Đường dẫn truy cập

Ấn Ðộ triệu hồi nhà ngoại giao trong vụ tranh chấp với Hoa Kỳ


Nhà ngoại giao Ấn Độ Devyani Khobragade
Nhà ngoại giao Ấn Độ Devyani Khobragade
Một nhà ngoại giao Ấn Ðộ đóng vai chính trong một vụ tranh chấp giữa Ấn Ðộ và Hoa Kỳ lên đường về nước sau khi bị truy tố ở Hoa Kỳ. Vụ tranh cãi ngoại giao kéo dài cả tháng nay cho thấy bang giao giữa hai nước vẫn còn mong manh bất chấp tình thân hữu đang tăng trưởng.

Nhà ngoại giao Ấn Ðộ Devyani Khobragade đã đáp chuyến bay trở về nước sau khi New Delhi từ chối không thay đổi quyền miễn tố ngoại giao của bà. Việc này lẽ ra sẽ khiến bà phải chịu trách nhiệm về những cáo trạng hình sự về gian lận thị thực và nói dối về khoản tiền trả cho người giúp việc nhà. Bà đã bị truy tố về hai tội trạng vừa kể trước một đại bồi thẩm đoàn liên bang ở New York hôm thứ năm.

Ông Syed Akbaruddin, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Ðộ, nói:

“Chính phủ Ấn Ðộ đã từ chối không thay đổi quyền miễn tố của bà và thuyên chuyển bà Khobragade về Bộ Ngoại giao ở New Delhi… Khi lên đường về Ấn Ðộ, bà Khobragade nhắc lại rằng bà vô tội trước các cáo trạng thưa kiện bà.”

Sau khi Ấn Ðộ từ chối không thay đổi quyền miễn tố của bà, giới hữu trách Mỹ đã yêu cầu nhà ngoại giao rời khỏi Hoa Kỳ.

Việc bà trở về Ấn Ðộ được cho là nằm trong khuôn khổ một thỏa thuận giữa New Delhi và Washington để xoa dịu vụ tranh chấp đã bùng ra sau khi bà bị bắt cách đây 1 tháng.

Có sự công phẫn cả về phía các giới chức lẫn dân chúng ở Ấn Ðộ trước việc bà Khobragade bị còng tay và khám người sau khi bị bắt giữ, mà Hoa Kỳ gọi là thủ tục thường lệ. New Delhi cũng bực tức là gia đình của người giúp việc cho nhà ngoại giao đã được Hoa Kỳ đưa bằng máy bay ra khỏi Ấn Ðộ.

Người giúp việc đã tố cáo rằng bà buộc phải làm việc nhiều giờ và được trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu ở Hoa Kỳ. Các giới chức Ấn Ðộ lên án người giúp việc này là một người giả làm di dân và nói bà ta tống tiền nhà ngoại giao.

Khi con gái đáp máy bay trở về nước, thân phụ nhà ngoại giao là ông Uttar Khobragage gọi kết quả vụ việc là một thắng lợi cho Ấn Ðộ. Ông là một công chức cấp cao đã hồi hưu của Ấn Ðộ. Ông nói:

“Hôm nay Devyani rời khỏi đất Mỹ với đầy đủ quyền miễn tố ngoại giao, bênh vực lập trường là bất kể tranh chấp được nêu ra ở Hoa Kỳ, đây là một ưu tiên của một nước có chủ quyền, Ấn Ðộ, và chỉ có thể bị các tòa án của Ấn Ðộ tước bỏ.”

Sau khi Hoa Kỳ cho biết có thể bãi bỏ các cáo trạng đối với nhà ngoại giao, Ấn Ðộ đã tìm một lối thoát bằng cách bổ nhiệm bà Khogragade vào phái bộ của họ tại Liên Hiệp Quốc ở Hoa Kỳ, nơi bà được hưởng quyền miễn tố đầy đủ. Hoa Kỳ đã dành cho bà quy chế ngoại giao đầy đủ kèm theo chức vụ mới sau hơn 2 tuần lễ, chỉ 1 ngày sau khi bà bị truy tố. Việc trì hoãn này cũng khiến Ấn Ðộ tức giận.

Cả hai nước cho biết họ không muốn vụ này làm hại đến bang giao, nhưng việc này có thể sẽ không dễ dàng. Tuy bang giao song phương đã phát triển nhanh trong thập niên vừa qua, đã có một sự thay đổi trong những năm gần đây, và vụ việc này có thể gây nghiêm trọng thêm cho các vấn đề.

Hai chuyến công du Ấn Ðộ của các giới chức cấp cao Hoa Kỳ đã bị đình hoãn - một là của Trợ lý Bỗ trưởng Ngoại giao đặc trách Nam Á Nisha Desai Biswal, lẽ ra đến New Delhi vào tuần trước, và một là của Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ Ernest Moniz, dự trù tới Ấn Ðộ vào tuần tới.

Trong những ngày vừa qua, New Delhi đã đưa ra nhiều biện pháp để hạn chế các đặc quyền của các nhà ngoại giao Mỹ ở Ấn Ðộ và đưa các biện pháp lên mức tương đương với các biện pháp dành cho các nhà ngoại giao Ấn Ðộ ở Hoa Kỳ. Ấn Ðộ cũng đã yêu cầu Ðại sứ quán Hoa Kỳ đóng cửa một câu lạc bộ bên trong khuôn viên Ðại sứ quán dành cho những người ngoài, kể cả các công dân Mỹ sống ở Ấn Ðộ.

Ông Manoj Joshi thuộc Quỹ Khảo cứu Người Quan sát tại New Delhi nói sẽ phải mất một thời gian để hai nước quên đi vụ việc này:

“Ngoài cảm giác không hay, có một mức độ mất tin tưởng đã nẩy sinh giữa hai bộ ngoại giao. Ðiều đó sẽ vẫn còn lại. Dường như có một mức độ cay đắng nào đó.”

Giới truyền thông Ấn Ðộ nói New Delhi đã cứu xét thêm các biện pháp trả đũa nếu vụ giằng co không được giải quyết.

Các cáo trạng đối với nhà ngoại giao vẫn còn được gác lại, và sẽ đươc khôi phục nếu bà trở lại Hoa Kỳ mà không được quyền miễn tố ngoại giao. Sự kiện đó được coi là một vấn đề bởi vì chồng bà là một công dân Hoa Kỳ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG