Đường dẫn truy cập

Gia đình Mỹ bế tắc trong vụ nhận con nuôi người Việt


Cô Marsha Sailors chưa biết chừng nào mới được đoàn tụ với bé Claire Yến.
Cô Marsha Sailors chưa biết chừng nào mới được đoàn tụ với bé Claire Yến.

Đã gần 3 năm trôi qua kể từ khi Việt Nam và Mỹ ngưng thỏa thuận về vấn đề con nuôi, một số gia đình người Mỹ đã được chấp thuận nhận con nuôi, trước khi thỏa thuận bị đình chỉ, vẫn chưa thể đưa con họ về Mỹ. Hiện tại họ thậm chí không được sang Việt Nam thăm con nuôi của mình và chưa biết đến bao giờ mới được đoàn tụ với các em. Gia đình Marsha Sailors là một trong số những gia đình đang gặp bế tắc này.

Từ giữa năm 2006, gia đình cô Marsha và anh Chuck Sailors đã làm thủ tục nhận nuôi cô bé mồ côi người Việt có tên Bạch Yến, tại một trại trẻ mồ côi ở Tỉnh Bạc Liêu. Đến tháng Sáu năm 2008, trường hợp của họ được chấp thuận. Hai vợ chồng người Mỹ sống ở thành phố Kansas đã háo hức chuẩn bị mọi vật dụng cần thiết và trang hoàng nhà cửa để đón cô con gái bé nhỏ mà họ đặt tên là Claire Yến.

Tuy nhiên, họ chưa kịp thực hiện ước muốn được làm cha mẹ của mình thì tới tháng 9 năm 2008 chính phủ Mỹ quyết định ngưng Hiệp định con nuôi với Việt Nam vì những cáo giác về tình trạng tham nhũng, những sai phạm và buôn bán trẻ em. Mặc dù hồ sơ đã được thông qua, nhưng gia đình cô Marsha cùng 15 gia đình khác đã không thể đón con của mình về Mỹ.

“Ban đầu, các giới chức ở Bạc Liêu, nơi có trại trẻ mồ côi mà cháu đang ở, đã không giải quyết thủ tục theo đúng như thời gian biểu qui định. Đến bây giờ, chúng tôi cũng không hiểu tại sao họ lại làm chậm trễ như vậy. Nhưng ngay sau khi Washington chấm dứt thỏa thuận với phía Việt Nam hồi năm 2008, chúng tôi tin rằng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nói rõ với phía Việt Nam rằng họ không muốn thông qua bất kỳ trường hợp giao nhận con nuôi nào ở tỉnh Bạc Liêu, vì vậy chúng tôi nghĩ rằng chính phủ Mỹ đã tham gia vào việc từ chối trường hợp của chúng tôi.”

Bé Claire Yến tại trại trẻ mồ côi ở Bạc Liêu.
Bé Claire Yến tại trại trẻ mồ côi ở Bạc Liêu.
Kể từ đó, 16 gia đình Mỹ không được nhận con đã thay phiên nhau về Việt Nam thăm nom các em để cố gắng bù đắp cho các em tình cảm cha mẹ mà các em thiếu thốn bấy lâu nay. Họ cũng không quên mang theo cho các em đồ chơi, quần áo thực phẩm và sữa. Riêng gia đình cô Marsha đã sang thăm bé Claire Yến tổng cộng 9 lần và chuyến thăm cuối cùng của họ là vào dịp lễ Giáng sinh năm ngoái. Nhưng chuyến thăm đó cũng không trọn vẹn vì chính quyền ở Việt Nam đề nghị họ phải rời trại trẻ sớm và không được tiếp tục thăm nuôi, gửi tiền hay thực phẩm cho các em, nếu không họ sẽ có nguy cơ không bao giờ được nhận bé Claire làm con nuôi nữa.

Cô Marsha giải thích:

“Lý do là vì Việt Nam sắp phê chuẩn Công ước La Haye về con nuôi quốc tế, và theo một qui định của luật mới này, các cha mẹ không được gặp con nuôi của họ cho tới lễ giao nhận. Chúng tôi hoàn toàn hiểu về qui định này, nhưng nhiều người trong số chúng tôi đã gặp các em, vì vậy việc không cho chúng tôi gặp các em nữa là điều không hợp lý. Họ nói rằng họ sẽ không tính những chuyến thăm của chúng tôi trước ngày 1/1/2011, nhưng sau đó nếu chúng tôi liên lạc, hay quay trở lại thăm các em hoặc gửi đồ trực tiếp cho các em thì chúng tôi sẽ làm hỏng khả năng có thể hoàn tất thủ tục theo Công ước La Haye. Điều này thật đáng tiếc, vì chúng tôi thật sự tin rằng nếu chúng tôi có thể tới thăm các em thì các em sẽ có được dinh dưỡng tốt hơn, chúng tôi mang theo sách truyện, đồ chơi cho các em và dành nhiều thời gian ở bên các em. Quí vị biết đấy, vì ở trại trẻ có rất nhiều các em bé khác, nên những người giữ trẻ ở đó không thể chăm sóc các em tốt như cha mẹ các em được. Mặc dù với chúng tôi không được ở bên và chăm sóc con mình là điều vô cùng khó khăn rồi, nhưng người chịu thiệt thòi nhất lại chính là các em nhỏ.”

Trong một văn bản gửi cho hãng thông tấn AP hồi giữa tháng này, Cục Con nuôi Quốc tế của Bộ Tư pháp Việt Nam viết rằng tất cả 16 trường hợp trẻ xin nhận làm con nuôi này không đủ tiêu chuẩn xét theo luật cũ, mà sẽ được xem xét giải quyết theo quy định mới kể từ sau ngày 01/10 tới đây. Các em này sẽ được ưu tiên cho các gia đình trong nước muốn xin con nuôi, và nếu sau đó không có gia đình nào nhận các em thì người nước ngoài mới được nhận các em làm con nuôi. Và như vậy gia đình cô Marsha sẽ còn phải tiếp tục chờ đợi trong một thời gian dài nữa.

Bé Claire Yến diện váy mới và vui đùa cùng Ba nuôi dịp Giáng sinh năm 2010.
Bé Claire Yến diện váy mới và vui đùa cùng Ba nuôi dịp Giáng sinh năm 2010.
Trong khi đó, cũng trong tháng Sáu này, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đăng một công bố trên trang web của họ cho biết thậm chí ngay cả khi Việt Nam phê chuẩn công ước La Haye, vốn sẽ có hiệu lực vào tháng 11 năm nay, thì Hoa Kỳ cũng vẫn phải đánh giá hệ thống của Việt Nam trước khi tái tục các trường hợp nhận con nuôi. Họ cho biết tại thời điểm này, không thể ước tính được khi nào các trường hợp nhận con nuôi giữa Hoa Kỳ và Việt Nam mới được nối lại.

Cô Marsha nói rằng hiện tại 16 gia đình, sinh sống tại 9 bang khác nhau ở Mỹ, đang tiếp tục vận động các thượng nghị sĩ ở những bang này cũng như Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để sớm giải quyết trường hợp của họ. Mới đây, một số Thượng nghị sĩ gồm Thượng nghị sĩ Marco Rubio của bang Florida và Thượng nghị sĩ Richard Lugar của bang Indiana thậm chí đã ngăn chặn việc chuẩn thuận tân đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông David Shear, để gây sự chú ý về những trường hợp nhận con nuôi đang gặp bế tắc này.

Cô Marsha nói tiếp:

“Chúng tôi đang làm mọi điều có thể để Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hiểu rằng chúng tôi sẽ không từ bỏ việc gây sức ép lên họ cho tới khi nào chúng tôi được phép đến đón các con về nhà. Một bài báo của AP trích văn bản của Việt Nam nói rằng họ sẽ trở thành thành viên đầy đủ của Công ước La Haye vào ngày 1/10, nhưng đến giờ thì ngày đó đã chuyển thành ngày 1/11. Không có cách nào để bảo đảm rằng điều này sẽ diễn ra đúng kế hoạch, ý tôi là chính phủ thường không hành động theo đúng thời gian biểu. Vì vậy, để các em nhỏ phải chờ đợi thêm nhiều tháng hay thậm chí cả năm trời là điều không thể chấp nhận được.”

Cô Marsha cho hay đại diện của 16 gia đình sẽ tiếp tục gửi thư kiến nghị tới Bộ Ngoại giao và các thượng nghị sĩ, họ cũng thành lập một trang kiến nghị chính thức trên Facebook để tỏ rõ quyết tâm làm bất kỳ điều gì có thể để “chấm dứt cơn ác mộng” cho các em nhỏ mồ côi đáng thương này.

Quí vị có thể tham khảo trang kiến nghị của gia đình cô Marsha và những gia đình khác trên trang Facebook tại: Bring Home the Bac Lieu 16.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG