Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Robert Gibbs cho hay Tổng thống Obama từ lâu vẫn thừa nhận một yếu tố chính trị cho cuộc chiến tranh ở Afghanistan và rằng các nỗ lực hòa giải với các thành phần của phe nổi dậy Taliban sẽ do Afghanistan đứng đầu. Nhưng ông Gibbs nói các nỗ lực hoà giải là kết quả của sách lược làm áp lực đang được thực thị bởi các lực luợng quốc tế dưới sự chỉ huy của Đại tướng Mỹ David Petraeus.
Ông Gibbs nói: “Đây là các cuộc đàm phán đang diễn ra vào một thời điểm mà ta đã nghe Tướng Petraeus bàn về nhịp độ của các cuộc hành quân của chúng ta ở Afghanistan. Nhịp độ này cao hơn bao giờ hết. Chúng ta đã có nhiều nguồn lực hơn bao giờ hết trong nước, và nhịp độ của các cuộc hành quân cũng cao hơn bao giờ hết.”
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, ông P.J. Crowley nói rằng sự tham gia của Taliban vào các cuộc đàm phán như thế đòi hỏi họ phải từ bỏ bạo lực, cắt đứt các liên hệ với al-Qaida cùng vây cánh, và ủng hộ hoàn toàn hiến pháp của Afghanistan. Ông nói Hoa Kỳ ủng hộ nỗ lực hòa giải của chính phủ Afghanistan. Ông cũng nói Washington chờ đợi sự đáp ứng từ phía các phe phái khác nhau của Taliban, nhưng ông bầy tỏ sự hoài nghi rằng thủ lãnh Taliban Mullah Mohammed Omar sẽ đóng bất cứ một vai trò nào.
“Chúng ta thừa nhận trách nhiệm của Mullah Omar và sự hỗ trợ dành cho Osama bin Laden trong âm mưu tấn công ngày 11 tháng 9. Chúng ta không thể mường tượng ông ta đóng một vai trò xây dựng nào trong tương lai của Afghanistan, nhưng chung cuộc, đây là những quyết định sẽ do chính phủ Afghanistan thực hiện.”
Ông Crowley nói Mullah Omar đã có những cơ hội trong thập niên 1990 và thậm chí cả sau các vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 để ngưng hợp tác với Osama bin Laden, và họ đã quyết định không làm như thế.
Ông Christopher Snedden, người điều khiển các quan hệ an ninh và chiến lược cho cơ quan tham vấn Nam Á gọi là Asia Calling, nói rằng ông nghi ngờ là một tiến trình hoà giải chính trị thuộc loại nào đó có thể diễn ra mà không có ít nhất là một sự liên hệ gián tiếp của Mullah Omar. Và ông gợi ý rằng các phe phái khác có thể cũng phải tham gia vào tiến trình này.
“Yếu tố đáng kể nữa là mạng luới Haqqani, mà Pakistan có các liên hệ rất chặt chẽ và có thể thực sự có ảnh hưởng rất mạnh hoặc thậm chí kiểm soát một phần nào. Một lực lượng khác cần phải được bao gồm trong bất kỳ nỗ lực hòa giải nào còn là lực lượng Gulbuddin Hekmatyar.”
Giáo sư Raspal Khosa thuộc Viện Chính sách Chiến lược Australia nêu thắc mắc liệu các nhóm như mạng lưới Haqqani, là nhóm có liên hệ với al-Qaida từ mấy chục năm nay, có sẵn sàng hòa giải hay không. Tuy nhiên ông cho rằng bản chất của người Aghanistan là giải quyết bằng thương lượng.
“Họ là những người thực tiễn và chúng ta đã có một số cá nhân rất xấu ngồi trong quốc hội Afghanistan nhập vào dòng chính. Nguời Afghanistan sẵn sàng ngồi xuống với những kẻ có bàn tay đẫm máu nhất và bàn thảo với họ. Nhưng những nhóm như mạng lưới Haqqani là những nhóm cực đoan và những các cấp bậc cao hơn của tổ chức Quetta Shura dưới sự lãnh đạo của những người như Mullah Omar cũng có một quá trình dài hợp tác với các phần tử khủng bố xấu xa hơn mà Hoa Kỳ đang tìm cách triệt hạ.”
Theo ông Chritopher Snedden, nếu chính phủ của Tổng thống Hamid Karzai đạt được một thoả thuận có ý nghĩa, thì Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế ISAF có thể rời khỏi Afghanistan khi một chính phủ liên hiệp thành hình. Và ông nói đó chính là điều Afghanistan cần đến nếu muốn có hòa bình và ổn định.
Hoa Kỳ nói áp lực quân sự đang buộc các thành phần của Taliban mưu tìm sự hòa giải chính trị. Các chuyên gia trong vùng thì cho rằng khó lòng có được một giải pháp thuần túy quân sự trong tình hình chỉ có thể đạt được hoà bình và ổn định trong tương lai của Afghanistan với một chính phủ liên hiệp rộng rãi.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1