Đường dẫn truy cập

Nạn cúp điện làm dân Ai Cập bất bình hơn về khó khăn kinh tế


Việc cắt giảm điện khiến dịch vụ xe điện được đông đảo người Ai Cập sử dụng bị giảm bớt
Việc cắt giảm điện khiến dịch vụ xe điện được đông đảo người Ai Cập sử dụng bị giảm bớt
Chính phủ Ai Cập đang tìm cách đối phó với tình trạng thiếu điện bằng cách ra lệnh cho các cửa hàng và các quán cà phê đóng cửa sớm hơn. Nhưng các nhà kinh tế e ngại rằng kế hoạch để giải quyết một vấn đề sẽ dẫn tới nhiều vấn đề khác, và gây thêm bất mãn nơi công chúng đối với chính phủ.

Các giới chức chính phủ nói rằng lệnh bắt các cửa hàng và tiệm ăn đóng cửa sớm sẽ bắt đầu có hiệu lực sau lễ Eid al Adha trong tháng này.

Các vụ cúp điện ngày càng trở nên thường xuyên hơn giữa lúc nền kinh tế hậu-cách mạng gặp nhiều trở ngại.

Nhưng các doanh nhân Ai Cập hàng đầu nói rằng những nỗ lực của chính phủ để tiết kiệm điện là một sai lầm lớn, và sẽ tác động tới công ăn việc làm, lợi tức nhà nước và phương hại tới lĩnh vực du lịch.

Đối với nhà hoạt động chính trị Wael Khalin, lệnh đóng cửa sớm và những hệ quả có thể có tiêu biểu cho nhiệm kỳ tổng thống của ông Mohamed Morsi. Ông nói:

“Chúng ta chưa thấy từ ông Morsi hay chính phủ của ông bất cứ cố gắng nào, một kế hoạch chủ hay kế hoạch lớn, để đối phó với những vấn đề và khó khăn trong đoản kỳ hay trung kỳ. Cho tới nay, điều mà chúng ta đã chứng kiến là những toan tính để vá víu mọi việc, mà không thẩm định đủ để xem xét tác động sâu rộng, và thành thật mà nói, không mang lại ý tưởng mới nào.”

Ngay cả những cố gắng chấp vá ấy dường như cũng không thể thực hiện. Lệnh đóng cửa sớm chẳng hạn, được coi là bất khả thi hành, đặc biệt tại Cairo, một thành phố đông đảo với 18 triệu dân vốn không quen giữ giờ giấc bình thường.

Kinh tế gia Madgdy Sobhy Youssef là phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị và Chiến lược Ahram, nhận định:

“Với chính phủ Morsi, chúng ta thật sự không thấy bất cứ sự thành công nào, hoặc thành công vững chắc nào tại bất cứ lĩnh vực nào của Ai Cập, đặc biệt là trong nền kinh tế nội địa. Vì vậy, có nhiều sự bực dọc ở ngoài kia và sẽ còn nhiều bực dọc hơn nữa, trừ phi chính phủ làm điều gì để xoa dịu công chúng.”

Ông Youssef nói nỗi bực dọc thể hiện trong nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau – với những cuộc bãi công và biểu tình phản đối của các công nhân bến cảng, bác sĩ, công nhân các hãng xưởng.

Sự thể này đặt ra một tình trạng tiến thoái lưỡng nan cho rất nhiều người đang tự hỏi, “liệu các cuộc biểu tình có hối thúc chính phủ hành động, hay chỉ kéo dài tình trạng bất ổn?”

Nhà phân tích chính trị và cũng là nhà xuất bản Rania al Malki nói:

“Có một sự phân cực lớn lao trong xã hội về hướng hành động nên chọn, chúng ta nên đòi hỏi nơi ông tổng thống tới mức nào tại thời điểm này? Lúc này có đúng lúc để vận động chống lại ông Morsi, hay đây là lúc nên ủng hộ bất cứ sáng kiến tích cực nào để giúp ông đạt được mục đích của ông?"

Kinh tế gia Youssef nói rằng các cuộc bầu cử quốc hội sẽ được tổ chức trong những tháng tới là một cơ hội để một chính phủ có tính cách đại diện hơn tái xây dựng nền kinh tế và thực hiện những thay đổi thật sự. Ông nói:

“Nếu chúng ta có một quốc hội và một chính phủ cân bằng thì lúc đó chúng ta sẽ có những thay đổi thật sự trong chính phủ, thay vì những gì chúng ta thấy bây giờ với chính phủ Tổng Thống Morsi.”

Nhưng lời hứa sắp sửa có thay đổi và cải thiện kinh tế đã được hứa hẹn quá nhiều lần; khi ông Morsi được bầu lên, khi diễn ra các cuộc bầu cử quốc hội trước đó, và trong chính cuộc cách mạng.

Đây là một lời hứa mà đối với nhiều người dân Ai Cập, đang ngày càng xa vời giữa lúc sự kiên nhẫn đang dần dà tan biến.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG