Đường dẫn truy cập

Afghanistan, Taliban bắt đầu cuộc hòa đàm đầu tiên sau nhiều thập kỷ chiến tranh


Các đại diện của Mỹ, Afghanistan và Taliban tại phiên khai mạc hòa đàm ở Doha, Qatar hôm 12/9/2020
Các đại diện của Mỹ, Afghanistan và Taliban tại phiên khai mạc hòa đàm ở Doha, Qatar hôm 12/9/2020

Các bên tham chiến của Afghanistan bắt đầu đàm phán lần đầu tiên hôm thứ Bảy 12/9 nhằm mục đích chấm dứt hàng thập kỷ chiến tranh. Cuộc đàm phán quy tụ các đại biểu do chính phủ Afghanistan và phe Taliban bổ nhiệm, USA Today và Al Jazeera đưa tin.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tham dự lễ khai mạc, được tổ chức tại Qatar, nơi các cuộc họp sẽ diễn ra, vẫn theo tin của USA Today và Al Jazeera.

Đây là diễn biến mới nhất trong một loạt hoạt động ngoại giao của chính quyền ông Trump trước cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11.

Các cuộc thảo luận đóng vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm hòa bình lâu dài, điều này cũng sẽ mở đường cho quân đội Mỹ và NATO rời Afghanistan sau gần 19 năm.

Các bên sẽ cố gắng giải quyết các vấn đề khó khăn, bao gồm các điều khoản về ngừng bắn vĩnh viễn, quyền của phụ nữ và dân tộc thiểu số, cũng như giải trừ vũ khí của hàng chục nghìn chiến binh Taliban và dân quân trung thành với các lãnh chúa, trong số họ có một số người thân chính phủ, USA Today và Al Jazeera tường thuật.

Các cuộc đàm phán tại Doha diễn ra sau khi Mỹ làm trung gian để hai quốc gia vùng Vịnh là Bahrain và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất công nhận Israel lần lượt hôm 11/9 và hồi đầu tháng này.

Các bên Afghanistan cũng dự kiến sẽ thảo luận về những thay đổi hiến pháp và chia sẻ quyền lực, các bản tin của USA Today và Al Jazeera cho biết.

Một liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu đã lật đổ Taliban vào năm 2001 vì phe này đã chứa chấp Osama bin Laden, kẻ gây ra vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 vào nước Mỹ.

Cuộc đàm phán giữa các phe trong nước của Afghanistan được vạch ra trong một thỏa thuận hòa bình mà Washington ký với Taliban vào ngày 29/2.

Tổng thống Donald Trump cho biết là đến tháng 11, số binh sĩ Mỹ ở Afghanistan sẽ chỉ còn 4.000 người, giảm xuống từ con số 13.000 người khi thỏa thuận Mỹ-Taliban được ký hồi tháng 2.

Michael Kugelman, Phó Giám đốc chương trình Châu Á của Trung tâm Wilson có trụ sở tại Washington, nói với USA Today: “Các mục tiêu của Washington rất đơn giản: Họ muốn các cuộc đàm phán nội bộ của Afghanistan diễn ra càng sớm càng tốt, bởi vì những cuộc đàm phán này tạo ra cho Nhà Trắng vỏ bọc chính trị để sử dụng cho cuộc rút quân sắp diễn ra”.

“Nhiều khả năng là Tổng thống Trump muốn có một thỏa thuận hòa bình trước cuộc bầu cử, để ông ấy có thể thu được nhiều lợi ích chính trị và quảng bá về bản thân với tư cách là ứng cử viên giải Nobel Hòa bình. Nhưng có lẽ chính ông cũng nhận ra rằng mong đợi sẽ sớm có thỏa thuận là điều phi thực tế. Các cuộc đàm phán kiểu này thường sẽ phải mất hàng năm trời, chứ không phải là vài tuần”, ông Kugelman nói.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG