VOA: Mỹ và đồng minh đưa quân vào Afghansitan sau vụ tấn công thẳng vào Hoa Kỳ ngày 11 tháng 9 để dẹp Taliban và al-Qaida. Ông đã làm việc ở đó cách nay 4 năm, bây giờ trở lại, ông thấy bộ mặt thủ đô nước này ra sao, có gì khác trước?
Chuyên gia Đinh xuân Quân: Ai đến Kabul lần đầu tiên thì không thấy, nhưng vì tôi đã làm việc trước đây ở nước này nên tôi đã thấy tiến bộ, nhất là về kinh tế, rất là rõ ràng. Tôi là một kinh tế gia, nên khi thấy tăng trưởng kinh tế trên 12% thì phải thấy là có khác hẳn. Về xây cất, giáo dục, y tế, tôi nêu một thí dụ để quí vị thấy, là tại Kabul mỗi lần kẹt xe 1 hay 2 tiếng đồng hồ là chuyện thường, đây là triệu chứng của các thành phố lớn tăng trưởng quá mau. Một thí dụ khác là cưới hỏi rất tốn tiền vì nhà trai phải đài thọ tất cả. Trong khi đó thì những nhà chuyên tổ chức đám cưới lại mọc lên như nấm. Chuyện này hco thấy là phần nào dân chúng khá giả hơn . Ngoài ra trước đây khi tôi đến lần đầu năm 2004 tới năm 2007, tất cả mọi thứ từ chai nước uống, từ chai coca cola đến bia, đều phải nhập khẩu từ Dubai. Nhưng nay đều sản xuất từ Afghanistan trong khu chế xuất ở Bagram. Khi trên máy bay nhìn xuống, thành phố được mở rộng ít ra là ba, bốn lần lớn hơn trước. Lẽ dĩ nhiên đường sá mở như thế thì tự nhiên là có những khu chung cư rất là lớn được xây cất lên. Do đó người ta hiểu là dù sao đi nữa tiến bộ về kinh tế của thủ đô Kabul rất mau chóng. Hiện giờ sắp bầu cử, dân chúng xuống đường đều đều, tôi có cảm tưởng không khác gì Sài gòn những năm xưa. Phải công nhận là sau khi vắng mặt 4 năm, trở về tôi thấy có rất nhiều thay đổi. Thay đổi theo đường hướng khá ra chứ không phải là tệ hơn. Đó là nhận xét đầu tiên của tôi.
VOA: Người nước ngoài cảm thấy an ninh hơn hay bấp bênh hơn, ví dụ mỗi khi ra đường phố ông cảm thấy như thế nào?
Chuyên gia Đinh Xuân Quân: : Vì có ở trước nên bây giờ có thể so sánh. Trước đây đêm, tối hay cả ban ngày nữa, Kabul hay bị pháo kích, bây giờ không còn. Nếu không sống tại Kabul trước đây thì không thấy tiến bộ rõ ràng. Thứ hai, tại Kabul, các đường phố có các rào cản bằng xi măng, rất nhiều chốt kiểm soát, do đó vấn đề an ninh khá hơn nhiều. Tuy nhiên trong một xã hội còn chiến tranh thì vẫn phải để ý. thỉnh thoảng vẫn có bắt cóc chứ không phải cướp. Ăn trộm hay cướp giựt thì không có, vì đây là xứ Hồi giáo, nếu xảy ra là dân chúng tóm lại và xử ngay. Còn các vụ bắt cóc có súng thì dân chúng không làm gì được. Tuy có xảy ra các vụ bắt cóc nhưng rất ít. Tôi thấy trong một thành phố 4, 5 triệu dân như vậy còn yên ổn hơn là một số thành phố tại Mỹ hay châu Âu.
VOA: Còn tại nông thôn, có những tiến bộ gì về an ninh, kinh tế, giáo dục, y tế, xã hội?
Chuyên gia Đinh Xuân Quân: Tôi mới vừa đi 2 chuyến ở nông thôn về. tiến bộ ở nông thôn còn thấy rõ hơn là thành phố. Hồi xưa ở nông thôn đâu có nhiều xe hơi. Bây giờ thì nông thôn không những có xe hơi mà còn có điện nước, một điều hiếm ở đây. Thứ hai, trường học và trạm y tế dành cho phụ nữ rất nhiều. Trước kia trái cây cũng phải nhập khẩu. Bây giờ Afghanistan đã xuất khẩu trái cây, trái cây khô, hạt điều. Kế đó là chuyện sử dụng máy cầy. Trước đây tôi có làm việc ở Phi châu thì thấy ở Afghanistan họ tiến bộ hơn nhiều, dùng máy cầy nhiều hơn trên một bình diện rộng lớn hơn. Ruộng của họ cả trăm hectare, không phải là lúa nước mà là lúa mỳ. Đất khô hơn nên việc sử dụng máy móc về nông nghiệp nhiều hơn. Chính phủ cũng xây dựng nhiều hạ tầng cơ sở công cộng, như các đền thờ Hồi giáo, các trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Tiến bộ ở nông thôn thấy rõ ràng hơn. Có nhiều vùng nông thôn trong nhiều năm không có chiến tranh nên có tiến bộ lớn lao.
VOA: Phụ nữ có còn phải bị buộc phải ăn mặc như trước, trẻ gái có được đi học và phụ nữ có quyền đi làm hay không? Nói tóm lại có tiến bộ gì về nữ quyền tại một xứ mà phe Hồi giáo cực đoan chỉ muốn đàn áp và sai khiến nữ giới?
Chuyên gia Đinh Xuân Quân: Tôi cũng phải xin nói đây là một chuyện rất khó cắt nghĩa cho những ai không ở xứ Hồi giáo. Burqa là một loại áo trùm kín hết người, chỉ có một màng lưới để che mắt. Đây là cách ăn mặc hồi xưa của các công chúa hay những người quyền quí khi họ muốn ra ngoài nhưng muốn tránh con mắt công chúng thì họ mặc burqa. Khi Taliban tới thì họ bắt tất cả phụ nữ phải trùm kín như vậy, một phần là Taliban, nhưng một phần cũng vì tập tục của phụ nữ ở đây. Ngược lại trong chính phủ hay quốc hội hoặc các trường học, phụ nữ không bị cấm. Ví dụ tại bộ kinh tế nơi tôi làm việc, họ khuyến khích rất nhiều phụ nữ đi làm, không những thế họ còn thăng chức cho nhiều phụ nữ có học. Không phải là chính phủ không cố gắng, nhưng cố gắng là một chuyện, tập tục của dân chúng lại là một chuyện khác. Đó là điều khó. Tại quốc hội Afghanistan có 1 số ghế dành riêng cho phụ nữ. Phụ nữ có học tham gia vào các chức vụ công, đi dạy học rất nhiều. Số phụ nữ biết đọc biết viết có 28%, so với nam giới là 37%. Nhưng quí vị cũng hiểu rằng tỉ lệ biết đọc biết viết của toàn quốc chỉ có 37% thì còn phải cố gắng rất nhiều để có bình đẳng hầu nâng tỉ số trẻ gái và trẻ trai được đi học ngang nhau là cả một vấn đề. Mà nâng cả một nước lên rất là khó. Tuy nhiên chính phủ đã không ngừng cố gắng để khuyến khích nữ giới sinh hoạt kinh tế và còn tham gia vào chính quyền nữa.
VOA: Những cố gắng đó có gặp trở ngại vì thành kiến Hồi giáo của phe quá khích?
Chuyên gia Đinh Xuân Quân: Chuyện đó thì phải nói là ở hai tỉnh phía nam và ba tỉnh sát biên giới Pakistan còn nhiều trở ngại vì còn đánh nhau, còn nhiều tranh chấp, những đừng quên là tình hình như vậy chỉ có ở chừng 8 tỉnh trên 34 tỉnh mà thôi. 8 tỉnh đó là Hồi giáo cực đoan và phụ nữ còn gặp khó khăn. Hiện giờ quân đội NATO và ISAP (Lực lượng trợ giúp an ninh quốc tế) đang cố gắng để bình định. Nhưng thật ra những chỗ khác của Afghanistan có an ninh. Có an ninh là có tiến bộ. Nếu không thấy, ở xa nghe chuyện thì thấy sợ, tưởng là cả nước chiến tranh. Không phải như thế, chỉ có một phần nhỏ thôi. Theo con mắt của một kinh tế gia thì tôi thấy có rất nhiều tiến bộ ở nhiều tỉnh, nhất là những tỉnh lớn như Herat, Mazasharif hay các tỉnh phía bắc, phụ nữ đạt rất nhiều tiến bộ. Nhưng cũng đừng quên rằng tỉ lệ biết chữ cả nước chỉ có 37%, nếu muốn nâng lên thì phải mất cả chục năm nữa mới khá.