Thương mại ở châu Á đã tăng trưởng nhanh một cách đều đặn kể từ năm 2017 nhưng đà tăng trưởng này có thể bị gián đoạn nếu tranh chấp thương mại leo thang, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á Takehiko Nakao phát biểu hôm 3/5 khi các chủ nợ trong khu vực bắt đầu cuộc họp thường niên, AP đưa tin.
Khi được hỏi tại một cuộc họp báo về xích mích giữa Mỹ và Trung Quốc về mất cân bằng thương mại, ông Nakao nói rằng cho đến nay chưa thấy ảnh hưởng có thể đo lường được đối với xuất khẩu và nhập khẩu trong khu vực.
“Dĩ nhiên chúng tôi quan ngại về tranh cãi đang diễn ra giữa một số nước và nếu thương mại bị gián đoạn thì nó sẽ gây thiệt hại lớn cho các nước châu Á cũng như các nước khác trên thế giới,” ông Nakao phát biểu khi ADB bắt đầu cuộc họp thường niên tại Manila, nơi họ đặt trụ sở.
Cuộc họp này diễn ra đồng thời với lúc bắt đầu hai ngày thảo luận ở Bắc Kinh giữa các quan chức cao cấp của Mỹ và Trung Quốc với mục tiêu làm giảm khác biệt xung quanh tình trạng mất cân bằng thương mại lớn và triền miên giữa hai nước và đẩy lùi việc áp thuế quan có hại mà hai nước đã dọa là sẽ áp đặt lên hàng hóa xuất khẩu của nhau.
“Nhiều quốc gia châu Á dựa rất nhiều vào giao thương và đã tăng trưởng nhờ vào các chính sách ổn định và thương mại-đầu tư cởi mở,” ông Nakao nói.
Trong khi đó, cũng tại Manila, bộ trưởng tài chính các nước Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc hôm 4/5 cảnh báo nguy cơ của chủ nghĩa bảo hộ và nhất trí đảm bảo thương mại đa phương mở và dựa trên luật pháp, theo Reuters.
Ba nước này cho rằng những bất ổn địa chính trị là nguồn gốc tạo ra nguy cơ đối với kinh tế toàn cầu, theo thông cáo đưa ra sau cuộc họp của các bộ trưởng tài chính ba nước bên lề cuộc họp thường niên của ADB.