Các giới chức chính phủ và những người hoạt động chính trị ở Afghanistan tin rằng cuộc chuyển đổi chính trị và an ninh của nước này trong năm 2014 dọn đường cho một tương lai an ninh và thịnh vượng. Nhưng những người chỉ trích tỏ ý nghi ngờ và nói rằng điều đó tùy thuộc rất nhiều vào vấn đề là các nhà lãnh đạo mới của Afghanistan có vượt qua được nhữg thách thức hay không trong lúc sự giúp đỡ tài chánh của nước ngoài bị giảm đi. Thông tín viên Ayaz Gul tường thuật từ trung tâm tin tức Nam Á của đài VOA ở Islamabad.
Một cuộc nổi dậy gia tăng cường độ của phe Taliban cộng với những sự khó khăn về kinh tế và chính trị đã gây khốn đốn cho Afghanistan trong năm 2014.
Quốc gia tràn ngập xung đột này đã tổ chức hai vòng đầu phiếu để bầu tổng thống giữa lúc có những mối đe dọa nghiêm trọng về an ninh. Cuộc bầu cử đã thành công, tuy tiến trình dân chủ này bị hoen ố vì những tố giác gian lận bầu cử trên diện rộng.
Trách nhiệm bảo vệ an ninh trên cả nước cũng được chuyển từ tay liên minh NATO sang lực lượng an ninh quốc gia không được huấn luyện kỹ lưỡng cho mấy của Afghanistan.
Ông Janan Mosazai, Đại sứ Afghanistan tại lân bang Pakistan, nói với đài VOA rằng hai sự chuyển đổi chính trị và an ninh đó đã chứng tỏ là những người chỉ trích đã sai lầm khi đưa ra những dự đoán rất u ám về tương lai của Afghanistan. Ông nói:
"Có một sự thẩm định và một quan điểm thiếu thân thiện là Afghanistan sẽ sụp đổ trong năm 2014, khi Afghanistan trải qua một sự sụp đổ về an ninh, một vụ khủng hoảng chính trị và sau đó là một vụ tấn công hảy kinh tế. Nhưng, tạ ơn Thượng Đế, chúng tôi đã thực thi thành công hai cuộc chuyển đổi đó."
Cuộc bầu cử đã mang lại một chính phủ được gọi là chính phủ đoàn kết ở Kabul do Tổng thống Ashraf Ghani lãnh đạo, trong khi người về nhì là ông Abdullah Abdullah nắm giữ chức vụ trưởng quan hành chánh. Đại sứ Mosazai nói rằng hai nhà lãnh đạo này có quyết tâm lèo lái đất nước qua thời kỳ mà ông gọi là “một thập kỷ chuyển mình” để bảo đảm cho một cuộc chuyển đổi kinh tế thành công:
"Nhìn sang năm 2015, tôi có thể nói với sự tự tin là Afghanistan sẽ tiến vào thập kỷ chuyển mình với một quyết tâm mới dưới chính phủ đoàn kết quốc gia và dựa trên một sự đồng thuận mạnh mẽ cho hòa bình, an ninh, và phát triển kinh tế. Chúng tôi lạc quan hy vọng sẽ có được tiến bộ trong việc tìm kiếm một giải pháp cho tình trạng bạo động không thể chấp nhận đang tiếp diễn ở trong nước."
Tổng thống Ghani và Trưởng quan Hành chánh Abdullah nhiều lần hứa hẹn là sẽ làm việc chung với nhau để chấm dứt bạo động, tiến hành cải cách dân chủ và diệt trừ nạn tham nhũng đã bén rễ trong các định chế quan trọng của đất nước.
Vị tổng thống mới của Afghanistan đã tái khẳng định quyết tâm đó tại các hội nghị quốc tế hồi gần đây và có vẻ như muốn hợp tác nhiều hơn với nhân vật từng là đối thủ của ông trong cuộc bầu cử. Ông nói:
"Chính phủ đoàn kết quốc gia có quyết tâm thực hiện những biện pháp cải cách cơ bản để nắm giữ vận mạng của mình nhằm bảo đảm là chúng tôi luôn nắm giữ vai trò lãnh đạo trong tiến trình cải cách."
Mặc dù có những cam kết công khai như vậy, ông Ghani và ông Abdullah chưa đạt được đồng thuận về thành phần nội các từ khi lên nắm quyền hồi cuối tháng 9. Cả hai đều bác bỏ những tin tức về những sự khác biệt nghiêm trọng và cho biết họ có quyết tâm làm việc chung với nhau. Tuy nhiên, bà Kate Clark, một chuyên gia của Mạng lưới các nhà phân tích Afghanistan, tỏ ý nghi ngờ đối với tuyên bố đó. Bà nói:
"Chúng tôi có cuộc chuyển tiếp chính trị. Chúng tôi có hai người lên nắm quyền. Họ ra sức tỏ vẻ hòa thuận với nhau ở chốn công khai. Đó là một việc tốt. Nhưng chúng tôi vẫn chưa có một chính phủ, chúng tôi vẫn chưa có một nội các. Họ đã không thể kết thúc cuộc thương thuyết về nội các tuy chính phủ của họ được thành lập đã hơn hai tháng. Chúng tôi vẫn chưa biết quyền lực và quyền hạn của Tiến sĩ Abdullah là gì, và chúng tôi vẫn chưa biết chính phủ này có hoạt động được hay không."
Bà Clark cho rằng giới lãnh đạo mới của Afghanistan không còn nhiều thời gian để đối phó với tình hình an ninh ngày càng xấu đi, với những vụ tấn công của phe mỗi lúc một nhiều, và kinh tế lại bị thiệt hại vì tiến trình bầu cử kéo dài quá lâu. Bà nói:
"Afghanistan đang đối mặt với những vấn đề cấp bách. Nước này vẫn còn một cuộc nổi dậy có nhiều bạo động. Không có dấu hiệu nào cho thấy Taliban muốn buông vũ khí. Nền kinh tế đã mất đi rất nhiều khoản thu nhập. Vâng, nền kinh tế đang có những vấn đề rất lớn. Cho nên Afghanistan đang đối mặt với những vấn đề rất nghiêm trọng. Và tôi nghĩ rằng những thành phần tinh anh vẫn chưa cảm thấy sự cấp bách để họ nhanh chóng bắt tay vào việc để giải quyết những vấn đề này."
Ông John Sopko, Tổng thanh tra của Mỹ về Chương trình Tái thiết Afghanistan, cũng đã bày tỏ sự lo ngại về tương lai của các định chế ở Afghanistan:
"Nếu chính phủ Afghanistan dành toàn bộ nguồn thu quốc nội cho việc duy trì quân đội và lực lượng cảnh sát thì họ vẫn chỉ có thể đài thọ cho khoảng một phần ba chi phí. Tất cả những chi phí khác -- từ trả lương công chức, giáo viên cho tới bảo trì đường sá, trường học, bệnh viện và các cơ sở hạ tầng không thuộc lãnh vực quân sự – chắc chắn sẽ phải do các tổ chức và quốc gia cấp viện cung cấp. Vấn đề quan trọng nhất ở đây là dường như chúng ta đã lập ra một chính phủ mà người dân Afghanistan hoàn toàn không có khả năng tài chánh để chu cấp."
Ông Sopko nói thêm rằng phần lớn của khoản tiền hơn 104 tỉ đô la mà Hoa Kỳ cam kết cho các dự án và các chương trình tái thiết đang đối mặt với mối rủi ro bị phí phạm bởi vì Afghanistan không thể duy trì các dự án đầu tư đó mà không có sự hỗ trợ to lớn từ các quốc gia cấp viện.