Đường dẫn truy cập

Ấn Độ chào mừng huy chương bạc và huy chương đồng đạt được tại Thế vận hội Rio de Janeiro


Vđv Sakshi Malik của Ấn Độ ăn mừng huy chương đồng sau chiến thắng trước Aisuluu Tynybekova đến từ Kyrgyzstan trong môn đấu vật tự do nữ hạng 58 kg tại Thế vận hội mùa hè năm 2016 Rio de Janeiro, Brazil, ngày 17 tháng 08 năm 2016.
Vđv Sakshi Malik của Ấn Độ ăn mừng huy chương đồng sau chiến thắng trước Aisuluu Tynybekova đến từ Kyrgyzstan trong môn đấu vật tự do nữ hạng 58 kg tại Thế vận hội mùa hè năm 2016 Rio de Janeiro, Brazil, ngày 17 tháng 08 năm 2016.

Ngày hôm nay, Ấn Độ chào mừng vận động viên Pusarla V. Sindhu, 21 tuổi, phụ nữ Ấn Độ đầu tiên đoạt huy chương bạc tại Thế vận hội khi đứng hạng nhì trong môn cầu lông đơn nữ tại Rio vào ngày thứ Sáu.

Một phụ nữ khác là vận động viên Sakshi Malik, 23 tuổi đoạt huy chương đồng, trong môn đấu vật tự do nữ hạng cân 58 kilô.

Thủ tướng Narendra Modi chúc mừng hai phụ nữ đoạt được huy chương.

Tuy nhiên ngay cả khi tin này được đăng trên trên trang đầu các tờ báo, những người hướng dẫn tin tức trên truyền hình, và người Ấn Độ trên cả nước đều ca ngợi sự thành công của hai nữ vận động viên. Ấn Độ đang bị ám ảnh vì câu hỏi được đặt ra tại mỗi kỳ Thế vận hội—tại sao một quốc gia với dân số hơn một tỉ người lại có thành tích tệ hại đến thế trên sân khấu thể thao thế giới?

Thành tích của Ấn Độ tại Rio quá nghèo nàn đến nỗi các vận động viên không có thành tích cao cũng được hoan nghênh nhiệt liệt: trước đây trong tuần trên Twitter, nữ vận động viên thể dục dụng cụ đầu tiên của Ấn Độ được ca ngợi dù chỉ đứng hạng tư trong vòng chung kết môn này.

Có lý do để hai vận động viên được ca ngợi hết lời: Câu chuyện về thành công này được thành hình xoay quanh những vận động viên được thúc đẩy đến thành công phần lớn bằng những nỗ lực cá nhân.

Ấn Độ đưa đến Thế vận hội Rio một đoàn vận động viên đông đảo nhất từ trước đến nay với 119 người, hy vọng sẽ cải thiện tình trạng chỉ có 6 huy chương tại Thế vận hội London năm 2012.

Huấn luyện

Hầu hết các vận động viên đều thất bại, và lý do rất rõ rệt—dù tài năng trong nước không thiếu, nhưng việc phát hiện sớm tài năng và huấn luyện thích hợp và hỗ trợ vẫn là một trở ngại lớn. Kể từ khi lần đầu tiên Ấn Độ tham dự sự kiện thể thao hàng đầu trên thế giới này vào năm 1900, Ấn Độ chỉ có 26 huy chương, kém các nước nhỏ hơn.

Ông Maneesh Bahuguna, thuộc Anglian Medal Hunt, một công ty được thành lập cách đây vài năm với hy vọng sẽ đào tạo được những tài năng về thể thao bằng cách chú trọng đến những vận động viên hầu hết thuộc những tầng lớp yếu kém về tài chánh. Ông Bahuguna nói “Hiện không có những nỗ lực nhằm cải thiện cơ sở, hay môi trường, hay hệ sinh thái chung quanh thể thao và bạn không thể nói có được một siêu cơ cấu nếu không có một nền tảng. Cho đến khi những việc chuyện này xảy ra, thì bạn sẽ tiếp tục có những thành tích như thế này.”

Các nhà bình luận thể thao cũng nêu ra việc quản lý thể thao không hữu hiệu. Trong thập niên qua nhiều khoản tiền lớn được quyên góp để cải thiện hạ tầng cơ sở, nhưng hầu hết các sân vận động không được sử dụng đúng mức.

Nhà bình luận thể thao Veturi Srivatsa nói “Đôi khi trong rừng quan liêu này nhiều chuyện bị chìm luôn. Kể từ khi các cơ sở này trở thành tài sản của chính phủ, người dân không được phép sử dụng.”

Tuy nhiên dù gặp nhiều vấn đề, cũng có một vài dấu hiệu cho thấy văn hóa thể thao đang xuất hiện trong một quốc gia mà giáo dục luôn luôn được giành ưu tiên, với việc hầu hết cha mẹ thúc đẩy con cái trở thành kỹ sư bác sĩ và các kỹ thuật gia thay vì trở thành các vận động viên.

Những thành công

Nêu lên sự thành công của cô Malik trong môn đấu vật và cô Karmakar trong môn thể dục dụng cụ, nhà bình luận Srivatsa nói thay đổi đang xảy ra dù cần phải tập trung các bước “Họ là những người từ khu vực nông thôn đến, nguồn cung cấp nhân lực của thể thao Ấn Độ. Họ là những người cần phải được chú ý.”

Trong một phạm vi nhỏ bé, khu vực tư cũng bắt đầu đóng một vai trò, với những trường tư huấn luyện vận động viên và những công ty như Anglian Medal Hunt mở rộng sự yễm trợ đến khoảng 40 vận động viên. Ông Srivatsa nói “Chúng tôi có những vận động viên 13, 14 tuổi, chúng tôi đang nỗ lực chú trọng đến các em và xem chúng tôi có thể cùng với các em đi đến đâu. Mỗi khi có những giải vô địch thế giới, chúng tôi nỗ lực đưa các em đến những giải này.”

Tuy nhiên nhiều người cho rằng một khi Thế vận hội chấm dứt, Ấn Độ lại quay về với môn thể thao được cả nước ưa chuộng là môn cricket.

Các nhà bình luận nói rằng điều mỉa mai là trong ngày Ấn Độ chiếm được huy chương đầu tiên tại Thế vận hội Rio sau những thất vọng về việc khan hiếm huy chương của Ấn Độ, đội cricket nước này giành được danh hiệu số một trên thế giới, cho thấy Ấn Độ có thể đạt được thành công nếu muốn.

XS
SM
MD
LG