Đường dẫn truy cập

Afghanistan đối mặt với năm 2014 đầy khó khăn


Cảnh sát Afghanistan canh gác tại một chốt kiểm soát trong vùng ngoại ô của tỉnh Kandahar, phía nam thủ đô Kabul.
Cảnh sát Afghanistan canh gác tại một chốt kiểm soát trong vùng ngoại ô của tỉnh Kandahar, phía nam thủ đô Kabul.
Sau hơn một thập niên chiến tranh, người dân Afghanistan giờ đây đang đối mặt với một năm mới có nhiều khó khăn. Trong năm 2014, họ phải ra sức ứng phó với việc toàn bộ các lực lượng tác chiến quốc tế rút đi, viện trợ giảm bớt, kinh tế suy yếu, một cuộc nổi dậy đang tiếp diễn và bầu ra một vị tổng thống mới. Mời quí vị theo dõi thêm tiết qua bài tường thuật của thông tín viên Sharon Behn của đài VOA.

Cuộc bầu cử tổng thống vào tháng tư năm 2014 sẽ mang lại cho Afghanistan một chính phủ đầu tiên không nằm dưới sự lãnh đạo của ông Hamid Karzai kể từ khi Hoa Kỳ lật đổ chính quyền Taliban.

Trong nhiều năm nay, những người chỉ trích nói rằng ông Karzai đã chuyển đổi từ một đồng minh đáng tin cậy của Mỹ thành một nhà lãnh đạo khó tiên liệu và là người gây bực giọc cho cả các đối tác nước ngoài lẫn các đồng minh trong nước.

Mặc dù vậy, ông Karzai đã trở thành một biểu tượng của sự liên tục ở Afghanistan. Và nhiều người trẻ lớn lên tại các thành phố lớn như Kabul đang trông dợi một tương lai tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên, nhà phân tích Kate Clark cho rằng cuộc bầu cử vào năm tới có lẽ sẽ không được tự do và công bằng vì có những vụ đấu đá chính trị kịch liệt và tình trạng vô pháp luật ở các vùng nông thôn.

"Tình trạng lý tưởng là chúng ta có một người nào đó có được sự tán thành của người dân. Và tôi nghĩ rằng điều đó rất khó. Sự gian dối nhiều đến nỗi chúng ta sẽ không làm cho bất kỳ một người nào cảm thấy hài lòng. Vấn đề ở đây là tình hình sẽ bê bối tới mức nào."

Một vấn đề quan trọng khác là các lực lượng Mỹ ở Afghanistan có ở lại nước này sau năm 2014 hay không. Hồi đầu tháng này, ông Karzai đã không chịu ký một hiệp định an ninh song phương ngõ hầu một toán quân của Mỹ có thể ở lại để huấn luyện, trợ giúp và trang bị cho các lực lượng Afghanistan.

Ông Karzai đã bác bỏ đề nghị của các vị bô lão trên cả nước, là những người đã tán đồng thỏa thuận an ninh. Ông nói rằng hiệp định này nên được ký kết sau khi cuộc bầu cử đã hoàn tất và hòa bình và ổn định được thiết lập ở nước ông.

Các giới chức Hoa Kỳ đang ra sức thuyết phục ông Karzai ký kết hiệp định an ninh trước cuối năm nay. Họ nói rằng sự trì hoãn sẽ khiến cho việc lưu lại Afghanistan của khoảng 12.000 quân nhân Mỹ trở nên khó khăn hơn.

Một vấn đề gai góc khác là lân bang Pakistan. Hoa Kỳ đang lo ngại về việc Pakistan chứa chấp các phần tử hiếu chiến và về vấn đề an ninh của các tuyến chuyển vận ra khỏi Afghanistan thông qua Pakistan. Nhưng một cuộc hòa đàm giữa Afghanistan với các phần tử chủ chiến Taliban – là những người cũng bác bỏ hiệp định an ninh song phương, cũng không có dấu hiệu tiến bộ nào cả.

Ông Abdul Hakim Mujahid, một thành viên của Thượng Hội đồng Hòa bình Afghanistan từng theo phe Taliban, nói rằng Afghanistan có thể bị tụt hậu thêm nữa nếu không có được một thỏa hiệp với phe chủ chiến.

"Nếu chúng ta không thể đạt được một giải pháp chính trị và nếu chúng ta xúc tiến cuộc tổng tuyển cử, và nếu một vị tổng thống lên nắm quyền mà không có được một giải pháp chính trị, thì chúng ta sẽ mất ít thêm nhất 5 năm mới có hòa bình. Đó là một điều không may. Giao tranh sẽ tiếp diễn thêm 5 năm và vụ khủng hoảng sẽ tiếp tục trong hơn năm nữa ở quốc gia này."

Các lực lượng an ninh Afghanistan đang nắm vai trò lãnh đạo nhiều hơn trong các hoạt động bảo vệ an ninh trên cả nước, nhưng tỉ lệ binh lính và cảnh sát rời bỏ hàng ngũ cùng với tỉ lệ thương vong cũng đang trên đà gia tăng. Một bản phúc trình hồi tháng 7 của Ngũ giác đài cho biết thương vong của các lực lượng Afghanistan đã tăng mạnh tới mức hơn 300 người mỗi tháng, vào lúc bắt đầu của mùa tấn công của phe Taliban.

Nhà phân tích Kae Clark cho biết tính tới tháng 9, các lực lượng Afghanistan có tới 100 người chết mỗi tuần.

Cựu Bộ trưởng Hamidullah Farooqi, thành viên của Đảng Chân lý và Công lý, cho biết các lực lượng an ninh của Afghanistan sẽ cần tới những trợ giúp đáng kể sau năm 2014.

"Chúng tôi còn tụt hậu đôi chút trong trường hợp đó. Đó chính là lý do tại sao tôi không biết là phải chăng các lực lượng an ninh Afghanistan sẽ có thể bảo vệ đất nước này mà không cần sự hỗ trợ, và kinh tế của chúng tôi, các nguồn lực của đất nước chúng tôi không đủ để đáp ứng các nhu cầu an ninh và phát triển quốc gia."

Sự kiên nhẫn của cộng đồng quốc tế đối với ông Karzai đang mỗi ngày một giảm. Các nhà phân tích cho biết vấn đề hiện nay phần lớn là tùy thuộc việc Washington sẵn sàng chìu theo ý muốn của nhà lãnh đạo Afghanistan tới mức nào. Nếu Hoa Kỳ triệt thoái toàn bộ lực lượng và không cung cấp các khoản viện trợ lên tới 8 tỉ đô la, các nhà phân tích nói rằng Afghanistan sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn trong một thời gian khá lâu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG