Đường dẫn truy cập

NATO sẽ thảo luận về sứ mạng chiến đấu tại Afghanistan


Tổng thư ký Rasmussen nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục các chiến dịch quân sự tại Afghanistan, để buộc phe Taliban phải ngồi xuống bàn thương thuyết
Tổng thư ký Rasmussen nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục các chiến dịch quân sự tại Afghanistan, để buộc phe Taliban phải ngồi xuống bàn thương thuyết

Theo dự kiến, Afghanistan sẽ là đề tài được đặt cao trong nghị trình làm việc của Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Lisbon trong tuần này. Giới truyền thông nói rằng theo trông đợi, các nhà lãnh đạo NATO sẽ thảo luận việc chấm dứt sứ mạng chiến đấu tại Afghanistan, và trao trách nhiệm gìn giữ an ninh lại cho các lực lượng Afghanistan, nội trong vòng 4 năm.

Các đồng minh NATO sẽ thảo luận một kế hoạch để chấm dứt sứ mạng chiến đấu tại Afghanistan trước năm 2014 tại hội nghị cấp cao Lisbon.

Nếu được chấp thuận, kế hoạch này sẽ giúp chấm dứt một cuộc tranh cãi kéo dài, khởi sự với lời loan báo của Tổng Thống Obama hồi năm ngoái, rằng các binh sĩ Mỹ sẽ sớm rời Afghanistan để về nước, có lẽ vào tháng Bảy, năm 2011.

Mặc dù nhà lãnh đạo Mỹ lúc đó khẳng định rằng bất cứ cuộc rút quân nào cũng tùy thuộc vào các điều kiện tại hiện trường, lời loan báo của ông được diễn giải rộng rãi, rằng điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ có thể triệt thoái binh sĩ ra khỏi Afghanistan, trước tháng Bảy năm tới.

Ngay cả các chuyên gia cũng bắt đầu đồ đoán rằng các thủ lãnh Taliban có thể thay đổi chiến lược của họ, để chỉ chờ cho tới khi các lực lượng NATO rời Afghanistan.

Thượng nghị sĩ John McCain của Hoa Kỳ, một thành viên cao cấp của Ủy ban Quân Vụ Thượng viện Hoa Kỳ, đã nhiều lần bày tỏ quan tâm của ông về điểm này. Lần mới nhất ông nêu lên vấn đề này là tại Kabul, hôm 10 tháng 11. Ông nói:

“Kế hoạch đó đánh đi một thông điệp sai lạc, và tạo ra vấn đề. Chúng ta cần Tổng Thống Hoa Kỳ phải khẳng định một cách không thể nào hiểu nhầm được, rằng lệnh rút quân tuyệt đối chỉ được đặt trên các điều kiện tại hiện trường, thế cho nên tôi lấy làm lo lắng về tác động của lệnh đó, không những tại đây, ở Kabul, mà nó có thể khuyến khích các kẻ thù của chúng ta, và làm nản lòng các bạn hữu của chúng ta.”

Vài ngày sau những lời phát biểu đó của Thượng nghị sĩ McCain, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục các chiến dịch quân sự tại Afghanistan, để buộc phe Taliban phải ngồi xuống bàn thương thuyết. Ông Rasmussen nói:

“Sự thật là chính sức ép quân sự ngày càng tăng đối với Taliban và các thủ lãnh của họ là động cơ đưa đến các cuộc thảo luận về vấn đề hòa giải.”

Cho đến nay, Tổng Thống Barack Obama vẫn im lặng trước vụ tranh cãi do nhận định ban đầu của ông gây ra.

Tuy nhiên đặc sứ Mỹ đặc trách các vấn đề Afghanistan và Pakistan, ông Richard Holbrooke, đã khẳng định rõ ràng chính sách hiện hành, trong chuyến đi thăm Islamabad hôm thứ Ba 16 tháng 11 mới đây. Ông nói:

“Chính sách của Hoa Kỳ là trao trách nhiệm gìn giữ an ninh cho Afghanistan lại cho các lực lượng quân đội và cảnh sát Afghanistan trong vòng 4 năm tới, trong khi các lực lượng quốc tế có nhiệm vụ chiến đấu dần dà rút lui.”

Ông Holbrooke đưa ra những phát biểu vừa kể sau một cuộc phỏng vấn mà Tổng thống Afghanistan, ông Hamid Karzai dành cho với tờ The Washington Post. Trong cuộc phỏng vấn này, Tổng Thống Karzai yêu cầu Hoa Kỳ giảm quân số của các lực lượng liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo.

Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng nhấn mạnh đến kỳ hạn chót, năm 2014.

“Chúng tôi nghĩ rằng căn cứ trên các điều kiện tại hiện trường, chúng tôi ủng hộ mục tiêu do Tổng thống Karzai đề cập, về vấn đề chuyển giao trách nhiệm an ninh lại cho các lực lượng Afghanistan trước cuối năm 2014. Nhịp độ chuyển giao trách nhiệm rõ ràng còn tùy thuộc vào khả năng của các lực lượng an ninh và lực lượng cảnh sát quốc gia Afghanistan, trong việc đảm đương trọng trách này.”

Nhưng đặc sứ Holbrooke đã đi thêm một bước xa hơn tại Islamabad, khi ông nêu rõ rằng ngay cả sau năm 2014, các lực lượng quốc tế sẽ vẫn duy trì sự hiện diện tại Afghanistan, để giúp chính phủ nước này ổn định đất nước:

“Đây là một chiến lược chuyển giao trách nhiệm, chứ không phải là chiến lược rời bỏ Afghanistan. Tôi nói như vậy vì tôi biết rằng nhân dân tại phần đất này của thế giới, ở Afghanistan, ở Pakistan và toàn thể khu vực này, đều bị ám ảnh bởi hình ảnh sau khi Liên Xô triệt thoái hồi năm 1989, rồi Hoa Kỳ bỏ rơi Afghanistan và Pakistan.”

Các chuyên gia về Afghanistan tại Washington nhận định, chiến lược tức thời tại Afghanistan là phải đánh đi một thông điệp rõ rệt, rằng các lực lượng quốc tế sẽ lưu lại nước này cho tới khi tình hình xoay chiều, bất lợi cho phe Taliban đến độ họ bị bắt buộc phải tham gia vào một giải pháp chính trị lâu dài.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG