Đường dẫn truy cập

Lãnh đạo thế giới thông qua kế hoạch phục hồi loài hổ


Hiện tại chỉ còn khoảng 3.200 con hổ sống hoang dã so với con số 100.000 con cách đây một thế kỷ
Hiện tại chỉ còn khoảng 3.200 con hổ sống hoang dã so với con số 100.000 con cách đây một thế kỷ

Loài hổ trên thế giới đang gặp phải những vấn đề nghiêm trọng. Tình trạng săn bắn trộm và mất dần môi trường sống đã tác động đến loài động vật này. Hiện tại chỉ còn khoảng 3.200 con hổ sống hoang dã so với con số 100.000 con cách đây một thế kỷ. Tuy nhiên, theo tường trình của thông tín viên Rosanne Skirble, một nỗ lực phục hồi và bảo tồn loài hổ do các chính phủ, các tổ chức phát triển và các nhóm bảo tồn động vật đang giúp loài mèo khổng lồ này sinh sôi trở lại.

Diễn đàn về Bảo tồn Hổ Quốc tế ở St. Petersburg của Nga hồi tuần trước dường như là diễn đàn nổi bật phù hợp với những ngày cuối cùng của năm con Hổ này. Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên bàn về một loài động vật duy nhất đã qui tụ các nhà lãnh đạo thế giới, các giới chức chính phủ và các đại diện của các tổ chức phát triển cũng như các tổ chức bảo tồn động vật phi lợi nhuận.

Ông Barney Long phụ trách chương trình về loài hổ của Quĩ Động vật Hoang dã Thế giới, tức WWF, một tổ chức đóng vai trò chủ chốt trong công tác bảo tồn loài hổ. Ông nói rằng 13 quốc gia nhóm họp ở St. Petersburg là những nước duy nhất còn tồn tại loài hổ hoang dã.

Ông Long cho biết: “Mỗi một nước trong số 13 nước này đã phát triển điều mà họ gọi là một chương trình quốc gia để phục hồi loài hổ. Và những chương trình đó đã được tổng hợp vào thành một tài liệu gọi là Chương trình Phục hồi Hổ Toàn cầu, trong đó đề ra những hoạt động mà mỗi một nước trong số 13 nước này cần tiến hành cũng như các hoạt động cần phải thực hiện xuyên biên giới, khu vực và toàn cầu. Kết quả mà hội nghị thượng đỉnh đạt được là tất cả các nước này đã thông qua chương trình Phục hồi Hổ Toàn cầu, có nghĩa là giờ đây chúng tôi có tất cả các nguyên thủ của 13 nước tán đồng một kế hoạch duy nhất để tiến tới bảo tồn loài hổ.”

Các nhà lãnh đạo thế giới cũng đồng ý từ nay đến năm 2022 sẽ tăng gấp đôi số hổ so với hiện tại. Tuy nhiên ưu tiên trước mắt của họ là ngăn chặn tình trạng săn bắn trộm và buôn lậu hổ của những nhóm tội phạm có tổ chức. Những con hổ được bán với giá hàng chục ngàn đôla trên thị trường chợ đen và phần lớn được bán ở Nam Á để lấy da, thịt và xương.

Ông Long nói: “Người ta thường cho rằng việc chế biến những loại thuốc cổ truyền của Trung Quốc là nguyên nhân dẫn tới nhu cầu tăng, tuy nhiên trên thực tế thì đây chỉ là một trong những nhu cầu về các sản phẩm từ hổ và những nhu cầu này hiện đang giảm đi. Kể từ năm 1993 khi Trung Quốc thực hiện một lệnh cấm bán các sản phẩm liên quan tới loài hổ thì nhu cầu này đã giảm đáng kể. Xu hướng đang gia tăng nhanh chóng vào thời điểm này là việc sử dụng xương hổ để nấu cao và cả thịt hổ nữa. Cả hai thứ này thực ra chỉ là biểu tượng cho đẳng cấp xã hội.”

Một trở ngại chính khác đối với việc phục hồi loài hổ là tình trạng loài hổ đã mất dần môi trường sống do các nông dân lấy đất để canh tác và các cánh rừng đã bị chặt phá để làm đường, xây đập và khai thác mỏ. Oâng Long nói rằng các nhà quản lý động vật hoang dã phải xem xét toàn bộ nền kinh tế và tìm giải pháp để khắc phục tình trạng môi trường sống của loài hổ đang bị phá vỡ.

Ông Long nói tiếp: “Họ cần phải phối hợp với các bộ giao thông và các cơ quan lập kế hoạch cũng như bộ năng lượng. Chúng ta cần các nước xem xét bức tranh tổng thể của việc bảo tồn một môi trường bền vững và hiển nhiên hành động này không chỉ để cứu loài hổ mà còn giúp chúng ta xem xét tới sự phát triển bền vững, bảo vệ rừng đầu nguồn, xem xét khả năng tích trữ cácbon ở những khu vực như vậy, v..v.”

Nhưng để thúc đẩy Chương trình Bảo tồn Hổ Toàn cầu cần phải có tiền. Cam kết đóng góp 100 triệu đôla của Ngân hàng Thế giới và 83 triệu đôla của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới đã được loan báo tại hội nghị thượng đỉnh, nhưng cần phải có thêm tiền để trang trải cho khoản chi phí lên tới 350 triệu đôla trong 5 năm đầu tiên của kế hoạch 12 năm.

Ông Keshav Varma là giám đốc chương trình của Sáng Kiến về Hổ Toàn cầu tại Ngân hàng Thế giới. Oâng nói rằng các khoản ngân quĩ của Ngân hàng sẽ nhắm tới việc bảo tồn động vật hoang dã ở Nam Á với hy vọng sẽ xây dựng được một tổ chức chống tội phạm khu vực mạnh mẽ.

Ông Varma nói: “Chương trình sẽ lập số liệu, chia sẻ thông tin và cũng sẽ được tích hợp các công nghệ khoa học kỹ thuật tốt. Chúng tôi cũng muốn các tổ chức quốc tế như Interpol, Văn phòng Liên Hiệp Quốc về Tội phạm và Ma túy, tức UNODC, cũng như Hiệp ước Quốc tế về Mua bán Động vật có nguy cơ Tuyệt chủng, CITES, và Ngân hàng Thế giới cùng phối hợp trong một cơ chế có phạm vi toàn cầu để giúp tăng cường hoạt động ngăn chặn ở những điểm nóng.”

Ông Varma nói rằng việc phục hồi loài hổ đưa đến một cơ hội phát triển, ở những nơi mà các dịch vụ hệ sinh thái thường được cho là điều hiển nhiên – như là nước sạch, rừng và môi trường sống của động vật hoang dã – cũng sẽ được coi trọng và bảo vệ.

Ông Varma nhận xét: “Tôi nghĩ rằng tất cả các nhà lãnh đạo hàng đầu có mặt ở St. Petersburg đã thảo luận về sự cần bằng này và để đảm bảo rằng sự lành mạnh của thiên nhiên và phát triển hệ sinh thái không nên là cái giá phải trả cho sự phát triển kinh tế. Vì vậy chúng tôi đã thảo luận về một mô hình nơi đa dạn sinh họ và hệ sinh thái sẽ được đưa vào phương trình của sự phát triển. Và điều này là vô cùng quan trọng. Đó là một cách nghĩ mới.”

Hội nghị thượng đỉnh về hổ đã kết thúc với tinh thần lạc quan. Ông Barney Long thuộc tổ chức WWF nói rằng hiện giờ việc tiếp tục xây dựng trên đà này sẽ phụ thuộc vào cộng đồng quốc tế. Ông Long dự báo “với đủ không gian sống, mồi và sự bảo vệ, loài hổ có thể tiếp tục tồn tại.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG