Ngân hàng Phát triển Á Châu nhận định rằng Việt Nam nên chú ý tới mức độ chênh lệch ngày càng lớn giữa tỷ giá hối đoái trên thị trường tự do và tỷ giá chính thức, vốn có thể được coi là thước đo niềm tin của các nhà đầu tư.
Hãng tin Bloomberg trích lời giám đốc ADB tại Việt Nam, ông Ayumi Konishi phát biểu trong một cuộc họp báo ở Hà Nội rằng xu hướng này chắc chắn phản ánh kỳ vọng của người dân.
Theo một nghiên cứu mới của Credit Agricole CIB tiền đồng Việt Nam thấp hơn khoảng 1,8% trên thị trường tự do so với tại các ngân hàng.
Một kinh tế gia tại Văn phòng Hội nhập Kinh tế Khu vực của ADB ở Manila cho hay trong khi các nền kinh tế khác như Trung Quốc và Thái Lan lo ngại về việc tiền tệ nước họ tăng giá thì mối quan ngại của Việt Nam lại là sự giảm giá mạnh của tiền đồng.
Cũng theo kinh tế gia này thì việc giảm giảm giá tiền tệ một cách có kiểm soát không phải là một ý tưởng tồi khi Việt Nam đang có mức thâm hụt thương mại cao. Tuy nhiên, mối quan ngại ở đây là sự giảm giá mạnh mẽ và đột ngột do thiếu niềm tin vào tiền đồng.
Cũng liên quan đến vấn đề tiền tệ, theo một nghiên cứu mới có tiêu đề “Giải quyết vấn đề đa tiền tệ tại các nền kinh tế chuyển đổi” được công bố hôm 15/10 của ADB, 20% nguồn tiền lưu thông tại Việt Nam hiện tại là tiền đôla.
Ông Ayumi Konishi, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam nhận định rằng việc giải quyết tình trạng đô la hóa và đa tiền tệ là một vấn đề thuộc chính sách kinh tế quốc gia. Ông lưu ý các cơ quan quản lý, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rằng chỉ riêng các giải pháp hành chính thì không thể đạt được hiệu quả giảm tình trạng đô la hóa nền kinh tế. Ông Konishi khuyến nghị rằng điều quan trọng là cần tăng cường niềm tin của nhân dân đối với đồng tiền nội tệ thông qua tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, ổn định tỷ giá, cải cách chính sách tiền tệ và tăng cường năng lực các thể chế tài chính.
(Nguồn: Bloomberg, Thanh Nien, VOV)