Đường dẫn truy cập

Ai cũng cần có một người cha


Ai cũng cần có một người cha
Ai cũng cần có một người cha

Trong thơ văn, âm nhạc cũng như hội hoạ và điêu khắc, người ta hay viết, vẽ, ca tụng về người mẹ. Một hình tượng đẹp, quí, yêu kiều và nhất là lòng hy sinh, sức chịu đựng bền vững, dẽo dai, và những giọt nước mắt. Người mẹ như đầu tàu ngày đêm nhả khói sầm sập mang theo những toa tàu nặng trĩu ước mơ.

Còn người cha thì sao? Hình như người cha rất ít được nhắc nhở đến trong những loại hình nghệ thuật. Vì sao? Phải chăng những giọt nước mắt của người cha chỉ biết chảy ngược vào trong. Phải chăng lòng hy sinh của người cha chỉ là sự câm lặng trong uy quyền với gương mặt cứng cõi buồn phiền nên thơ văn không đủ cứng để tạo thành những vần điệu và hội hoạ không đủ màu cũng như âm nhạc không đủ âm vực để cưu mang những buồn, thương, giận, hờn của người cha từ trong sâu thẳm tâm hồn!

Trái tim của người cha cũng đã đập liên hồi khi nhìn con bệnh, khi nghe tin con thất bại, khi nhìn vợ đau ốm. Người cha cũng có những nỗi lo toan và đau đớn giống như người mẹ vậy. Thế nên suốt đời tôi không dám so sánh. Tôi nhìn thấy được, nhiệm vụ, dù có khác nhau nhưng tất cả đều dành cho con. Với người cha, một bề ngoài cứng cõi, bên trong là sự yếu đuối của người mẹ. Và với người mẹ, một bề ngoài yếu đuối, bên trong là sự cứng cõi của người cha.

Người ta thường nói “Đằng sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người đàn bà”. Lập luận như thế không ngoa chút nào. Nhưng hãy công bằng mà nói, không có người cha căn nhà như không có mái che, mưa sẽ dột, cột kèo sẽ mốc meo nên người ta cũng thường nhắn nhủ “Con không cha như nhà không nóc”. Những cánh tay vững chắc của người cha cần thiết biết dường nào để ôm kín niềm tin, ước mơ và lòng tự hào của những đứa con!

Không phải ngẫu nhiên mà đời sống cần có đôi. Dù thế, một gia đình có đôi vẫn chưa thấy ấm áp đủ, nên những đứa con lần lượt ra đời và không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi gia đình là tổ ấm. Thiếu một trong hai, cái tổ không còn ấm nữa. Bếp vẫn đỏ mà căn nhà lạnh tanh, buồn bã và âu sầu. Nỗi cô đơn sẽ như những đám mây che trùm thân phận. Thật vậy, sự dịu dàng, ân cần của người mẹ và sự cứng rắn của người cha cần bổ sung cho nhau, nâng đỡ dìu dắt nhau trong những lúc phong ba bão táp giữa đường đời.

Tôi có một kỷ niệm vừa buồn vừa rất là dễ thương với câu ca dao “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha. Cho trọn chữ hiếu mới là đạo con”. Hình như ai cũng thuộc mấy câu ca dao này, nó như một bài học, một nhắc nhở về đạo làm con. Nó mộc mạc đơn sơ đến nỗi, không cần phải là tiến sĩ, kỹ sư mới hiểu được. Nó vun đắp tâm hồn ta nhẹ nhàng nhưng sâu đậm. Nó là bài học đầu đời của chúng ta!

Tôi mang theo hai đứa con của bà chị khi tôi vượt biên. Đứa lớn 8 tuổi, đứa nhỏ 7 tuổi. Lúc bấy giờ, ba hai cháu còn ở trong trại học tập, đời sống quá khó khăn nên chị muốn tôi giúp đỡ. Chị giữ lại đứa con gái út lúc ấy mới lên hai tuổi với chị.

Ở trại tị nạn Bataan, thuộc Philippines, chúng tôi không phải đi làm. Chỉ học 4 tháng về ngôn ngữ, tập quán và văn hoá của Mỹ rồi chờ ngày có danh sách lên đường đi định cư. Rảnh rỗi, tôi hay dạy thêm tiếng Việt cho hai cháu. Một hôm tôi đọc chính tả cho đứa cháu trai 7 tuổi viết. Cháu viết câu “một lòng thờ mẹ kính cha” khi đọc thành “một lần thoi mẹ cán cha”. Tôi không nhịn được cười nhưng ráng dằn lòng vì tôi không muốn làm cháu mắc cở rồi cháu không muốn học nữa. Tôi đọc và giải thích cho cháu. Cháu mếu máo “con viết sai chứ không phải ý con như vậy mà”...Rồi cả hai dì cháu cùng cười.

Giờ đây, cháu đã gần 40 tuổi và đã có gia đình với hai trai một gái. Mỗi khi có dịp gặp nhau, tôi hay nhắc đến câu chuyện này với cháu. Và hai dì cháu lại cùng cười với nhau giòn tan như thuở nào. Nhớ quá những ngày mà tôi phải đóng vai làm người mẹ, người cha, một mình, chân ướt, chân ráo lưu lạc từ trại tị nạn này đến trại tị nạn kia mong được nhận định cư ở một nước thứ ba. Và may mắn, chúng tôi đã đến được vùng đất với nhiều cơ hội. Từ giây phút đặt chân lên chiếc thuyền viễn xứ và nhiều năm làm “single mom”, tôi mới nhận ra rằng trọng trách nuôi nấng hai cháu quá lớn mà tôi đã không lường trước được. Tinh thần và sức lực có lúc tưởng chừng như cạn kiệt trong tôi. Nhiều lúc tôi tưởng tôi đã quỵ ngã nửa đường!

Chỉ còn vài tuần nữa là ngày ghi nhớ công ơn của cha, cuốn phim quá khứ lại về mang theo những kỷ niệm một thời tôi đã tự quyết định, một thời tôi đã tự hành động như một người cha cách đây 30 năm. Có lẽ chính vì thế, tôi hiểu được nỗi khổ sở một mình khi phải đương đầu với những khó khăn đời thường. Sự cứng rắn của người cha, cả về tinh thần lẫn thể chất, cần thiết vô cùng. Những lúc cháu bệnh, những lúc cháu ngang ngược ở tuổi mới lớn, những lúc cháu đi lạc đường, tôi lao đao, khổ sở, không biết phải làm gì, có đôi khi thấy mình bế tắc, bất lực. Trong tôi, lúc bấy giờ là những mong ước một bờ vai để khóc và đôi tay rắn chắc để vực tôi dậy, để động viên tôi, để dìu dắt tôi ra khỏi những khủng hoảng tâm hồn. Có lẽ chính vì thế, tôi luôn nghĩ rằng vai trò của người cha cũng rất quan trọng và cần thiết trong sự phát triển và hình thành tính cách của con cái như vai trò của người mẹ vậy. Và tôi luôn tin rằng, “đằng sau việc làm tròn bổn phận một cách dễ dàng của người mẹ luôn có bờ vai của người cha để dựa vào”.

Bây giờ, mỗi khi nhìn thấy những người cha làm ngựa cho con cỡi, cõng con trên vai và thỉnh thoảng đi dạo quanh hồ, nhìn thấy hai cha con, một già một trẻ ngồi bên nhau với hai cái cần câu thả xuống mặt hồ trong lặng yên của một ngày êm ả, tôi bỗng nhiên biết rằng hai cháu không những thiếu tình mẹ mà thiếu luôn tình cha. Một mất mát vô cùng lớn trong đời!

Mỗi khi nghe người cha khuyên con “con trai mà, đừng khóc như con gái, mạnh mẽ lên”. Mỗi khi nghe người cha khuyên con “khóc đi con, khóc cho nhẹ lòng, con gái mà. Trời tặng cho con gái những giọt nước mắt, hãy yêu quí nó, hãy dùng nó” là lòng tôi chùng xuống. Thế đấy, sự cứng cõi mạnh mẽ của người cha giúp con leo lên những ngọn núi cao, giúp con vuợt qua những con bão dữ của đại dương, giúp con trở thành những người hữu ích cũng giống người mẹ vậy. Thế thì, hôm nay, bạn nhé, hãy nắm lấy tay cha mà thì thầm những điều đáng lý ra đã phải nói từ lâu rằng bạn yêu mến cha biết dường nào!

Ngày vinh danh cha sắp đến, tôi xin gửi lòng biết ơn đến với những người cha đã hết lòng với con. Với tôi, người mẹ, dù có giỏi giang, thành đạt đến mấy đi nữa, cũng cần có những người cha với đôi bờ vai rộng và một tấm lòng bao dung để tựa vào và tin tuởng. Mái ấm gia đình luôn phải có đôi để những đứa con được mãi sống hạnh phúc trong vòng tay đùm bọc của cha lẫn mẹ. Tôi xin chúc mừng những bạn vẫn may mắn còn cha và tôi cũng xin chúc mừng những ai vẫn may mắn còn có anh, cha của những đứa con bên cạnh! Nhưng nếu không may chúng ta không còn cha hay anh bên cạnh, hãy nhớ về những điều tốt đẹp mà chúng ta đã có được với nhau trong một đoạn đời!

Nguyễn Kim Tiến
Ngày của Cha 2011

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG