gần 1,500 đoạn video trên YouTube trong số 2,300 đoạn video mà Việt Nam đòi hỏi.

Ông Dương Ngọc Thái, kỹ sư kinh nghiệm về an ninh mạng tại Hoa Kỳ, nhận định rằng nhà nước Việt Nam hiểu an ninh mạng như trên là sai về bản chất. Ông nghĩ rằng vấn đề an ninh mạng đặt ra cho Việt Nam là phải làm sao để các mạng và hệ thống điện toán của Việt Nam không bị tấn công. Ông cho biết trong vài năm gần đây hệ thống máy điện toán của Việt Nam đã bị xâm nhập nhiều lần. Năm 2014 chứng kiến hệ thống máy điện toán của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường bị tấn công vào dịp Trung Quốc kéo giàn khoan vào Biển Đông. Có nhiều bắng chứng cho thấy rằng cuộc tấn công này đến từ Trung Quốc. Vào 2016, Tien Phong Bank bị xâm nhập và mất cắp 1.1 triệu Mỹ Kim. Hai tháng sau hệ thống máy điện toán của của phi trường Tân Sân Nhất, phi trường Nội Bài và Vietnam Airlines bị tin tặc Trung Quốc phá hoại. Vào năm ngoái, hàng ngàn máy điện toán ở Việt Nam bị nhiễm WannaCry virus. Ít lâu sau hệ thống máy chủ e-mail của Bộ Ngoại Giao bị xâm nhập, trong khi Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đang viếng thăm Hoa Kỳ. Cách đây hai tháng, 75 triệu tài khoản người dùng của VNG, một công ty về trò chơi và Internet lớn nhất của Việt Nam đã bị đánh cắp.

Việt Nam cần làm luật và phát triển kỹ thuật chống lại sự xâm nhập của tin tặc như những trường hợp kể trên, bảo vệ hệ thống điện toán, điện thư, và các mạng thông tìn, chứ không cần luật và kỹ thuật để bịt miệng dân và củng cố chế độ độc tài.

Thiệt hại do luật ANM gây ra

Trước hết chúng ta phải kể đến những cuộc biểu tình rầm rộ của người dân ở nhiều thành thị trong mấy ngày qua kể từ Chủ Nhật, 10 tháng 6 do sự phẫn uất của dân đối với Luật ANM và dự luật thiết lập đặc khu cho thuê 99 năm. Rất tiếc máu đã đổ, một số xe đã cháy, và một số công sở đã bi hư hại. Nhưng nặng nề hơn cả là uy tín của nhà nước đã bị tổn thương, một số lãnh tụ đã mất mặt, không những người dân ở trong nước mà còn đối với thế giới. Từ những vụ Việt Nam bị chèn ép liên tiếp ở Biển Đông cho thấy sự hèn nhát của các nhà lãnh tụ CSVN, rồi đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức phơi bày ra tính chất bất tuân luật lệ quốc tế và bản chất tham nhũng đáng kinh tởm của chế độ Hà Nội, nay lại đến biến động chính trị sâu xa ở trong nước. Một trong những lý do mà dân Việt dám đối đầu với lực lượng CSCĐ là vì các nhà lãnh đạo CSVN đã bị dân chúng khinh thường.

Trong tình hình chính trị xáo trộn như vậy, thị trường Việt Nam trở nên bất ổn, môi trường kinh doanh ở Việt Nam khép kín lại và trở nên bấp bênh hơn. Các nhà đâu tư ngoại quốc sẽ phải suy nghĩ nhiều hơn về những dự tính đầu tư ở Việt Nam. Đầu tư ngoại quốc sẽ giảm ít nhất trong năm nay và năm tới. Đối với Việt Nam đầu tư nước ngoài là một động cơ chính để giúp phát triển kinh tế.

Chính Luật ANM cũng sẽ gây trở ngại cho kinh tế và thương mại của Việt Nam. Trước khi Quốc Hội Việt Nam biểu quyết về Luật ANM, nhóm 13 công ty kỹ thuật nước ngoài và cả Việt Nam gồm Panasonic, Toshiba, Lazada, FPT, VNG, và Mobilfone đã gửi thư cho Quốc Hội Việt Nam để trì hoãn việc bỏ phiếu về Luật ANM vì họ thấy Luật ANM sẽ gây trở ngại cho hoạt động của công ty.

Một ngày trước khi Quốc Hội biểu quyết một số hiệp hội Internet Việt Nam cũng đã yêu cầu Quốc Hội trì hoãn việc bỏ phiếu để nghiên cứu kỹ hơn.

Sau khi Quốc Hội đã biểu quyết chấp thuận luật ANM, Ô. John Rockhold đã tuyên bố với phóng viên báo Nikkei Asian Review rằng ông đề nghị Việt Nam cứu xét thêm về luật này và nên theo những điều kiện đã thỏa thuận trong Hiệp Định Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership – TPP) gồm 12 nước.

Ông Jeff Paine, Giám Đốc Quản Trị của tổ chức Asia Internet Coalition bao gồm Apple, Facebook, Expedia, Facebook, Google, Line, LinkedIn, Rakuten, và Yahoo’s nói rằng ông rất thất vọng về việc Quốc Hội Việt Nam thông qua luật ANM. Ông cho biết thêm rằng những điều khoản về tồn trữ dữ kiện ở địa phương và kiểm soát nội dung sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận và những đòi hỏi lập văn phòng địa phương chắc chắn sẽ cản trở việc phát triển kinh tế và tạo việc làm.

Một cuộc nghiên cứu vào năm 2014 của Trung Tâm Âu Châu Nghiên Cứu Chính Trị Kinh Tế Quốc Tế (European Centre for International Political Economy – ECIPE) cho thấy rằng đòi hỏi thiết lập trung tâm lưu trữ dữ kiện tại địa phương và luật an ninh đối xử phân biệt những công ty nước ngoài. Ảnh hưởng về kinh tế đáng kể. Đối với trường hợp Việt Nam, tổng sản phẩm nội địa (gross domestic product – GDP) sẽ giảm 1.7% và đầu tư quốc nội sẽ giảm 3.1%. Nay với tình trạng chính trị bất ổn, ảnh hưởng tai hại sẽ lớn hơn.

Một trong những hậu quả trầm trọng của Luật ANM là tình trạng bưng bít thông tin sẽ gia tăng. Nó sẽ giúp cho việc đàn áp nhân quyền và tham nhũng ở Việt Nam gia tăng, vì những vi phạm nhân quyền, ăn hối lộ, thâm lạm công quỹ của các viên chức, cán bộ không bị phanh phui trên báo chí và các mạng.

Luật ANM không phù hợp với một số cam kết thương mại quốc tế

Việt Nam gia nhập Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế (World Trade Organization – WTO) vào 2006. Thỏa hiệp của Việt Nam không đòi hỏi những công ty nước ngoài phải lập văn phòng hay trung tâm lưu trữ dữ kiên tại địa phương. Do đó luật ANM trái ngược với cam kết WTO của Việt Nam. Trường hợp Hiệp Ước Thương Mại Tự Do giữa Việt Nam và Liên Hiệp Âu Châu (European Unnion – Vietnam Free Trade Agreement - EVFTA) cũng vậy.

Ngoài ra, vào tháng Ba vừa qua, Việt Nam mới ký gia nhập Hiệp Định Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương Toàn Diện và Lũy Tiến (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership – CPTPP). Theo thỏa hiệp này các công ty ngoại quốc không bị bắt buộc phải đặt văn phòng ở Việt Nam.

Kết luận

Luật ANM xâm phạm quyền tự do ngôn luận, quyền riêng tư, và quyền thông tin qua các mạng viễn thông và Internet của người dân.

Luật ANM cần được sửa đổi lại cho phù hợp với các cam kết thương mại quốc tế của Việt Nam. Trong quá khứ có những luật đã được Quốc Hội thông qua, nhưng vẫn được tu sửa. Thí dụ như Luật Bảo Hiểm Xã Hội 2006 và Luật Hình Sự 2018.

Hiện nay các công ty mạng viễn thông và Internet nước ngoài chưa có một phản ứng chính thức nào. Quyết định của những đại công ty này cũng sẽ có những ảnh hưởng lớn đến quyết định của chính phủ Việt Nam. Trung Quốc, một thị trường lớn và mạnh, có thể ép các công ty nước ngoài theo đòi hỏi của nhà nước. Trung Quốc có bức tường lửa. Việt Nam không làm vì muốn lôi kéo những công ty nước ngoài. Trung Quốc có Weibo và WeChat. Việt Nam cố gắng xây GoOnline.VN nhưng không thành công.

Quan trọng hơn cả vẫn là nguyện vọng của toàn dân mà chính phủ cần lắng nghe. Trước đây gặp phải sự chống đối mạnh mẽ của công nhân, chính phủ đã phải sửa lại Luật Bảo Hiểm Xã Hội.

Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ dân số dùng Internet cao. Thật vậy, Hiện nay Việt Nam có khoảng 52 triệu tài khoản Facebook và số người dùng Internet khoảng 50 triệu, chiếm khoảng 54% dân số. Những người này đã thực thi quyền tự do phát biểu ý kiến trong khoảng 10 năm nay trong không gian mạng. Họ đã bắt đầu thực hiện quyền chính đáng đó trên đường phố. Nay chính phủ làm luật khóa miệng họ lại là một chuyện quá trễ.

Tôi không nghĩ rằng Việt Nam sẽ mời công ty Trung Quốc Weibo hay Wechat thay thế Google hay Facebook vì dị ứng cao độ của người Việt. Nhưng nếu những lãnh tụ CSVN tiếp tục đặt quyền lợi của cá nhân và của đảng lên trên quyền lợi của dân tộc, tôi không ngạc nhiên nếu họ điên rồ không thay đổi Luật ANM.


Tham khảo:


1. Amnesty International, “Vietnam: New cybersecurity law a devastating blow for freedom of expression,” June 12, 2018.

2. Dien Luong, “Vietnam wants to control media” Too late,” New York Times, November 30, 2017.

3. Dien Luong, “Vietnam’s internet is in trouble,” Washington Post, February 19, 2018.

4. Dương Ngọc Thái, “Thư ngỏ gửi Quốc Hội về dự thảo an ninh mạng,” May 31, 2018.

5. European Centre for International Political Economy, “The costs of data localization: friendly fire on economic recovery,” ECIPE occasional paper No. 3, 2014.

6. Financial Times, “Vietnam cyber security law restrict Facebook and Google,” June 12, 2018.

7. Freedom House, “Manipulation social media to undermine democracy”, 2017.

8. Nikkei Asian Review, “Vietnam’s cybersecurity law sparks concerns from business.” Ho Chi Minh City, June 12, 2018

9. Quốc Hội Cộng Hòa XHCN Việt Nam, “Luật an ninh mạng,” 2018/QH14.

10. Reuters, “Vietnam unveils 10,000-trong cyber unit to combat wrong views,” December 26, 2017.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG