Đường dẫn truy cập

Afghanistan cứu xét thỏa thuận an ninh với Hoa Kỳ


Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai phát biểu trong ngày đầu của hội nghị Loya Jirga trong thủ đô Kabul, Afghanistan
Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai phát biểu trong ngày đầu của hội nghị Loya Jirga trong thủ đô Kabul, Afghanistan
Tổng thống Afghanistan hôm thứ năm tuyên bố ông ủng hộ một thỏa thuận an ninh song phương đạt được với Hoa Kỳ theo đó lực lượng Hoa Kỳ tại Afghanistan có thể ở lại qua hết năm 2024 và có thể lâu hơn.

Trong một bài phát biểu sôi nổi với 2.500 nhà lãnh đạo bộ tộc, cộng đồng và dân cử, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai đã bênh vực một thỏa thuận an ninh song phương đạt được với Washington, và nói thỏa thuận này sẽ có lợi cho Afghanistan về lâu về dài.

Nói rằng ông được sự hậu thuẫn của các đồng minh chính của Afghanistan và các nước láng giềng ngoại trừ Iran, ông Karzai khuyến khích nghị hội, gọi là Loya Jirga bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận an ninh này.

Nhưng trong điều có thể là một điểm gai góc với Hoa Kỳ, ông Karzai tuyên bố nếu Jirga chấp thuận văn kiện và sau đó Quốc hội biểu quyết ủng hộ thỏa thuận thì hiệp ước “có thể được ký kết” sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 8 năm 2014.

Thỏa thuận sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng giêng năm 2015, và sẽ giữ nguyên binh sĩ và nhân viên dân sự Mỹ ở lại Afghanistan thêm ít nhất một thập niên và có thể còn lâu hơn nữa.

Ông Karzai nói với Jirga bằng tiếng Pashto xen lẫn với tiếng Dari:

“Không có tình hữu nghị thì không thể làm được gì cả. Khi đứng một mình, người ta cuối cùng sẽ gục dưới chân những người khác, như chúng ta đã từng rơi vào hoàn cảnh như thế. Người ta thường nói rằng một người lãnh đạo chỉ là người lãnh đạo nhờ bạn bè của mình, và chỉ khi nào có bạn bè tốt. Chúng ta không muốn có một tình bạn yếu kém.”

Theo các điều khoản của thỏa thuận, lực lượng Hoa Kỳ sẽ không còn tiến hành các hoạt động tác chiến ở Afghanistan. Sứ mạng của họ sẽ là huấn luyện, hỗ trợ và trang bị cho lực lượng an ninh Afghanistan và tìm cách bảo đảm rằng các mạng lưới khủng bố không sử dụng đất nước này như một căn cứ hoạt động.

Thỏa thuận đạt được giữa Washington và Kabul hồi đầu ngày thứ năm, nay sẽ phải được sự chấp thuận của các thành viên Jirga, đến từ khắp nơi trong nước. Họ tề tựu dưới sự bảo vệ an ninh chặt chẽ ở thủ đô.

Mặc dầu vai trò của Jirga mang tính thuần tuý tham vấn, sự ủng hộ của họ dành cho hiệp ước an ninh được coi là quan trọng về mặt chính trị. Lá phiếu chung quyết nằm trong tay quốc hội Afghanistan.

Ông Karzai đã đọc trước hội nghị một bức thư mà ông nói là của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama gửi trong đó nhà lãnh đạo Mỹ nói lực lượng Hoa Kỳ sẽ chỉ dùng vũ lực xâm nhập gia cư của người Afghanistan dưới “các tình huống bất thuờng có liên quan đến nguy cơ cấp thiết cho sinh mạng và thể xác của công dân Hoa Kỳ.”

Vấn đề các cuộc đột kích của Hoa Kỳ đã gây chậm trễ cho toàn bộ thỏa thuận song phương cho đến chỉ vài giờ trước khi Loya Jirga khai mạc hôm thứ năm.

Ông Karzai nói mặc dù ông có một mối quan hệ khó khăn với Hoa Kỳ, hậu thuẫn của Washington đóng vai trò chính đối với tương lai của Afghanistan.

Ông nói thêm rằng kinh nghiệm làm việc 10 năm cho ông thấy rằng hòa bình nằm trong tay Hoa Kỳ và người dân Afghanistan mong muốn hòa bình và an ninh.

Trong thập niên vừa qua, nhà lãnh đạo Afghanistan đã thường xuyên chỉ trích Hoa Kỳ, trong khi các giới chức ở Washington đã bày tỏ sự bất bình rằng các hy sinh của Washington ở Afghanistan không phải lúc nào cũng được thừa nhận.

Các thành viên Jirga, kể cả các chuyên gia pháp lý, học giả tôn giáo, trí thức và các nhà hoạt động, dự trù sẽ dành 4 ngày để thảo luận các chi tiết của thỏa thuận. Ông Karzai kêu gọi họ nghĩ đến nhu cầu của đất nước trong khi đi đến quyết định. Ông nói thêm rằng ông không có đại diện riêng trong cuộc họp và đại diện duy nhất của ông là sự đồng thuận quốc gia về quyền lợi và nhu cầu của Afghanistan.

Một trong những điểm gây tranh cãi nhiều hơn trong văn kiện và vấn đề về quyền tài phán pháp lý. Thỏa thuận quy định rằng lực lượng Hoa Kỳ sẽ không bị bắt hay giam giữ bởi nhà chức trách Afghanistan, hoặc bị đơn phương chuyển giao cho một tòa án quốc tế.

Thay vì thế, mọi hành vi sai trái sẽ do nhà chức trách Hoa Kỳ phán xét. Tuy nhiên, nhà chức trách Afghansitan sẽ có thể yêu cầu nhân viên cụ thể đó phải rời khỏi nước.

Theo thỏa thuận, Hoa Kỳ cũng cam kết tìm nguồn tài chính trên cơ sở hàng năm để hỗ trợ cho lực lượng phòng vệ dân sự Afghanistan.

Thỏa thuận cũng cho phép lực lượng Hoa Kỳ có các căn cứ ở Kabul và Bagram ở trung tâm Afghanistan cùng với các tiền đồn tại các khu vực chiến lược chủ chốt ở những nơi khác trong nước.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG