Đường dẫn truy cập

Ai Cập: Người biểu tình đụng độ cảnh sát bên ngoài dinh tổng thống


Biểu tình ở Ai Cập chống Tổng thống Morsi tại Quảng trường Tahrir, trong thủ đô Cairo, sau lễ cầu nguyện hôm thứ Sáu 1/2/13
Biểu tình ở Ai Cập chống Tổng thống Morsi tại Quảng trường Tahrir, trong thủ đô Cairo, sau lễ cầu nguyện hôm thứ Sáu 1/2/13
Hằng ngàn người phản đối Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi lại tham gia biểu tình hôm thứ Sáu tại dinh tổng thống ở Cairo và thành phố Port Said sau tuần lễ bạo động gây chết người nhiều nhất kể từ khi ông Morsi lên nắm quyền.

Những người biểu tình tại dinh tổng thống ném bom xăng, khiến cảnh sát phản ứng bằng hơi cay mắt và vòi rồng.

Biểu tình đông hơn vào khoảng chiều tối tại Cairo khi nhiều nhóm người biểu tình tụ tập tại Quảng trường Tahir và gần dinh tổng thống. Thời tiết lạnh và mưa từng cơn có thể đã làm nhiều người không đi biểu tình sớm hơn.

Binh sĩ Ai Cập đóng chốt tại các lối vào Cairo để duy trì an ninh. Một đơn vị an ninh dày đặc đóng gần dinh tổng thống.

Tại thành phố Port Said, nơi có kênh Suez, hằng ngàn người biểu tình hô khẩu hiệu chống chính phủ sau buổi cầu kinh ngày thứ Sáu. Cuộc biểu tình này trùng hợp với ngày kỷ niệm vụ giẫm đạp lên nhau gây chết người trong trận bóng đá của Port Said cách đây một năm.

Căng thẳng đã tăng cao tại thành phố này kể từ khi có phán quyết của tòa án tuần trước kết án tử hình 21 người sau bị cho là có tội trong thảm kịch này. Nhiều cư dân Port Said phàn nàn rằng bản án này có tính cách tùy tiện và rằng tòa án chỉ muốn làm nguôi giận các fan bóng đá ở Cairo.

Tin tức ngày thứ Sáu nói rằng một đám đông lớn tụ tập bên ngoài trụ sở chính quyền, nhưng không có ý định tấn công tòa nhà này. Cảnh sát và binh sĩ quân đội đóng tại nhiều điểm khác nhau chung quanh khu này.

Hôm thứ Năm, nhiều nhà lãnh đạo chính trị cao cấp đã ký thỏa thuận từ bỏ bạo động, sau một cuộc họp để thảo luận ở tầm vóc quốc gia với học giả Hồi Giáo Sheikh Ahmed al-Tayeb.

Thủ lãnh phe chính trị cánh tả Hamdeen Sebahi nói rằng, ông đã thỏa thuận từ bỏ bạo động nhưng “không từ bỏ hoạt động cách mạng.”

Ông Said Sadek, giảng sư môn xã hội học chính trị tại American University ở Cairo nói rằng, chính phủ không tôn trọng một thỏa thuận trước đây liên quan tới hiến pháp khiến cho khó có thể đạt được một giải pháp dung hòa.

Ông Sadeck nói rằng vấn đề “khó khăn thật sự tại Ai Cập là thiết lập một hệ thống chính trị vô tư và công bằng.” Ông tiên đoán những căng thẳng chính trị sẽ tiếp tục “bởi vì mục đích của cuộc cách mạng chưa được thực hiện.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG