Cũng giống như nhiều văn phòng, nha, sở, bộ khác tại Hoa Kỳ, tại Cơ quan Thuế vụ IRS ở thủ đô Washington có những người thuộc nhiều gốc gác, bối cảnh khác nhau cùng làm việc .
Anh Richard Regan, một người Mỹ gốc da đỏ, đã vào làm sở thuế vụ được một năm. Là một người thuộc bộ lạc Lumbee-Cheraw, anh cho biết anh rất ngạc nhiên vì những người chung quanh anh hầu như không biết gì về các bộ tộc da đỏ ở nước Mỹ:
"Không những chỉ ngạc nhiên mà đôi khi sự kiện này lại làm cho tôi phẫn nộ nữa."
Tuy nhiên anh Regan nói đây cũng là cơ hội để giảng giải cho các đồng nghiệp của anh hiểu về gốc gác của anh. Anh cho biết anh khá cởi mở, lắng nghe và thay đổi một số những thành kiến trong quá khứ về người da đỏ ở Mỹ và ở vùng Alaska.
Người da đỏ là một trong rất nhiều nhóm chủng tộc và sắc tộc làm việc tại cơ quan Thuế vụ Hoa Kỳ.
Bà Elaine Ho, làm việc tại phân bộ Đa Dạng và Hợp quần của cơ quan này, cho biết:
"Ở đây có những người da trắng, người gốc châu Phi, gốc Tây Ban Nha, gốc châu Á, người da đỏ thổ sinh, người da đỏ thổ sinh của Alaska, người hải đảo Thái bình Dương. Chúng tôi còn có những nhân viên là người lai hai, ba sắc tộc nữa."
Theo bà Elaine Ho, tính đa dạng còn có ý nghĩa sâu xa hơn là chủng tộc. Bà cho biết con số phụ nữ làm việc tại Cơ quan Thuế vụ chiếm đến 66% và trên 40% nhân viên là dân da màu, 10% là người tàn tật. Như vậy đa dạng ở đây không chỉ gói ghém trong vấn đề chủng tộc mà còn có nghĩa là qui tụ nhiều thành phần xã hội.
Luật liên bang cấm kỳ thị chủng tộc, màu da, tôn giáo, phái tính hay nguồn gốc quốc gia để bảo đảm tính công bằng trong công ăn việc làm và theo đuổi học vấn, nhưng những luật lệ này cũng giúp thăng tiến tính đa dạng.
Bà Eliane Ho, một người Mỹ gốc Á, cho biết những người từ nhiều nguồn gốc khác nhau đem đến nơi làm việc những viễn cảnh khác nhau, điều này có thể gia tăng sáng kiến và óc sáng tạo. Bà giải thích nếu như những người chung quanh ta đều hoàn toàn đồng ý với ta, nghĩ như ta nghĩ, đưa ra những giải đáp in như nhau, thì ta có thể nghĩ dây là một nơi chốn làm việc tuyệt hảo vì sẽ chẳng có ai bất đồng ý kiến với ta; nhưng thật ra điều này có nghĩa là chúng ta sẽ phải đương đầu với cùng những khó khăn, rắc rối, những vấn đề in hệt nhau không sửa đổi được.
Nhưng tính đa dạng cũng tạo ra những thử thách, chẳng hạn như ngộ nhận và thành kiến. Bà Monica Davy, giám đốc phân bộ Đa dạng và Hợp quần của IRS cho biết cơ quan này lúc nào cũng gắng sức để vượt qua khó khăn đó. Bà nói:
"Chúng tôi đã tổ chức những buổi trình bày, những buổi nói chuyện hay huấn luyện để cho mọi người thấy những lợi ích của tính đa dạng, trình bày cho họ thấy sự kiện là có những cuộc nghiên cứu cho thấy một nhóm người khác biệt làm việc với nhau có thể đưa ra được những sản phẩm tốt hơn."
Theo chuyên gia Howard Ross về tính đa dạng, một công ty có lề lối biết công nhận, tôn trọng và cảm kích những dị biệt có thể tạo được các dịch vụ tốt hơn khi phục vụ khách hàng. Ông nói:
"Tại một bệnh viện ở thị trấn Flint, bang Michigan ở trung tây Hoa Kỳ, đã xảy ra tình trạng căng thẳng giữa các nhân viên da trắng và da đen làm việc ở đó. Cũng lại có tình trạng căng thẳng giữa giới quản trị và nhân viên cũng vì lý do sắc tộc. Họ gặp rắc rối vì bệnh nhân không hài lòng, nên bệnh viện thiết lập một chương trình để giảng giải về tính đa dạng. Tôi đã huấn luyện cho 40 người trong tổ chức của bệnh viện để thực thi chương trình này trên căn bản thường xuyên. Trong vòng 3 năm, bệnh viện tiến lên từ hạng chót theo đánh giá lên tới hạng nhất, và tiến từ thâm hụt đến thu về nhiều lợi nhuận."
Trong cuốn sách ông viết nhan đề “Reinventing Diversity,” tác giả Ross giải thích công ty tham vấn của ông đã giúp vào nỗ lực này như thế nào. Ông cho biết công ty ông tạo một công cụ gọi là “ viễn kiến văn hóa” là một trang web để các bác sỹ và y tá có thể mở ngay ra xem trong lúc họ gặp vấn đề để có những thông tin về văn hóa về một bệnh nhân, tất cả từ cách làm thế nào để có thể nói chuyện dễ dàng với bệnh nhân đến những thuốc men có thể khiến bệnh nhân phản ứng khác thường vì gốc gác di truyền của họ chẳng hạn.”
Chuyên gia Ross cho hay việc con người đi lại dễ dàng khắp thế giới như hiện nay đã thay đổi thành phần trong xã hội.
Ông cho biết những xã hội như Đan Mạch, Thụy Điển vào 40 năm trước đây chỉ có từ 3 đến 4% dân số là những người ra đời ở ngoài nước, giờ đây tỉ lệ này lên đến trên 15% và đang tiến tới con số 20%. Tại Singapore mấy năm trước đây không ai nhắc tới vấn đề đa dạng dân số, giờ đây thì người ta đang nói đến chuyện này. Còn ở Nhật thì bất thình lình mọi người bàn đến chuyện có nên đưa thêm phụ nữ vào nước này, hay đưa thêm di dân vào làm việc hay không. Đây là những quốc gia nơi mà người dân không bao giờ nói đến chuyện xã hội đa dạng mãi cho tới khoảng 20 năm trở lại đây.
Và vì thế giới ngày càng nối kết chặt chẽ hơn, các công ty và các chính phủ đang khám phá ra giá trị của tính đa dạng.
Năm nay, nước Mỹ mừng Tượng thần Tự do 125 tuổi, pho tượng vẫn chào đón hàng bao nhiêu thế hệ di dân ở cửa biển New York, Bộ trưởng Đất đai và Tài nguyên Ken Salazar đã ca ngợi các di dân mang tính đa dạng đến cho quốc gia và củng cố đặc tính này. Tính đa dạng đó được phản ánh khắp nơi trên toàn quốc, từ trường học, các cơ sở kinh doanh đến số công chức làm việc trong chính phủ. Trong lúc những dị biệt có thể đưa tới những tình huống khó chịu và có khi còn gây xung đột, tính đa dạng cũng có thể làm giàu cho doanh nghiệp và giúp cho các tổ chức phát triển, tiến bộ. Câu Chuyện Nước Mỹ tuần này mời quí thính giả theo dõi bài viết của Faiza Elmasry về tính đa dạng tại trụ sở của cơ quan Thuế Vụ Hoa Kỳ tại thủ đô Washington.