Đường dẫn truy cập

Ấn Độ dự liệu sẽ đụng độ với quân đội Trung Quốc nữa ở Himalaya


Dãy núi phủ đầy tuyết từ máy bay chở khách ở vùng Ladakh, ngày 14 tháng 9 năm 2020.
Dãy núi phủ đầy tuyết từ máy bay chở khách ở vùng Ladakh, ngày 14 tháng 9 năm 2020.

Một đánh giá về an ninh của cảnh sát Ấn Độ ở vùng Ladakh thuộc dãy Himalaya cho biết có thể có thêm nhiều cuộc đụng độ giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc dọc theo biên giới tranh chấp của hai nước ở đó trong lúc Bắc Kinh tăng cường cơ sở hạ tầng quân sự trong khu vực.

Ít nhất 24 binh sĩ thiệt mạng khi quân đội của hai cường quốc Châu Á đụng độ ở Ladakh, phía tây dãy Himalaya, vào năm 2020 nhưng căng thẳng đã giảm bớt sau các cuộc đàm phán quân sự và ngoại giao. Một cuộc đụng độ mới nổ ra giữa hai bên ở phía đông dãy Himalaya vào tháng 12 nhưng không có thương vong.

Đánh giá này là một phần của một bài nghiên cứu bí mật mới của Cảnh sát Ladakh được đệ trình tại một hội nghị của các viên chức cảnh sát hàng đầu được tổ chức từ ngày 20 đến 22 tháng 1 và đã được Reuters xem qua.

Quân đội Ấn Độ không trả lời yêu cầu bình luận và Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói tình hình dọc biên giới hiện tại nhìn chung ổn định

Báo cáo nói đánh giá dựa trên thông tin tình báo do cảnh sát địa phương thu thập ở các khu vực biên giới và dựa trên dạng thức căng thẳng quân sự giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong những năm qua.

Đánh giá này có tầm quan trọng vì nó đã được đệ trình tại hội nghị ở New Delhi với sự tham dự của Thủ tướng Narendra Modi. Bộ Quốc phòng và Ngoại giao Ấn Độ cũng không trả lời yêu cầu bình luận.

Văn phòng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày thứ Bảy cho biết Trung Quốc đang duy trì liên lạc và đối thoại chặt chẽ thông qua các kênh ngoại giao và quân sự với Ấn Độ.

“Aksai Chin là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc,” bộ nói, nhắc đến một khu vực tranh chấp nằm ở giao điểm giữa Tân Cương và Tây Tạng của Trung Quốc và về phía đông Ladakh của Ấn Độ.

Kể từ cuộc đối đầu mới nhất bắt đầu vào năm 2020, Trung Quốc đã tăng cường cơ sở hạ tầng dọc biên giới Himalaya, xây dựng các cơ sở cho binh lính được điều tới đó, kho chứa vũ khí, đạn dược và sân bay trực thăng, cùng nhiều cơ sở khác.

Bộ này cho biết việc tiến hành xây dựng bình thường trên lãnh thổ của mình là vấn đề hoàn toàn thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Nhắc đến Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), bài nghiên cứu của Ấn Độ nói, “Xét đến những áp lực trong nước... ở Trung Quốc và lợi ích kinh tế của họ trong khu vực, PLA sẽ tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự và các cuộc giao tranh cũng sẽ diễn ra thường xuyên, có thể theo một dạng thức, hoặc không.”

“Nếu chúng ta phân tích dạng thức của các cuộc giao tranh và căng thẳng, thì cường độ đã tăng lên kể từ năm 2013-2014 với khoảng thời gian 2-3 năm một lần,” báo cáo nói.

“Với cơ sở hạ tầng khổng lồ do PLA xây dựng từ phía Trung Quốc, quân đội cả hai nước đang thử phản ứng, sức mạnh của pháo binh và thời gian huy động bộ binh của nhau.”

Ấn Độ và Trung Quốc có chung đường biên giới dài 3.500 km đã vướng vào tranh chấp từ những năm 1950. Chiến tranh biên giới cũng nổ ra vào năm 1962.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG